Báo Công An Đà Nẵng

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường

Thứ năm, 23/07/2020 13:33

Ngày 22-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T/Ư  Nguyễn Văn Bình và  Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam năm 2020; triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Chủ tịch UBND TP  Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì tại đầu cầu Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.

Được đánh giá là sự kiện uy tín nhất ngành năng lượng Việt Nam năm 2020, Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam thu hút sự tham dự của 2.000 quan khách, đại biểu tham dự tại đầu cầu Hà Nội và các điểm cầu cả nước, trong đó có hàng trăm diễn giả, chuyên gia trong ngành năng lượng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình khẳng định: Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn liền với những hoạt động chính trị ngoại giao, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên ông Bình cũng cho rằng, ngành năng lượng nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém và mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các lượng cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi đó nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi. “Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế, hiệu quả khai thác sử dụng năng lượng còn thấp; thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện, độc quyền nhà nước còn cao. Bên cạnh đó, chính sách giá năng lượng còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội", ông Bình nhấn mạnh.

Về thực hiện Nghị quyết 55, ông Bình lưu ý phải xem việc bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển KT-XH. Cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, xem đây là một nhiệm vụ rất khó và phải có thị trường mới có thể phát triển năng lượng một cách nhanh và bền vững. Cùng với đó, phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Đặc biệt, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. “Tôi cho rằng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ dừng lại ở chính sách khuyến khích chung chung. Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”, ông Bình nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh dự tại đầu cầu Đà Nẵng.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, Nghị quyết 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách. Một điểm nhấn được đặt ra trong Nghị quyết 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng. Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành năng lượng Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức về nguồn nguyên liệu sơ cấp ở Việt Nam ngày càng giảm như than, khí. Việc phải nhập khẩu những nguồn nguyên liệu này khiến chúng ta giảm khả năng tự chủ, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng để phát triển năng lượng còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, nhiều dự án điện than lớn trong Quy hoạch điện VII đang gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ do thiếu vốn và những quan ngại về vấn đề môi trường; thị trường năng lượng cạnh tranh chưa đồng bộ, bất cập về giá... Để triển khai Nghị quyết 55, Phó Thủ tướng cho hay, trước hết là hoàn thiện thể chế, kiểm soát quá trình phát triển. Riêng về huy động nguồn lực cho năng lượng đến năm 2025, Việt Nam cần 7- 10 tỷ USD cho các dự án mới, đầu tư mạnh cho nguồn điện và truyền tải. Trong khi đó, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mức 8% cho đến năm 2030, Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030, điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu, chuyên gia đầu ngành tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề như: Xác định rõ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn để cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo của Đảng nêu tại Nghị quyết 55; kiến nghị, đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết, nhất là về xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả; cơ chế, chính sách đột phá cho chuyển dịch năng lượng thành công... Đồng thời, kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện; xử lý những vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo quan điểm, chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; trao đổi, đề xuất những vấn đề lớn, mang tính chiến lược để tạo lập cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch; trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về mô hình, cơ chế, chính sách, về các giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng, nhất là trong chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển bền vững; làm rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương...

CÔNG HẠNH