Sự thật còn bỏ ngỏ
(Cadn.com.vn) - Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng xung quanh tuyên bố cho biết, chính cơ phó máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U 9525 thuộc Hãng hàng không Germanwings – đã cố tình đâm sầm xuống núi, khiến 150 người trên khoang thiệt mạng.
Một ngày sau khi giới công tố viên Pháp cho biết, chính cơ phó máy bay người Đức Andreas Lubitz cố ý hạ độ cao đột ngột để máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U 9525 đâm sầm xuống núi, nhiều bí ẩn đáng sợ vẫn còn đó.
Tại sao cơ phó Lubitz lại làm một việc quá tàn bạo như vậy? Liệu anh ta có lên kế hoạch hành động hay chỉ là bộc phát? Điều gì khiến công dân người Đức làm điều đó? Và liệu anh ta có liên quan đến các tổ chức khủng bố hay không? Những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác cho đến nay, tất nhiên, vẫn chưa có câu trả lời.
Đoàn xe chở gia đình và bạn bè các nạn nhân đến khu vực tai nạn. Ảnh: AFP |
Cơ phó bị “bệnh tâm lý”
Trong khi 18 quốc gia có công dân đi trên chuyến bay định mệnh đang tổ chức lễ tưởng niệm những nạn nhân xấu số, các nhà điều tra lùng sục căn hộ của cơ phó Lubitz ở Dusseldorf, Đức, tìm bằng chứng tiết lộ lý do tại sao anh ta cố tình phá hủy máy bay, giết chết 150 người.
Trong buổi họp báo trưa 27-3, Viện công tố thành phố Duesseldorf của Đức đã công bố các bằng chứng mới nhất cho thấy vào đúng ngày xảy ra vụ tai nạn, trước khi thực hiện chuyến bay, cơ phó đã nhận được kết quả khám bệnh mới nhất, song đã giữ bí mật. Theo thông tin y bạ được tìm thấy, cơ phó Lubitz bị bệnh và đang phải điều trị tâm lý. Các nhân viên điều tra còn tìm thấy những tài liệu y tế mô tả tình hình bệnh của cơ phó ghi ngày 24-3, ngày xảy ra vụ tai nạn. Các kết quả điều tra mới nhất đã củng cố các nhận định đưa ra trước đó rằng cơ phó đã giấu tình trạng bệnh của mình đối với hãng Germanwings.
Cho đến nay, cảnh sát và cơ quan công tố Đức cho biết, cơ phó Lubitz không nằm trong bất kỳ danh sách tình nghi khủng bố nào cũng như chưa có bằng chứng cho thấy, phi công này có liên hệ với các tổ chức khủng bố.
Cơ phó Lubitz bắt đầu làm việc tại Germanwings từ năm 2013. Mặc dù thời gian gần đây, Lubitz bỏ nhiều lớp huấn luyện bay nhưng khi kiểm tra vẫn đạt yêu cầu. Ngoài ra hồ sơ các chuyến bay của viên phi công này từng thực hiện không có bất kỳ sai sót hay vấn đề gì.
Sốc và phẫn nộ
Một ngày sau tuyên bố gây sốc của giới công tố viên Pháp và Đức về hành động tự sát của cơ phó, một không khí giận dữ và phẫn nộ bao trùm các nước có nạn nhân thiệt mạng. Đối với họ, đó là “một đêm ác mộng”.
Tại thị trấn Haltern ở tây bắc Đức, nơi mất đi 16 học sinh và 2 giáo viên khi trên đường trở về từ chuyến giao lưu ở Barcelona, hàng trăm người bày tỏ sự giận dữ và quá sốc vì hành động của cơ phó. “Cá nhân tôi, tôi choáng váng, tức giận, không nói nên lời và quá sốc”, Reuters dẫn lời Thị trưởng Haltern Bodo Klimpel nói tại một cuộc họp báo. Ông cũng tự dằn vặt: “Tôi tự hỏi mình khi nào cơn ác mộng này sẽ kết thúc. Thật tệ hại cho các gia đình khi biết được nguyên nhân ra đi của những người thân yêu trong một tai nạn. Nhưng khi biết rõ đây là hành động cố ý của một người, mọi việc sẽ tồi tệ hơn”.
Người thân và bạn bè các nạn nhân đi trên chuyến bay cũng đến khu vực gần địa điểm nơi xảy ra tai nạn. Họ tổ chức những buổi cầu nguyện nhìn ra núi. Lufthansa tuyên bố cung cấp “hỗ trợ tài chính” cho người thân của các nạn nhân, song không nói rõ chi tiết. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Lufthansa Carsten Spohr và Tổng Giám đốc Germanwings Thomas Winkelmann cũng bày tỏ hoàn toàn bị sốc trước những kết quả phân tích dữ liệu hộp đen về cơ phó.
Hiện tình huống cơ phó Lubitz đóng cửa không cho cơ trưởng vào buồng lái để thoải mái phá hủy máy bay khiến dư luận đặc biệt lo ngại và đặt ra yêu cầu phải thắt chặt quy định buồng lái. Các hãng hàng không trên thế giới lập tức áp dụng quy định luôn phải có hai thành viên trong buồng lái trong mọi trường hợp. Nếu một trong hai phi công điều khiển máy bay cần phải rời buồng lái trong thời gian ngắn, một thành viên khác sẽ phải vào vị trí thay thế.
Khả Anh