Sử dụng 34 nghìn tỷ đồng thực hiện CT-SGK mới như thế nào?
(Cadn.com.vn) - Đề án Đổi mới Chương trình – Sách giáo khoa sau năm 2015 vừa báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận, cho rằng số kinh phí hơn 34 nghìn tỷ đồng mà Bộ GD-ĐT đề xuất là quá lớn, không rõ mục tiêu. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trả lời chính thức trước báo chí về vấn đề này.
P.V: Thưa Thứ trưởng, gần đây dư luận xôn xao tranh cãi, người thì nói Bộ GD-ĐT dùng hơn 34 nghìn tỷ đồng, người thì nói hơn 5.000 tỷ đồng để viết một bộ SGK mới. Vậy đâu là số tiền chính xác Bộ đề xuất dùng biên soạn một bộ SGK mới?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nếu chỉ để dùng viết một bộ SGK mới thì cả 2 con số 34 nghìn tỷ và 5.000 tỷ đồng bạn vừa nêu đều không đúng. Đề án của Bộ GD-ĐT đề xuất việc biên soạn CT–SGK mới với kinh phí là 105 tỷ đồng.
Tôi xin nhấn mạnh là 105 tỷ đồng và không phải chỉ để viết một bộ SGK mới mà là biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông và SGK giáo dục phổ thông, sách giáo viên phục vụ dạy và học phổ thông. Biên soạn Chương trình thì phải rất kỹ lưỡng và qua nhiều quy trình. Phải chọn cử các chuyên gia xây dựng chương trình tổng thể, chương trình từng bộ môn, các hội đồng thẩm định chương trình,... sau đó mới đi tới việc viết SGK mới, sách giáo viên mới, thẩm định từng cuốn sách từ lớp 1 đến lớp 12 với hàng trăm cuốn.
Chúng tôi xin nói lại con số 105 tỷ đồng đó được xây dựng dựa trên những định mức kinh tế kỹ thuật rất chi tiết mà Bộ Tài chính ban hành. Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể như định mức cho mỗi trang SGK là bao nhiêu nghìn đồng, thẩm định một bài trong SGK bao nhiêu nghìn đồng,...
Như các bạn đã biết, chúng ta không có thầy cô giáo hay những chuyên gia chuyên trách về việc xây dựng chương trình, viết SGK nên phải bắt đầu từ việc tập huấn đội ngũ xây dựng chương trình, đội ngũ viết SGK, đội ngũ thẩm định chương trình và SGK đó. Sau đó, phải dạy thí điểm để hoàn thiện chương trình và SGK.
P.V: Vậy là chúng ta chỉ tiêu có 105 tỷ đồng để biên soạn Chương trình và SGK mới sau năm 2015 – một con số thấp hơn nhiều so với những tranh cãi nhiều ngày qua. Vậy còn số tiền 34 nghìn tỷ đồng sẽ dùng vào việc gì, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khái toán hơn 34 nghìn tỷ đồng là bao gồm tất cả các công việc đảm bảo cho việc thực hiện thành công CT- SGK mới đó trong thực tế dự kiến chi trong hơn 7 năm. Số tiền này dùng để chi vào 5 nhóm việc chính như sau: Thứ nhất là Biên soạn chương trình, SGK, sách giáo viên (105 tỷ đồng).
Thứ hai là Tổ chức dạy thử nghiệm CT, SGK mới tại 600 trường với 340 nghìn học sinh (được cấp SGK miễn phí); Tập huấn, bồi dưỡng, cấp Sách giáo viên cho 20.000 cán bộ quản lý và giáo viên với kinh phí 910 tỷ đồng. Thứ ba là Triển khai đại trà CT-SGK mới tại 30 nghìn trường, 15 triệu học sinh và 900.000 giáo viên với kinh phí 8.150 tỷ đồng (hầu hết số kinh phí này phân cấp về địa phương). Thứ tư là cung cấp trang thiết bị dạy học, bao gồm: bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị đã có và trang bị mới,... với kinh phí 20.100 tỷ đồng (số tiền này Bộ Tài chính phân bổ thẳng về ngân sách của 63 địa phương) cho các nhà trường để đảm bảo dạy được chương trình và SGK mới.
Thứ năm là Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục: 5.010 tỷ đồng. Nói một cách chung nhất là số tiền đó dùng để đào tạo, tập huấn, cung cấp trang thiết bị đồng bộ cho đội ngũ gần một triệu giáo viên và 15 triệu học sinh tại khoảng 30.000 ngôi trường phổ thông của 63 tỉnh, thành phố trong suốt 7 năm kể từ khi bắt đầu thử nghiệm đến khi triển khai đại trà CT-SGK mới.
P.V: Thưa ông, con số 34 nghìn tỷ đồng sẽ được cấp trực tiếp về Bộ GD-ĐT hay không?cấp một lần và cấp ngay trước thời điểm triển khai CT- SGK mới năm 2016 hay sẽ được phân bổ trong cả khoảng thời gian triển khai chương trình, SGK?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi xin nhấn mạnh là số tiền 34 nghìn tỷ đồng này không phải chúng tôi xin cấp ngay một lần trong một năm mà là trong 7 năm, kể từ khi bắt đầu thử nghiệm đến khi triển khai đại trà CT-SGK, như vậy mỗi một năm khoảng 5.000 tỷ đồng để triển khai trên phạm vi rộng toàn quốc.
Trong đó số tiền cấp trực tiếp cho Bộ GD&ĐT chỉ có phần Biên soạn Chương trình, viết SGK; còn từ phần thử nghiệm bắt đầu cấp tiền cho các địa phương và đặc biệt phần triển khai đại trà và trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật là chi tại các địa phương, các nhà trường và do các địa phương quản lý. Bộ GD&ĐT chỉ quản rất ít trong số 34 nghìn tỷ.
Trong số 34 nghìn tỷ, chủ yếu gửi về các địa phương, chúng tôi ước khoảng 30 nghìn tỷ là chi thẳng về các địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ được chi tiêu khoảng 4 nghìn tỷ. Như tôi đã phân tích ở trên, trong 5 hạng mục chi số tiền này, khoản lớn nhất là hơn 20 nghìn tỷ đồng dành để chi phí trang thiết bị , cơ sở vật chất do Bộ Tài chính phân bổ về cho các địa phương quản lý, không phải về tài khoản của Bộ GD-ĐT.
Một khoản chi lớn thứ hai (8.150 tỷ đồng) là tập huấn cho gần triệu giáo viên khi triển khai đại trà thì cũng là do các địa phương triển khai phần lớn, Bộ chỉ tập huấn cho giáo viên cốt cán. Số 34 nghìn tỷ này Bộ GD-ĐT đang khái toán và nó phải được thẩm định qua cơ quan khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và phải được trình để Quốc hội thông qua.
Rồi xây dựng đề án trình Chính phủ phê duyệt chúng ta mới triển khai. Vì thế tôi có thể đảm bảo là số tiền này sẽ được duyệt chi đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng định mức từng hạng mục, không thể tùy tiện tiêu hoang hay lãng phí.
Hy vọng từ năm 2016, HS sẽ được học chương trình và SGK mới. |
P.V: Thưa Thứ trưởng, mục đích của việc chúng ta phải tiêu một số tiền lớn như vậy trong bối cảnh kinh tế còn rất khó khăn hiện nay là gì, thưa ông? Liệu có thể tạo ra một sự thay đổi nào đối với nền giáo dục đất nước hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Mục đích của tất cả những việc làm này và cũng là mục tiêu cao nhất mà đề án đổi mới CT – SGK sau năm 2015 hướng tới góp phần làm thay đổi toàn diện, căn bản nền giáo dục hiện nay. Chúng tôi rất hy vọng, khi chúng ta triển khai chương trình mới này, sẽ tạo ra được lớp học sinh phổ thông có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng tự học.
Chương trình này cũng tạo điều kiện phân hóa học sinh phổ thông, tạo điều kiện học tốt hơn giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Nói một cách ngắn gọn là để sau 10 năm tới chúng ta có một thế hệ công dân mới tự tin, chủ động, có khả năng hội nhập cung cấp nguồn nhân lực có thể cạnh tranh và làm giàu cho đất nước.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Hoa - Ngọc Anh
(thực hiện)