“Sự yên ắng đáng sợ” của Al-Qaeda ở Afghanistan (Kỳ 1: Chiến lược giả vờ?)
Nhóm Taliban được yêu cầu lật đổ nhóm khủng bố Al-Qaeda như một phần của các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình của Mỹ nhưng ít người tin rằng nhóm khủng bố này đã thực sự bị tiêu diệt tận gốc.
Các phần tử Taliban và Al-Qaeda trong cuộc tuần hành ở Afghanistan. Ảnh: Facebook |
Thỏa thuận Mỹ - Taliban
Điều khoản quan trọng trong thỏa thuận hòa bình của Mỹ với Taliban về vấn đề Afghanistan là cam kết không cho phép bất kỳ nhóm chiến binh nào sử dụng đất của Afghanistan để âm mưu chống lại Mỹ và các đồng minh. Nhưng có phải Taliban chỉ giả vờ rằng, đồng minh lâu năm của chúng, Al-Qaeda, không còn duy trì các căn cứ và phần tử chiến đấu trong các khu vực mà chúng kiểm soát ở Afghanistan chỉ để xoa dịu Mỹ và rút quân khỏi đất nước?
Là một phần của thỏa thuận lịch sử hồi tháng 2, Taliban đồng ý không che chở cho các phần tử AlQaeda cũng như cắt đứt mọi quan hệ với nhóm khủng bố xuyên quốc gia nổi tiếng với việc dàn dựng vụ tấn công ngày 9-11 trên đất Mỹ. Với cam kết đó, Mỹ hứa sẽ rút hoàn toàn các lực lượng khỏi Afghanistan, một sự ra đi mà một số người cho rằng có thể mở đường cho việc Taliban cuối cùng trở lại nắm quyền. Hiện có khoảng 5.000 lính Mỹ tại Afghanistan, và con số này sẽ giảm xuống còn 2.500 vào đầu năm 2021.
Washington cũng đang giúp tạo điều kiện cho một cuộc dàn xếp chính trị giữa Taliban và chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Ashraf Ghani. Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra ở Doha, Qatar, vẫn chưa đạt được bất kỳ bước đột phá đáng kể nào, thì một thỏa thuận sẽ khôi phục tính hợp pháp quốc tế của Taliban với tư cách là một tác nhân chính trị.
Kết thúc hay chưa?
Tuy nhiên, những câu hỏi quan trọng vẫn còn. Lịch sử kéo dài 3 thập kỷ của Al-Qaeda ở Afghanistan đã thực sự kết thúc hay chưa? Liệu thế giới có an toàn trước mối đe dọa của Al-Qaeda vốn xuất phát từ lâu từ những vùng xa xôi và đầy sỏi đá của Afghanistan? Có hai câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi này.
Nhóm thứ nhất ủng hộ tuyên bố rõ ràng và đơn giản rằng Al-Qaeda không còn tồn tại ở Afghanistan. Tuy nhiên, những người phản đối câu chuyện này tin rằng sự im lặng gần đây của Al-Qaeda là một chiến lược nhằm che giấu sự hiện diện của nhóm này để tạo điều kiện cho thỏa thuận hòa bình giữa Taliban với Mỹ. Điều này có thể có nghĩa là Afghanistan vẫn là một trung tâm bí mật, sẵn sàng cho các nhóm phiến quân Hồi giáo, đặt ra những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu.
Tất cả những người muốn Mỹ rút quân khỏi Afghanistan nhanh nhất có thể và những người muốn Taliban trở lại nắm quyền đều hoàn toàn ủng hộ sự thành công của thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban, được ký kết tại Doha vào ngày 29-2-2020. Họ lo sợ rằng nếu có bất kỳ bằng chứng mới nào về mối đe dọa của AlQaeda ở Afghanistan có khả năng phá hủy thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Mỹ và Taliban. Do đó, họ khẳng định rằng Al-Qaeda không còn tồn tại ở nước này. Những người tiếp tục ủng hộ câu trả lời này là Taliban. Danh sách này cũng bao gồm nhiều người Afghanistan chỉ trích Taliban, những người không ủng hộ nhóm Hồi giáo nhưng tin rằng xung đột của Afghanistan bắt nguồn từ sự hiện diện của quân đội nước ngoài và do đó muốn quân đội các nước rời đi càng sớm càng tốt.
Phe phản đối quan điểm rằng, Al-Qaeda đã rời khỏi Afghanistan là những người phản đối bất kỳ thỏa thuận chính trị nào với Taliban. Nhiều người trong số họ tin rằng việc Mỹ rút quân sẽ khôi phục lại quyền lực cho Taliban và biến Afghanistan thành một trung tâm của lực lượng Hồi giáo. Những người ủng hộ câu trả lời này bao gồm chính phủ Afghanistan hiện tại, lực lượng chính trị chống Taliban và một số nhà phân tích chính trị và an ninh nhất định, những người đã theo dõi chặt chẽ Al-Qaeda và các xu hướng khủng bố toàn cầu. Họ tin rằng cả Al-Qaeda và Taliban đều đang che giấu sự hiện diện của các phần tử thánh chiến trước đây.
Taliban và những kẻ ủng hộ nhóm này cho rằng, bất kỳ ai ủng hộ quan điểm về sự tồn tại của AlQaeda ở Afghanistan hiện nay là những kẻ “chống lại hòa bình”. Tuy nhiên, những tuyên bố đáng tin cậy nhất về sự tồn tại của Al-Qaeda ở Afghanistan đến từ các báo cáo của nhóm ủy ban trừng phạt của HĐBA LHQ chuyên giám sát Al-Qaeda, IS và Taliban. Các báo cáo này nhiều lần tuyên bố, Taliban duy trì quan hệ chặt chẽ với Al-Qaeda ở Afghanistan, ngay cả sau khi thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban được công bố vào ngày 29-2-2020. Tuyên bố gần đây nhất đến từ điều phối viên của nhóm giám sát của LHQ, Edmund Fitton-Brown.
Theo ông Fitton-Brown, Taliban thường xuyên tham khảo ý kiến của Al-Qaeda về các cuộc đàm phán của họ với Mỹ. Điều phối viên này thậm chí còn khẳng định Taliban đã đề nghị “sự bảo vệ không chính thức” cho Al-Qaeda nhằm tôn vinh mối quan hệ lịch sử chặt chẽ của chúng. Tuy nhiên, Taliban và những người ủng hộ nhóm cho rằng, những tuyên bố như vậy là một âm mưu phá hoại thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban.
AN BÌNH