Báo Công An Đà Nẵng

Sự nhượng bộ đúng lúc

Thứ bảy, 16/08/2014 09:15

(Cadn.com.vn) - Hy vọng nhen nhóm cho Iraq khi Thủ tướng Al-Maliki chấp nhận từ chức, mở đường thành lập một chính phủ mới.

Trước sức ép mạnh mẽ từ bên trong và cả bên ngoài Iraq, Thủ tướng Maliki cuối cùng phải nhượng bộ, tuyên bố từ bỏ nỗ lực lên nắm quyền nhiệm kỳ III.

Theo Reuters, phát biểu trên truyền hình bên cạnh thủ tướng được chỉ định Haidar Al-Abadi, ông Maliki nêu rõ: “...để tạo điều kiện cho tiến trình chính trị cũng như việc thành lập chính phủ mới, tôi xin rút lui khỏi nỗ lực ứng cử để ủng hộ người anh em Abadi”. Việc ông Maliki - nhà lãnh đạo kỳ cựu và cứng rắn quyết định ra đi cũng thật sự gây bất ngờ. Chỉ trước đó ít giờ, ông vẫn khăng khăng tại nhiệm để có thể “chèo lái con thuyền Iraq vượt qua bão tố lần này”. Nhưng “sức cùng lực kiệt”, ông Maliki là người hiểu hơn ai hết, bản thân không còn đủ sự ủng hộ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó. Việc ông từ chức chính thức lúc này là đúng thời điểm, giúp tháo gỡ bế tắc cho chính quyền Baghdad và mở đường cho ông Abadi thành lập chính phủ mới.

Ông Maliki (giữa, trên bục) tuyên bố từ bỏ nỗ lực nắm quyền nhiệm kỳ III liên tiếp hôm 15-8. Ảnh: AP

Quyết định của ông Maliki - nhà lãnh đạo vốn cáo buộc theo đuổi một chương trình nghị sự quyết liệt ủng hộ người Shiite và xa lánh các dân tộc thiểu số Sunni - cũng chắc chắn làm hài lòng nhóm dân tộc thiểu số Sunni. Sunni thống trị Iraq dưới sự cai trị sắt đá của cố Tổng thống Saddam Hussein, nhưng phải ngồi ngoài vòng quyền lực kể từ khi ông Maliki lên nắm quyền năm 2006 với sự ủng hộ của Mỹ.

 LHQ, Mỹ ca ngợi quyết định này của ông Maliki đồng thời hối thúc ông Abadi nhanh chóng lập chính phủ mới. Người dân Iraq ở khắp nơi cũng vui mừng trước quyết định của ông Maliki. Đối với họ, đây là “bước đi quan trọng hướng tới đoàn kết” đất nước Iraq. “Hiện nay, tất cả những gì chúng tôi muốn là có một chính phủ tôn trọng người dân và không phân biệt đối xử”, Youssef Ibrahim, 40 tuổi, nhân viên chính phủ Sunni ở Baghdad nói. Adnan Hussein, 45 tuổi, người Shiite cho rằng, “ông Maliki gây quá nhiều rắc rối cho Iraq và ông phải chịu trách nhiệm đó”.

Và có lẽ, đến lúc này, vai trò của ông Maliki cũng đã chấm dứt. Nhiệm vụ nặng nề đè lên vai Thủ tướng được chỉ định Abadi. Là một nghị sĩ kỳ cựu người Shiite, ông Abadi hiện đối mặt với những thách thức to lớn trong nỗ lực đoàn kết chính phủ bị chia rẽ sâu sắc. Các phe phái chính trị lớn đang mất lòng tin lẫn nhau và quân đội dường như không thể lấy lại những vùng lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Một chính phủ mạnh mẽ gieo nhiều hy vọng về khả năng đủ sức mạnh để dập tắt ngọn đuốc của IS đang đe dọa đốt cháy Baghdad.

Điều đáng mừng là Iraq đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây trong cuộc chiến chống IS, vốn được đánh giá là bạo lực hơn cả Al-Qaeda. Hôm nay (16-8, giờ Việt Nam), HĐBA LHQ sẽ bỏ phiếu về nghị quyết nhằm làm suy yếu các chiến binh đang hoành hành ở Iraq và cả Syria. Dự thảo nghị quyết do Anh soạn thảo này sẽ là phản ứng cứng rắn nhất cho đến nay của LHQ. Dự thảo nghị quyết, kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ triển khai những biện pháp mang tính quốc gia ngăn chặn nguồn cung các tay súng nước ngoài cho các nhóm cực đoan.

Một điều đáng mừng khác cho Iraq là nhóm dân tộc thiểu số Sunni, vẫn luôn chống Mỹ, bất ngờ yêu cầu Washington giúp đỡ. Ahmed Khalaf al-Dulaimi, thống đốc tỉnh Anbar, thủ phủ người Sunni cho biết, Mỹ cam kết giúp đỡ người Sunni, bao gồm hỗ trợ không kích chống lại các chiến binh. Động thái như vậy có thể giúp kéo các bộ lạc người Sunni, chính quyền do người Shiite lãnh đạo và các lực lượng Mỹ vào ngồi cùng chiến tuyến, vốn đã đánh bật Al-Qaeda ở Iraq cách đây vài năm.

Khả Anh