Báo Công An Đà Nẵng

Sự học nơi miền đất lửa

Thứ ba, 09/01/2018 10:56

Đến với xã miền núi Hướng Linh, H. Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến hình ảnh những người giáo viên đứng trong mưa gió đón học sinh qua những điểm đường sạt lở, con suối chảy xiết. Thấy học sinh lớp mình vắng học một buổi mà không biết lý do, các thầy cô lặn lội vào tận thôn bản nắm bắt tình hình, đón các em ra lớp… Sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội ngũ giáo viên nơi đây thật khó để đong đếm.

Những người giáo viên ở Hướng Linh luôn tận tâm với nghề.

Động Tri ngày ấy, bây giờ!

Khi mặt trời ló dạng, chúng tôi ngược Đường 9 lên Khe Sanh tìm về Trường Tiểu học Hướng Linh (xã Hướng Linh, huyện vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Dọc con đường vào Hướng Linh, những ngọn núi, quả đồi đất bazan được phủ một màu xanh bạt ngàn cao su, cà-phê, hồ tiêu, ngô, sắn… Dưới chân đồi Động Tri  nơi "xác Mỹ chất đầy" năm xưa, nay cũng đã phủ một màu xanh bạt ngàn sự sống. Khói lửa, tàn tích chiến tranh nơi đây cũng dần lùi xa để nhường chỗ cho những ngôi trường, những lớp học của con em dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Niềm tin, hy vọng của bà con dân bản, con em học sinh đồng bào nơi đây như càng chất đầy hơn khi ngày ngày có những người giáo viên thầm lặng bám trường, bám lớp, một lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Trường Tiểu học Hướng Linh nằm ngay dưới chân đồi Động Tri. Đứng ở giữa sân trường ngửa đầu mới có thể nhìn được đỉnh đồi Động Tri cao vút, rộng lớn. Đứng trên đỉnh đồi có thể bao quát được cả một vùng rộng lớn Khe Sanh - Hướng Hóa. Điều đó đã lý giải vì sao những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ và quân đội Sài Gòn rơi vào thế bị động trên toàn chiến trường miền Nam. Tướng Mỹ Westmoreland lúc bấy giờ đưa số lượng lớn quân tinh nhuệ đóng chốt ở Khe Sanh, nhằm phong tỏa biên giới Việt - Lào, cô lập miền Nam với miền Bắc. Mỹ, quân đội Sài Gòn lập nên 3 cụm cứ điểm chính, gồm Làng Vây, Khe Sanh và Tà Cơn. Điểm đồi Động Tri không chỉ bảo vệ trực tiếp sân bay Tà Cơn, mà còn là điểm quan sát lý tưởng do nằm ở một vị trí độc lập, cao hơn tất cả những cứ điểm khác trong vùng. 42 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất khói lửa chiến tranh ác liệt năm xưa nay đã có nhiều đổi thay. Nhìn quang cảnh những đoàn khách tham quan di tích sân bay Tà Cơn, nhìn dòng sông Rào Quán chảy dưới chân đồi Động Tri - nơi có công trình thủy điện lớn đang hoạt động, chúng tôi thấy yên bình quá. Những ngôi trường, những lớp học của con em đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, sừng sững giữa núi rừng Trường Sơn.

Con em học sinh dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ngày càng có điều kiện học tập thuận lợi.

Hết lòng vì học sinh 

Thầy Nguyễn Đức Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Linh, cho biết: "Hướng Linh là một xã sản xuất nông nghiệp, mức thu nhập của các hộ gia đình thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, kinh tế của địa phương phát triển còn chậm. Năm học 2017-2018, toàn trường có 329 học sinh, 34 giáo viên; trong đó có 270 học sinh thuộc diện hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 81%. Cơ sở vật chất nhà trường chưa đồng bộ, thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc, phòng hành chính, khu hiệu bộ, phòng y tế... Dẫu điều kiện dạy học còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng tinh thần thi đua dạy học của thầy trò Trường Tiểu học Hướng Linh vẫn luôn sôi nổi".

Cuộc sống đối diện muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn một lòng bám trường, bám lớp. Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với thầy cô giáo nơi đây là nhìn thấy con em đồng bào dân tộc được đến lớp mỗi ngày theo học con chữ. "Với điều kiện địa hình đồi núi bị chia cắt thành nhiều khu vực riêng biệt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số lại sống phân tán nên ngoài điểm trường chính, trường có thêm 3 điểm trường lẻ tại thôn. Hiện nay, tình trạng lớp ghép đã được xóa bỏ nhưng điều kiện dạy học còn nhiều thiếu thốn. Những giáo viên nơi đây luôn tràn đầy lòng nhiệt huyết với nghề, được bà con dân bản rất tin yêu. Nhờ những hy sinh của thầy cô mà chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng được nâng cao, số lượng học sinh phổ cập luôn đạt tỷ lệ 100%. Kết quả đó là công sức bền bỉ của bao thế hệ thầy cô đã từng qua công tác nơi đây, của những người thầy dám bỏ lại sau lưng những niềm vui riêng để gắn bó hàng chục năm với con em đồng bào dân tộc, với bản làng đang thiếu đói con chữ này", thầy Tuấn trải lòng.

Đứng chân dạy học trên địa bàn xã Hướng Linh, thầy cô giáo nhà trường đều có chung suy nghĩ, luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tận tâm dạy học, hết lòng thương yêu học sinh. Đó vừa là trách nhiệm đối với người dân, con em học sinh dân bản, mà còn là trách nhiệm, lòng tri ân đối với những người đã hy sinh xương máu bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này!

Đêm Khe Sanh yên bình. Đồi Động Tri sừng sững, tràn đầy sức sống. Chúng tôi nằm trên cánh võng, giữa đại ngàn Trường Sơn, nghe đâu đây ai hát: "Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu/Đàn Ta Lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng/…/Tính, tính tính, tính, tính, tính, tính, tính tang tang tình/Con chim Ch'rao xinh, hót trên cành vui mừng công anh/Bộ đội giải phóng quân ơi, anh thắng trận miền Tây Khe Sanh/Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy, đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy/… /Đàn em reo ca ơi đàn Ta Lư/Rừng núi quê ta tưng bừng reo ca…", mà lòng rộn ràng niềm tin yêu khi nghĩ về những gian lao, cống hiến của những người giáo viên nơi đây. Họ cũng như những người lính chiến trận năm xưa, dẫu rằng trận chiến mà họ tham gia hôm nay không có tiếng súng, đạn, nhưng cũng có những hy sinh, mất mát, để đưa ánh sáng văn hóa, sự ấm no, hạnh phúc đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

KHẢI MINH