Sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học: Nhiều ưu điểm so với cách đánh giá cũ
(Cadn.com.vn) - Sau 2 năm triển khai việc thay đổi trong cách đánh giá học sinh (HS) bậc tiểu học (TH) từ định lượng sang định tính, Thông tư (TT) 30 đã bộc lộ một số hạn chế, nhược điểm cần sớm khắc phục. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp từ giới chuyên môn, các nhà quản lý GD, giáo viên..., mới đây, Bộ GD-ĐT chính thức công bố TT 22 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của TT 30, bắt đầu có hiệu lực đầu tháng 11-2016. Dưới đây là ý kiến một số nhà quản lý giáo dục về TT 22 sửa đổi, bổ sung.
Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu (Đà Nẵng): Giáo viên "nhẹ gánh" hơn, tạo động lực cho HS trong thi đua học tập
"Trên cơ sở nghiên cứu văn bản, theo tôi, TT 22 sửa đổi, bổ sung (gọi tắt là TT 22, P.V) đã khắc phục phần lớn những khó khăn, vướng mắc quy định đánh giá HS bậc TH của TT 30. Theo đó, đã giảm áp lực về sổ sách, ghi chép, hồ sơ cho GV và nhà trường; giao quyền cho Hiệu trưởng cũng như GV nhiều hơn; tạo được động lực cho HS thi đua học tập, tạo được sự đồng thuận từ phụ huynh nhiều hơn... Nói khác đi, TT 22 đã có sự thay đổi về nội dung lẫn hình thức đánh giá theo hướng cụ thể, dễ thực hiện hơn.
Với cách đánh giá HS cụ thể dựa trên 3 mức: Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành (về mặt học tập); Tốt, Đạt và Cần cố gắng (về mặt năng lực, phẩm chất) đã phân loại được trình độ, năng lực, phẩm chất của HS hơn so với 2 mức đánh giá chung chung của TT 30 (Hoàn thành, Chưa hoàn thành (về học tập); Đạt và Chưa đạt (về mặt phẩm chất, năng lực). Việc không yêu cầu GV ghi nhận xét hàng tháng, hồ sơ sổ sách cũng gọn hơn, đã giảm áp lực cũng như sự phiền hà cho GV, nhà trường.
Hình thức đánh giá định kỳ đã có sự tăng thêm về bài kiểm tra đánh giá giữa học kỳ đối với HS khối lớp 4, 5. Đặc biệt hơn, các bài kiểm tra này đều được trả lại cho HS. Điều này đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của các bậc phụ huynh trong việc theo dõi để biết con em mình học hành ra sao, tiến bộ như thế nào. Ở TT30, bài kiểm tra sau khi phát cho HS xem được thu lại. Phụ huynh muốn biết rõ hơn về kỹ năng cũng như chất lượng làm bài của con phải trực tiếp gặp GVCN để xin xem lại bài kiểm tra, rất phiền hà, mất thời gian.
Ngoài đề kiểm tra định kỳ cuối năm học của khối lớp 5 vẫn được giao cho tổ chuyên môn ra như TT 30, một điểm mới của TT 22 là Hiệu trưởng toàn quyền quyết định trong việc chỉ đạo ra đề kiểm tra định kỳ đối với các khối lớp còn lại (TT 30, đối với học sinh khối lớp 1, 2, 3, 4), hiệu trưởng chỉ đạo GVCN, GV cùng dạy trong lớp và GV sẽ nhận lớp vào năm học tiếp theo và cùng ra đề kiểm tra định kì cuối năm học, cùng tham gia coi, chấm bài kiểm tra...
Bên cạnh đó, nội dung ra đề kiểm tra định kỳ cũng được thêm một mức so với 3 mức trước đây, đặc biệt là cách quy định ra đề gọn với nội hàm rộng và tổng quát hơn, không quá tiểu tiết như TT 30 nên đã phát huy được tính sáng tạo, linh hoạt của người ra đề. Với cách ra đề này cùng với cách đánh giá về mặt học tập được tăng thêm một mức đã phân loại được năng lực, trình độ từng HS, tạo động lực cho các em phấn đấu trong học tập...
Một điểm mới trong TT 22 là quy định cụ thể, rõ ràng, tường minh hơn trong khen thưởng đã giúp GV, nhà trường thuận lợi hơn trong khen thưởng cuối năm, hạn chế được bệnh thành tích... Ngoài ra, TT 22 cũng có một điểm mới nữa đó là đã giao trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng học bạ của HS cho Sở GD-ĐT (trước đây là Hiệu trưởng làm việc này).
Điều chúng tôi băn khoăn là giá như có sự hợp nhất về mặt văn bản giữa TT 30 và TT 22 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho GV và các trường trong quá trình triển khai thực hiện... Theo quy định, TT 22 sẽ có hiệu lực từ ngày 6-11, đồng nghĩa việc kiểm tra định kỳ giữa học kỳ 1 sẽ chưa thực hiện được.
Đứng trên phương diện về mặt văn bản, xét về tổng thể, tôi cho rằng TT 22 sửa đổi, bổ sung đã phát huy, kế thừa và cụ thể hóa TT 30. Tuy nhiên, thực tế triển khai như thế nào thì cần phải có thời gian trải nghiệm, ít nhất cũng qua 1 học kỳ mới có thể đánh giá được. Về phần mình, ngành GD-ĐT Q. Hải Châu đã chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu TT 22, soạn thảo tài liệu để chuẩn bị tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, GV các trường về nội dung này".
Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành: Có nhiều ưu điểm hơn so với TT 30
"Theo tôi, TT 22 thay thế cho TT 30 có nhiều ưu điểm hơn. Trước hết, quy định mức đánh giá HS đã cụ thể, rõ ràng hơn nên đã phân loại được trình độ học lực của HS. Nếu như TT 30 chỉ có 2 mức đánh giá học lực của HS là hoàn thành và chưa hoàn thành, thì nay đã chia 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Về đánh giá năng lực và phẩm chất cũng được tăng lên thành 3 mức gồm: tốt, đạt và cần cố gắng. Ngoài việc tăng thêm mức tốt, ở phần đánh giá này, sự thay đổi trong ngôn từ sử dụng đánh giá HS với cụm từ "cần cố gắng" so với cụm từ "chưa tốt" của TT 30 theo tôi là rất hay, nhẹ nhàng, không quá nặng nề nhưng vẫn nói lên được những mặt còn hạn chế của HS cần nỗ lực phấn đấu.
Sự thay đổi, tăng thêm một bài kiểm tra đánh giá giữa học kỳ bằng điểm (trước đây, chỉ có bài kiểm tra đánh giá cuối mỗi học kỳ) dành cho HS khối lớp 4, 5, theo tôi là rất tốt. Điều này góp phần chuẩn bị tâm thế cho HS khối lớp 5 trước khi bước vào lớp 6 THCS, tập cho các em kỹ năng trong làm bài, nâng cao hơn nữa ý thức học tập.
Tôi rất hoan nghênh việc thống nhất ra đề kiểm tra 4 mức gồm: hiểu, biết, vận dụng và vận dụng nâng cao (tăng hơn 1 mức vận dụng nâng cao so với TT 30), quy định về nội dung ra đề cũng ngắn gọn, tổng quát hơn. Bên cạnh đó, việc giảm bớt sổ sách, hồ sơ đánh giá đã giảm đi áp lực, gánh nặng cho GVCN cũng như nhà trường cũng là một ưu điểm của TT 22".
P.Thủy (ghi)