Báo Công An Đà Nẵng

Sử dụng ví điện tử như thế nào để tránh bị mất tiền?

Thứ năm, 09/03/2023 10:36
Khách hàng cần nâng cao ý thức bảo mật khi sử dụng ví điện tử, tránh bị mất tiền oan.

Hiện nay, hình thức thanh toán qua ví điện tử dần phổ biến trong đại bộ phận người dân. Anh Nguyễn Văn Thành (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) là một trong những người thường xuyên sử dụng ví điện tử để thanh toán trực tuyến nên trong chiếc điện thoại thông minh của anh cài đầy đủ các ứng dụng dịch vụ thông qua các loại ví như: MoMo, ZaloPay, Viettel Pay, VnPay... "Ngoài việc thanh toán tiền điện, nước, thẻ nạp điện thoại thì tôi sử dụng ví điện tử cho việc mua sắm, đặt đồ ăn trên các trang thương mại điện tử vì được áp nhiều mã giảm giá vận chuyển để tiết kiệm chi phí. Ví điện tử được thanh toán rất nhanh chóng khi chỉ cần xác minh mật khẩu, vân tay hoặc khuôn mặt mà không cần phải chờ đợi như phương thức truyền thống, điều này rất tiện lợi nhưng cũng mang tới nhiều rủi ro", anh Thành bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Lệ (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) kể, thời điểm cuối năm 2022, chị nhận được thông báo trừ tiền từ phía ngân hàng qua ứng dụng MoMo, cụ thể khoảng 1,8 triệu đồng. Chị rất bức xúc khi không biết mình bị trừ vào khoản tiền gì và tại sao lại bị như vậy. Đến khi chị phản ánh lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ứng dụng mới biết đây là khoản tiền tự gia hạn của dịch vụ liên kết qua điện thoại. "Ứng dụng đó trước đây cho tôi dùng thử miễn phí, chỉ yêu cầu xác minh ví điện tử, tôi không hề biết sau tháng đầu tiên bắt đầu tự gia hạn và tính phí. Tôi thường để số dư 3-5 triệu đồng tại ví điện tử để thanh toán các hóa đơn, tới lúc mất tiền, tôi chưa từng nhận một thông báo trước hay một tin nhắn xác nhận đồng ý gia hạn dịch vụ thêm", chị Lệ nói.

Anh Hồ Duy Tài (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) cũng bị trừ một khoản tiền không rõ ràng sau khi truy cập vào một đường link lạ từ bạn bè gửi và đã bị mất tài khoản truy cập ví điện tử. Ngay sau đó, các đối tượng xấu đã chuyển hết số tiền tại ngân hàng cũng như ví điện tử và một phần của tài khoản ngân hàng. "Tôi không nghĩ chuyện trừ tiền quá đơn giản, không có bất cứ xác nhận bảo mật hay tin nhắn nào thông báo việc tôi đồng ý chuyển tiền từ ngân hàng qua ví điện tử. Với đặc điểm chuyển và nhận tiền nhanh, chỉ trong 5 phút, tôi đã bị mất 5 triệu đồng", anh Tài bày tỏ.

Ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc Công ty CP Giải pháp thanh toán số (VnPay) - chi nhánh Đà Nẵng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) khuyến nghị khách hàng khi sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến qua các chức năng như: QR Code, khuôn mặt, vân tay, mật khẩu cần nên bảo quản điện thoại thông minh thật tốt, không để người khác biết và sử dụng vào các mục đích xấu. "Để tránh được điều đó, ứng dụng thanh toán của ví điện tử VnPay đã thiết lập bảo vệ 2 tầng đối với những giao dịch có giá trị lớn. Cùng với đó là chỉ định hạn mức giao dịch ngày, mỗi thanh toán qua ví sẽ được chuyển hóa đơn sao kê qua hòm thư điện tử của chủ tài khoản để tránh những rủi ro không đáng có", ông Vinh chia sẻ.

Ông Huỳnh Ngọc Thương, Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) - chi nhánh Đà Nẵng khuyến cáo khách hàng nên thống kê lại những ví điện tử; quản lý những liên kết thanh toán ở trên thiết bị, ví điện tử nhằm hủy liên kết đối với ngân hàng, dịch vụ khi không còn nhu cầu sử dụng để tránh mất tiền vào những chương trình gia hạn, thanh toán định kỳ. Đồng thời, khách hàng nên kiểm tra, tra soát nguồn tiền ra, vào từng ngày. Nếu khách hàng bị chiếm quyền quản lý ví điện tử, phải nhanh chóng liên lạc với trung tâm chăm sóc dịch vụ và làm theo hướng dẫn.

Để khắc phục những hạn chế này, nhiều doanh nghiệp, cổng thanh toán đã thực hiện những nâng cấp, thay đổi nhằm hướng đến tính an toàn, bảo mật mà vẫn phát huy những ưu điểm về sự nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên, để giúp bảo mật tốt hơn, người sử dụng cần trang bị tốt những kiến thức, kỹ năng để tránh việc bị trục lợi, lừa đảo từ các đối tượng xấu.

MỸ HẠNH