Báo Công An Đà Nẵng

Sự thật về “ông tổng” tham ô tiền tỷ ở Đà Nẵng

Thứ hai, 30/12/2013 13:31

(Cadn.com.vn) - Xung quanh vụ việc ông Bùi Mạnh Hùng (1957, trú H. Lạc Dương, tỉnh Hòa Bình) - nguyên Tổng Giám đốc Cty Ô-tô 6 vừa bị bắt ngày 26-12 (Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh), chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc những “bí mật” được tiết lộ về “ông tổng” này.

Phải thừa nhận rằng con đường thăng quan tiến chức của Bùi Mạnh Hùng lên nhanh như diều gặp gió. Năm 2006 ông Hùng chỉ là nhân viên tiếp thị của Xí nghiệp Thương mại Dịch vụ vận tải ở TPHCM, thuộc Cty Ô-tô 6, Tổng Cty Công nghiệp Ô-tô (Bộ Giao thông Vận tải). Đầu năm 2007 ông Hùng lên giữ chức Phó Giám đốc Xí nghiệp. Nửa năm sau ông  được điều ra Đà Nẵng làm Phó Tổng giám đốc Cty Ô-tô 6 đứng chân trên địa bàn Q. Liên Chiểu. Đến tháng 6-2008, Hùng lên làm Tổng Giám đốc Cty này. Thời gian sau đó ông lại tiếp tục lên làm Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy kiêm luôn Tổng Giám đốc Cty Ô-tô 6. Với cương vị “thủ lĩnh”, ông Hùng đã ký hợp đồng với một số Cty khác trên địa bàn cả nước và đã nhận tiền ứng trước gần 2 tỷ đồng. Ông Hùng tự soạn hợp đồng có chữ ký của mình, đóng dấu Cty nhưng những dự án mà ông hứa với các đối tác chỉ là DA “ma”.

Sau thời gian dài các đối tác chờ đợi mà vẫn chưa có DA để làm, họ gửi hợp đồng, giấy nhận tiền của ông Hùng vào Cty Ô-tô 6 thì lúc đó mọi chuyện mới vỡ lở. Trong số những đối tác đã đặt cọc tiền cho ông Hùng gồm Cty CP xây dựng sản xuất Việt Cường (Hà Nội) 400 triệu đồng; Cty CP Tập đoàn Trọng Tín (Hà Nội) 400 triệu đồng; Cty TNHH Quyết Thắng (Hà Nội) 200 triệu đồng; Cty CP Trung Hoa (Hà Tĩnh) 500 triệu đồng; Cty CP TM&DV Bảo An Nguyên (Hà Nội) 35 triệu đồng... Khi sự việc vỡ lở, ông Hùng đã “lệnh” cho cấp dưới lấy gần 2 tỷ đồng từ Cty để trả cho các đối tác.

Chân dung “sếp tổng” tham ô tiền tỷ.

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Đinh Quốc Tuyến - Tổng Giám đốc Cty Ô-tô 6 cho biết, về nguyên tắc, khi các đối tác ký kết hợp đồng với ông Hùng họ đã chuyển tiền tạm ứng vào Cty Ô-tô 6 (thời điểm ông Hùng đương chức). Từ đó, ông Hùng đã rút số tiền đó ra chi tiêu vào việc gì thì không ai biết. Trong thực tế, khi các đối tác đã chuyển tiền vào tài khoản của Cty Ô-tô 6 thì Cty phải trả số tiền đó lại cho các đối tác. Tháng 11-2011, ông Hùng bị bãi nhiệm chức vụ vì những sai phạm, lúc này Cty Ô-tô 6 đã nhiều lần yêu cầu ông Hùng khắc phục bằng cách trả lại số tiền cho Cty nhưng ông chỉ hứa hẹn mà không thực hiện. Tới ngày 26-12-2013 thì ông Hùng bị bắt về hành vi tham ô tài sản.

Một số cán bộ Cty Ô-tô 6 khi được hỏi về trường hợp “sếp cũ” bị bắt tỏ ra không bất ngờ. Lý do được một cán bộ giải thích vì trong thời gian đương chức, ông Hùng quá chuyên quyền, độc đoán. Có những lần họp HĐQT, ông không bằng lòng là đập bàn, ném ly, bẻ bảng tên, bỏ dở cuộc họp ra ngoài. Thậm chí những ai “cứng đầu” đều bị ông ép cho phải nghỉ việc. Đơn cử như kế toán M., khi phản đối việc chi tiêu tài chính thiếu minh bạch, sai quy trình của “sếp tổng” nhưng không được đã buộc phải nghỉ việc để tránh liên lụy. Dưới thời ông Hùng, có ít nhất 4 Phó Tổng Giám đốc phải nghỉ việc mà không tâm phục khẩu phục.

Đặc biệt, cách chi tiêu tiền của ông Hùng cũng khiến các lái xe cho ông sống dở chết dở. Mỗi lần đi công tác, “sếp tổng” thường bảo các lái xe đến kế toán ứng tiền với con số không hề nhỏ. Và kinh phí cho các chuyến công tác của “sếp tổng” cũng khá lớn, đơn cử như năm 2010, tiền công tác phí của “sếp tổng” lên tới 1,2 tỷ đồng. Khi ông Hùng mất chức, các lái xe phải gánh cục nợ khổng lồ cho Cty bởi lẽ số tiền mà họ ứng theo chỉ đạo của ông Hùng để đi “ngoại giao” không thể quyết toán vì không đủ chứng từ hợp lệ. Có 2 lái xe cho ông Hùng hiện vẫn phải “treo” nợ cho Cty, một người nợ 500 triệu đồng, một người nợ 300 triệu đồng. Trong thời gian đương chức, ông Hùng còn cho người quen mượn 2 chiếc xe của Cty, sau đó đem bán và “quên” nộp số tiền này vào Cty.

Cơ quan Công an đọc quyết định bắt ông Hùng.

Chỉ khoảng 3 năm làm “sếp” ở Cty Ô-tô 6, với cách điều hành của mình, ông Hùng đã để lại cho Cty gánh nặng không hề nhỏ. Đơn cử với DA Sông Tiền ở TPHCM, một DA lớn với 70 tỷ đồng đầu tư nhưng hoạt động chưa tới một năm thì phải dừng lại vì thua lỗ. Trong khi số tiền đi vay ngân hàng để đầu tư vào đây quá lớn, lãi suất cao. Chỉ với DA này, gánh nặng mà ông Hùng để lại cho Cty là số nợ 23 tỷ đồng hiện vẫn còn “treo” ở một ngân hàng.

Ông Đinh Quốc Tuyến cho biết, sau khi ông Hùng mất chức thì ông vẫn là cán bộ công nhân viên của Cty vì ông vẫn còn “treo nợ” ở Cty nên không thể cho nghỉ được. Ông Hùng xin Cty được nghỉ không lương để về quê tại Hòa Bình điều trị bệnh, vì căn bệnh của ông phải điều trị bằng thuốc Nam. Ngay sau khi bị bắt, đưa lên Trại Tạm giam Hòa Sơn trong tối 26-12 thì ông Hùng lên cơn hen suyễn nặng buộc phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ông Tuyến nói: “Do gia đình ông Hùng ở xa, hơn nữa ông vẫn là người của Cty, vì thế tôi được lãnh đạo Cty giao theo dõi tình hình sức khỏe của ông Hùng cũng như có thể giúp đỡ kinh phí điều trị nếu cần thiết”.

Thành Nam