Báo Công An Đà Nẵng

Sư thầy nghi "gạ tình"chưa tháo dỡ công trình trái phép ở Vườn quốc gia Tam Đảo

Thứ tư, 09/10/2019 15:24

Lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, đến nay, ông Lê Hữu Long (SN 1976, trước khi xả giới hoàn tục là nhà sư Thích Thanh Toàn) vẫn chưa thực hiện tháo dỡ các lán trại xây dựng trái phép ở Vườn quốc gia Tam Đảo.

Báo cáo của UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) về kết quả tổng hợp những vi phạm của ông Lê Hữu Long khi đang còn tu hành, mang pháp danh Thích Thanh Toàn, cho biết: Từ đầu năm 2009 đến năm 2011, nhà sư này trụ trì chùa Nga Hoàng (xã Hợp Châu, Tam Đảo), tổ chức thuê người vào khu vực khoảnh 4, tiểu khu 75 của Vườn quốc gia Tam Đảo, thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (khu vực chùa Đồng Cổ, sư Toàn gọi là "chùa Địa Ngục" hay "Địa Ngục Cổ Tự") để chặt cây, đào bới, xây dựng lều lán, tự ý đưa tượng Phật, chuông và nhiều vật dụng khác vào khu vực trên và tổ chức thờ cúng.

Sư thầy nghi gạ tìnhchưa tháo dỡ công trình trái phép ở Vườn quốc gia Tam Đảo - 1

 

Sư thầy nghi gạ tìnhchưa tháo dỡ công trình trái phép ở Vườn quốc gia Tam Đảo - 2

 

Sư thầy nghi gạ tìnhchưa tháo dỡ công trình trái phép ở Vườn quốc gia Tam Đảo - 3

 

Những công trình do sư Toàn xây dựng lên tại khu vực chùa Đồng Cổ.

Trong thời gian này, nhà sư Thích Thanh Toàn đã phát dọn khoảng 1,37ha, khai thác tại chỗ khoảng 3,7m3 gỗ để xây dựng lán, trại và các công trình khác (diện tích sử dụng hiện nay khoảng 6.318m2).

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Tam Đảo, công trình mà sư Toàn xây dựng ở khu vực trên, gồm: Hai ngôi tháp hình bát giác 5 tầng, đường kính 3m, cao 7m với diện tích nền hơn 50m2; hai ngôi mộ tròn kiểu giật cấp cao 0,8m, đường kính chân mộ 1,3m, đường kính mặt ngôi mộ 0,8m; một lò hóa sớ với diện tích hơn 1m2, cao 2,5m (vật liệu làm bằng gạch, xi măng, cát, sỏi).

Ngoài ra, sư Toàn còn dựng 8 lán trại, với tổng diện tích khoảng 375m2. Trong đó, 1 lán "chùa tạm" bịt bạt khoảng 50m2 có đặt 3 pho tượng nhỏ và bát hương để thờ cúng, trước ban có giếng nước đường kính khoảng 2m (năm 2011 được làm lại với khung cột bằng sắt, mái tôn); bên trái chùa được dựng một lầu chuông, diện tích khoảng hơn 16m2, nền bê tông, khung cột bằng mái sắt, mái tôn, treo quả chuông đồng cao 1,95m, đường kính 1,1m, nặng 2 tấn.

Báo cáo còn cho biết, năm 2012, nhà sư Thích Thanh Toàn cho dựng một lán (nhà sàn) với diện tích 40m2 ở phía sau, cách "chùa tạm" khoảng 20m (vật liệu được lấy và khai thác tại rừng), một lán hơn 2m2 thờ Sơn Thần.

Tiếp đến, năm 2015, sư Toàn tiếp tục thuê người khai thác gỗ (khoảng 4m3) và cho dựng 3 lán, diện tích khoảng 190m2 (1 lán bếp, 2 lán  thờ), trong đó có 1 lán thờ đặt 18 pho tượng (tượng La Hán), bát hương thờ cúng; 1 giếng nước có kè đá với đường kính 5m, sâu hơn 2m. Tiếp đó, sư Toàn dựng thêm 3 lán để tủ điện, lán để đồ dùng, lán ở.

"Ngày 30/9/2019, UBND huyện đã tổ chức đoàn công tác gồm: Lãnh đạo Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tôn giáo huyện, UBND huyện, Công an huyện, Văn phòng HĐND & UBND, Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế-Hạ tầng, Phòng Nội vụ, Trung tâm Văn hóa TT-TT, Vườn Quốc gia Tam Đảo, UBND xã Đạo Trù, thị trấn Tam Đảo, đi thực địa kiểm tra hiện trạng khu vực chùa Đồng Cổ ("chùa Địa Ngục") tại Vườn Quốc gia Tam Đảo để củng cố hồ sơ những sai phạm của nhà sư Thích Thanh Toàn tại khu vực này" - báo cáo của UBND huyện Tam Đảo cho biết.

Nội dung báo cáo cho biết thêm, qua nhiều lần lập biên bản đình chỉ việc xây dựng lán trại trái phép trên và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, đến ngày 29/3/2017, UBND huyện Tam Đảo ban hành quyết định số 150/QĐ-KPHQ về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nhà sư Thích Thanh Toàn phải trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng trên diện tích đã khai thác trái phép; buộc sư Toàn phải tổ chức tháo dỡ các lán trại xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng cho Vườn Quốc gia Tam Đảo.

"Đến nay nhà sư Thích Thanh Toàn đã thanh toán chi phí trồng lại rừng trên diện tích đã khai thác trái phép, nhưng chưa thực hiện tháo dỡ các lán trại xây dựng trái phép khu vực chùa Đồng Cổ tại khoảnh 4, tiểu khu 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo" - nội dung báo cáo nhấn mạnh.

Sư thầy nghi gạ tìnhchưa tháo dỡ công trình trái phép ở Vườn quốc gia Tam Đảo - 4

 

Các lán trại dựng lên ở chùa Đồng Cổ vẫn chưa được tháo dỡ.

Trên cơ sở những vi phạm nói trên của sư Toàn, UBND huyện Tam Đảo đã ra thông báo đề nghị Sở Văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Vĩnh Phúc có biện pháp xử lý, giải quyết những hoạt động vi phạm Luật Di sản văn hóa của sư Thích Thanh Toàn khi xây dựng các công trình trái phép trong khu vực chùa Đồng Cổ làm ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của di tích; Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn xử lý, giải quyết những hoạt động xây dựng các công trình trái pháp luật tại khu vực chùa "Địa Ngục" của sư Toàn; Vườn Quốc gia Tam Đảo yêu cầu nhà sư Thích Thanh Toàn chấp hành nội dung quyết định số 150/QĐ-KPHQ ngày 29/3/2017 của UBND huyện Tam Đảo về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc sư Toàn phải tổ chức tháo dỡ các lán trại xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng cho Vườn Quốc gia Tam Đảo tại khu vực chùa Đồng Cổ (chùa "Địa Ngục"); Vườn Quốc gia Tam Đảo phải thường xuyên kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hoạt động phá rừng, xây dựng trái phép và hoạt động tôn giáo trái phép của nhà sư Thích Thanh Toàn thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, huyện Tam Đảo còn đề nghị Công an tỉnh tiếp tục cử cán bộ phối hợp với Công an huyện Tam Đảo, phòng ban liên quan và UBND xã Hợp Châu tổ chức nắm tình hình củng cố hồ sơ liên quan đến vi phạm của sư Toàn, tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm.

Liên quan đến chùa "Địa Ngục", Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã đưa ra nhận định ban đầu như sau: Qua các di vật xuất lộ trên bề mặt của nền chùa "Địa Ngục" và chùa Đồng, sở này bước đầu nhận định niên đại của các ngôi chùa này từ thời Trần. Chùa được dựng bằng gỗ và lợp ngói (Chùa Đồng có quy mô nhỏ hơn so với chùa Địa Ngục). Niên đại của ngôi chùa này kéo dài từ thế kỷ XIII- XVIII (nghĩa là niên đại cùng thời với các ngôi chùa khác trong khu vực Tây Thiên).

Cũng theo nhận định của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, tuy chưa đào thám sát và khai quật khảo cổ nhưng 7 tiêu bản được coi là mộ của các vị Tổ sư tại khu vực chùa "Địa Ngục" mà nhà sư Thích Thanh Toàn đã thông báo là chưa có cơ sở khoa học vì kiểu dáng của các tiêu bản (mộ?) đó rất đơn giản và sơ sài, được chôn cất ở những địa điểm không phù hợp (phát hiện ngay trong khuôn viên chùa hoặc ngay phía trước vực sâu).

Theo Dân Trí