Báo Công An Đà Nẵng

Sửa đổi Luật Công nghệ thông tin trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ tư, 16/08/2017 07:43

Ngày 15-8, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tọa đàm “Luật Công nghệ thông tin và định hướng phát triển trong thời gian tới”. Tham dự tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đóng góp ý kiến đánh giá toàn diện, đa chiều về Luật Công nghệ thông tin trong 10 năm qua và thảo luận về định hướng phát triển trong tương lai.

FPT giới thiệu công nghệ mới về giao thông và thành phố thông minh.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Công nghệ thông tin, tình hình quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và bản thân ngành công nghệ thông tin đã có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và trình độ dân trí cũng được nâng cao. Thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ, mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện nay, đang xuất hiện nhiều xu hướng phát triển công nghệ mới với nhiều đột phá và sáng tạo như IoT, SMAC, AI, Robotic… Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: “Tất cả các công nghệ trên sẽ là nền tảng để thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Trong bối cảnh đó, việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về công nghệ thông tin để phù hợp với xu thế phát triển và thực tế càng trở nên cấp bách. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung luật Công nghệ thông tin. Việc tổng kết Luật Công nghệ thông tin không chỉ đề cập đến những tồn tại, những mặt được, chưa được của Luật Công nghệ thông tin mà cần tập trung nêu những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về những nội dung, nội hàm ở các luật khác có tác động đến ngành công nghệ thông tin, tác động đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc kiến nghị: Để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ thông tin phát triển phải tạo được “cầu từ phía Nhà nước” cho việc phát triển tin học hóa, sau đó mới đến chính sách thúc đẩy khác. Bên cạnh đó, ông Bùi Quang Ngọc cũng đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông khi xây dựng chính sách rất cần chú trọng phát triển nhân lực. Theo ông Ngọc, mục tiêu huy động nguồn lực xã hội để phát triển ngành công nghệ thông tin cũng phải có chính sách thúc đẩy. Hiện nay, việc áp dụng thuế điện tử, hải quan điện tử đang triển khai tốt. Thời gian tới, Nhà nước cần có thêm những thể chế thúc đẩy việc điện tử hóa để tạo nguồn cầu cho ngành công nghệ thông tin.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu về lĩnh vực điện tử của Việt Nam (tính cả FDI năm 2017) có thể lên đến trên 50 tỷ USD, đóng góp cho GDP một khoản tương đối lớn. Ngoài kim ngạch xuất khẩu lớn thì lĩnh vực sản xuất điện tử cũng thu hút khoảng 60.000 lao động. Để tạo điều kiện, môi trường cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển, ông Lưu Hoàng Long (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam) đề cập đến các vấn đề về chính sách thuế hợp lý để khuyến khích tiêu thụ và bảo vệ thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các chính sách cho lĩnh vực sản xuất điện tử bởi hiện tại có rất ít các văn bản quản lý Nhà nước về lĩnh vực này dù đây là lĩnh vực quan trọng và mang lại nguồn thu khá lớn.

Sau 10 năm triển khai Luật Công nghệ thông tin, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đang phát triển dựa trên nền tảng về hạ tầng, dịch vụ, công nghiệp và nguồn nhân lực. Về hạ tầng, trước đây Việt Nam quan tâm và đầu tư nhiều về hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, với xu thế phát triển hiện nay đã đặt ra các vấn đề về hạ tầng thiết bị và các hạ tầng khác như hạ tầng thanh toán cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số... Đây là những vấn đề phát sinh chưa được thể hiện rõ trong nội hàm các văn bản pháp luật. Do vậy, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp để trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Công nghệ thông tin trong thời gian tới.

NGỌC BÍCH