Sự thật và công lý
(Cadn.com.vn) - Kết quả ban đầu của cuộc điều tra hình sự về vụ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở đông Ukraine vào năm 2014 đã được công bố tại cuộc họp báo ở Hà Lan hôm 28-9. Kết quả điều tra này giúp làm sáng tỏ loại tên lửa được sử dụng để bắn rơi MH17 vào ngày 17-7-2014 khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, cũng như địa điểm chính xác tên lửa được bắn đi.
Theo đó, nhóm Điều tra chung do Hà Lan dẫn đầu tuyên bố, hệ thống tên lửa Buk vốn bắn hạ máy bay MH17 được chuyển từ Nga vào miền đông Ukraine. Sau đó, hệ thống tên lửa này đã được chuyển trả về Nga. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ báo cáo này, cho rằng, dữ liệu radar của quân đội Nga cho thấy máy bay MH17 chắc chắn không bị tên lửa phóng từ vùng lãnh thổ do phe nổi dậy kiểm soát, bắn hạ. Kết quả mới nhất này cũng giống như kết quả điều tra quốc tế đã hoàn tất hồi tháng 10-2015, trong đó kết luận, MH17 đã bị một tên lửa Buk do Nga chế tạo bắn từ khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.
Và lần này cũng vậy, các công tố viên Hà Lan cho biết họ chưa sẵn sàng công bố nghi phạm đứng sau vụ tấn công này và bản báo cáo cũng không nói rõ ai chịu trách nhiệm cho vụ việc này. Tuyên bố này khiến hầu hết thân nhân những người thiệt mạng đều cho rằng, việc này chắc chắn còn kéo dài nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ trước khi những kẻ thực sự đứng sau vụ việc này bị đưa ra trước công lý.
Vụ thảm kịch MH17 đã khiến cả thế giới phẫn nộ. Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cam kết sẽ “tìm ra những kẻ phạm tội ác này và đưa ra trước công lý”. Nhưng 2 năm trôi qua, nhiều người cảm thấy vụ việc này đã bị lu mờ bởi các sự kiện nóng khác. Nhiều người liên tưởng đến vụ đánh bom máy bay trên Lockerbie. Đó là ngày 21-12-1988. Chiếc Boeing 747-121 của Hãng hàng không Pan Am trên đường từ Anh đến Mỹ bị nổ tung trên bầu trời Lockerbie khiến 270 người thiệt mạng. Vụ việc thổi bùng nhiều tranh cãi và kéo dài nhiều năm. Dù vụ án đã khép lại khi thủ phạm - nhân viên tình báo Libya - đã bị kết tội, nhưng cho đến nay vẫn không ngừng gây tranh cãi.
Nhiều nguồn tin cho rằng, chính Tổng thống Libya lúc đó, ông Muammar Gaddafi đã ra lệnh đánh bom máy bay này để “dạy cho Mỹ một bài học”. Trên thực tế, đây là vụ khủng bố tệ hại nhất chống lại nước Mỹ trước vụ 11-9 khi có đến 189 người Mỹ thiệt mạng.
Thanh Văn