Sự đồng điệu tâm hồn của hai nhà thơ tình đất Quảng*
(Cadn.com.vn) - Tuổi niên thiếu của thế hệ 6X chúng tôi biết đến nhà thơ Thu Bồn qua trường ca Bài ca chim chơ rao, bài thơ Gửi lòng con đến cùng Cha trong những bài học học đường... Dần lớn lên, từ lúc nào không biết, mấy câu thơ tình của Thu Bồn đọc được đâu đó đã neo trong lòng rất sâu:
tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
anh trở về hóa đá phía bên kia.
(Tạm biệt Huế)
Để đến một ngày, đọc Chuyên luận văn học Thu Bồn - Nhà thơ trữ tình Đất Quảng (Nxb Đà Nẵng, 2011) của nhà thơ Nguyễn Kim Huy, ấn tượng về thơ tình của Thu Bồn bỗng chốc bùng vỡ. Thu Bồn - Nhà thơ trữ tình Đất Quảng được tác giả cấu trúc thành ba chương. Chương một: Thu Bồn - Cuộc đời và thơ văn; Chương hai: Thơ Thu Bồn - Bản sắc cái tôi trữ tình; Chương ba: Thơ Thu Bồn - Tư duy và phương thức thể hiện. Chương nào cũng được viết công phu, nghiêm cẩn, từ việc xác lập các luận điểm, chọn lọc luận cứ cho đến thể hiện tư duy lập luận, xây dựng lời văn... Trong đó, phần được chăm chút nhất và được thể hiện say sưa nhất là chương hai, đặc biệt là đoạn về "cái tôi trữ tình lãng mạn" của thơ Thu Bồn. Sự đồng điệu tâm hồn của người viết chuyên luận vốn là một nhà thơ đồng hương với nhà thơ đất Quảng ân tình chọn tên của con sông quê làm bút danh đã thu hút bạn đọc, kể cả những bạn đọc có thể thờ ơ với phê bình văn học và khó tính với thơ ca, về mảng thơ tình yêu của Thu Bồn.
Nghĩ về thơ Thu Bồn trước năm 1975, có lẽ nhiều người đinh ninh, thơ Thu Bồn chỉ tập trung vào đề tài chiến tranh, độc lập dân tộc với giọng điệu hào sảng cùng âm sắc anh hùng ca. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy nhận ra: "Nhưng, ngay ở những vần thơ cuộn xiết, vạm vỡ mang tinh thần đại chúng trong cơn lốc chiến tranh đó, ta cũng tìm thấy một tâm hồn thi sĩ thoáng nét thầm lặng, nao nao của sự cô đơn riêng mình, ẩn chứa một tâm trạng sâu lắng khác lạ". Chiến tranh lùi xa. Văn học, trong đó có thơ ca, chuyển hướng. Từ khuynh hướng sử thi lãng mạn, cảm thức thơ hướng vào thế sự - đời tư với xu thế suy tư, chiêm nghiệm, vì thế đề tài tình yêu nhân bản luôn chiếm ưu thế. Thu Bồn nhanh chóng trở thành "nhà thơ của tình yêu say đắm và nỗi cô đơn mênh mang".
Nguyễn Kim Huy nhận thấy: "Và có lẽ cũng chỉ duy nhất ông là người đã xuất bản riêng một tập thơ với tên gọi hoàn toàn dành cho tình yêu, dành cho người mình yêu: Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (Nxb Văn nghệ TPHCM, 1992)". Anh lý giải cái tựa ấy thật chí lý, tựa như đó là tập thơ của anh, do anh sáng tác và đặt tên vậy: "Ngay nhan đề tập thơ, cũng đã thể hiện một phong cách độc đáo chỉ riêng có ở Thu Bồn, thể hiện ý nguyện được chia sẻ của tác giả bộc lộ rõ ràng ở tên gọi tập thơ khi nhà thơ nhờ đối tượng trữ tình trực tiếp ghé vai gánh vác một phần việc tối quan trọng là đặt tên cho những bài thơ, với một số lượng vừa rất lớn, vừa cụ thể: một trăm bài!". Nhà thơ tình Xuân Diệu từng muốn làm một từ điển bằng thơ về tình yêu với đủ mọi cung bậc cảm xúc của trái tim. Mà suy cho cùng, nhà thơ nào mà không vươn tới niềm khát khao ấy, bởi thơ tình là cốt tủy, máu thịt của thi sĩ - giới luôn được mệnh danh là nòi tình trong nhân gian. Thì đây, thơ tình của Thu Bồn chất chứa "mọi giấc mơ phóng khoáng, tự do và say đắm nhất của tình yêu, mọi sắc thái cuồng nhiệt, hoang dã và bạo liệt tột cùng của tình yêu, mọi cung bậc vui buồn thương nhớ khổ đau và hạnh phúc nhất trong tình yêu, sự chung thủy tột cùng và thay đổi cũng tột cùng, sự hàn gắn nối kết vững bền và cũng mong manh hư ảo đến cực điểm của tình yêu đã được Thu Bồn tuôn trào bày tỏ như một dòng thác ào ạt, cuống quýt, nồng nàn".
Nguyễn Kim Huy đọc được tất cả cõi lòng Thu Bồn ký thác qua thơ tình: thái độ biết ơn và tôn thờ tình yêu (Tôi già hơn em một cuộc chiến tranh / trong buổi trưa nắng khát này / tôi nhận từ tay em bát nước quá đầy / bàn tay tôi run rẩy / làm sao khỏi sánh ra ngoài những giọt nước trong - bài 1); sức mạnh tình yêu làm cho con người ta giàu có trong tâm hồn, thành "triệu phú" của niềm vui và cả nỗi đau (có em anh trở thành triệu phú / có triệu niềm vui và có triệu niềm đau - bài 2); có tình ngu ngơ (bài 7), có tình si mê (bài 39), có tình chỉ biết cho đi, chỉ biết dâng hiến (bài 45), có nỗi đau cô đơn tình phụ rẫy (bài 6)...
Trong thơ tình, Thu Bồn có triết lý đấy nhưng cái chính vẫn là cảm xúc. Và như một quy luật tất yếu, buồn đau, thất vọng dễ làm nên thơ hay vì đó là những cảm xúc thật. Những bài thơ tình hay nhất của ông luôn đi sâu, gặm nhấm nỗi đau đớn đến tuyệt vọng. Tác giả Nguyễn Kim Huy đọc hơn trăm bài thơ mênh mông cay đắng của ông, chẳng hạn như:
lấy khăn mà gói bơ vơ
tay cầm nước mắt bao giờ sang sông?
gặp minh mang cũng mênh mông
nắng qua bao chuyến mà không nhạt nhòa
lòng anh rúc tiếng tù và
gọi đò mãi... bỗng nhớ ra gọi mình.
(Mong em về trước cơn mưa)
để khái quát tri âm: "Có thể nói, suốt cuộc đời mình, Thu Bồn đã làm một cuộc đuổi bắt kiếm tìm vô tận đến tuyệt vọng đối với tình yêu. Để rốt cuộc, nhà thơ nhận lấy sự cô đơn mênh mông với tất cả sức ám ảnh giày vò của nó".
Về nghệ thuật mảng thơ tình Thu Bồn, nhà thơ Nguyễn Kim Huy cũng có những nhận xét tinh tế: "Tình yêu trong Thu Bồn rộng lớn, mênh mông, rất thành thực nhưng cũng đầy bí ẩn. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ hay nói đến thiên hà, vũ trụ và bị ám ảnh bởi cái hư ảo, sự hư vô của cuộc đời". Trong từ trường của tiếng lòng đồng điệu, tác giả chuyên luận đã có những phát hiện qua những lời lẽ giàu chất thơ: "Có lẽ để chống lại sự ám ảnh của cái hư vô, hư ảo ấy mà Thu Bồn hay nói nhiều đến một hình ảnh mạnh mẽ, nguồn gốc của cuộc sống văn minh nhân loại từ thuở thần Prômêtê chịu cực hình để có được nó, tượng trưng cho sức sống bền bỉ và sinh động của nhân loại: hình ảnh ngọn lửa." Hoặc: "Lần đầu tiên trong lịch sử tình yêu nước Việt, có một người đàn ông hóa đá, biến thành hòn vọng thê như một lần xin lỗi, một lần đền bù, một lần bày tỏ sự đồng cảm cho bao người thiếu phụ như nàng Tô Thị ngày xưa hóa đá chờ chồng; những bi kịch tình yêu cổ điển đã làm một cuộc đổi ngôi trong thời hiện đại một cách tự nguyện...".
Dường như khó có thể phủ nhận là tác giả chuyên luận Thu Bồn - nhà thơ trữ tình đất Quảng viết về thơ tình Thu Bồn bằng cả bản năng trực cảm và tư duy chiêm nghiệm của một nhà thơ đã từng có nhiều bài thơ tình hay. Tiếng nói tri âm đã mang sức sống và sự tỏa lan cảm xúc đến cho phần viết về thơ trữ tình Thu Bồn, tạo nên một điểm nhấn nóng bỏng trên một diện vững vàng của tập chuyên luận. Có thể thấy lời văn nghiên cứu ở đoạn này cũng say sưa, bay bổng như bản chất của thơ, xuất phát từ chân cảm đối với một nhà thơ đàn anh đồng hương xứ Quảng "chưa mưa đã thấm", "chưa nhấm đã say"...
Với sức đồng điệu - đồng sáng tạo của Nguyễn Kim Huy thông qua chuyên luận, thơ tình Thu Bồn với "ngọn lửa Thu Bồn, ngọn lửa tình yêu trong Thu Bồn chắc chắn sẽ còn bùng cháy lâu dài với cuộc đời, sưởi ấm và đốt sáng lên mọi nẻo hư vô hư ảo của cõi đời rộng lớn này, sẽ còn ở lại lâu dài với người đời khi người đời còn sống còn yêu".
Chế Diễm Trâm
(*) Đọc "THU BỒN - NHÀ THƠ TRỮ TÌNH ĐẤT QUẢNG" - Nguyễn Kim Huy, NXB Đà Nẵng 2017.