Báo Công An Đà Nẵng

Sức hút từ miền chân sóng...

Thứ ba, 08/12/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-11-2015, Quyết định 42/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (KKTĐNQT) có hiệu lực đã chính thức tạo ra bước ngoặt mới cho một dải ven biển của tỉnh Quảng Trị trải dài từ Hải Lăng sang Triệu Phong và nhiều xã nghèo H. Gio Linh. Không chỉ người dân vùng chân sóng đón nhận tin vui mà vùng cao cũng tràn đầy hy vọng về động lực gắn kết, thúc đẩy cùng nhau phát triển, thịnh vượng mai này.

Con đường thênh thang nối QLIA về Mỹ Thủy.

Chuyển động giấc mơ

“Nhu cầu hình thành một KKT biển tầm cỡ ngay tại điểm cuối phía Đông của đường 9 trên cơ sở xây dựng cảng biển nước sâu là khách quan và bức thiết, cũng là mối quan tâm lớn của chính quyền và mong mỏi của nhân dân mảnh đất anh hùng”, Giám đốc Sở Công Thương Lê Quang Vĩnh chia sẻ quá trình nhận diện dự án. Từ đó, khu vực Mỹ Thủy (H.Hải Lăng) và vùng ven biển từ Cửa Việt trở vào phía đông nam được lựa chọn để hiện thực hóa giấc mơ trên. Xác định KKTĐNQT và Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy là một trong những “cửa ngõ” cần đột phá để thúc đẩy phát triển KT-XH của Quảng Trị và rút ngắn kết nối EWEC với các nước thông qua biển Đông, Quảng Trị đã đề xuất Thủ tướng Chính Phủ về việc thành lập KKT trên và đến tháng 2-2010, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020.

Sau khi được Bộ KH–ĐT hướng dẫn hoàn tất các thủ tục để thành lập KKT theo quy định, UBND Quảng Trị đã khẩn trương tổ chức xây dựng đề án thành lập và được sự đồng thuận của 11 bộ, ngành. Có thể nói, thời điểm đó, nhân dân Quảng Trị hồ hởi, phấn chấn, tràn đầy niềm tin trước quyết tâm và kế hoạch táo bạo của lãnh đạo tỉnh. Tháng 7-2011, khi Bộ KH – ĐT có văn bản trình Thủ tướng về xem xét thành lập thì rơi vào thời điểm Thủ tướng có chỉ thị chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động các KKT, KCN do việc đầu tư tại các KKT trên cả nước còn nhiều bất cập, hiệu quả đầu tư chưa cao. Phải đợi vì “vướng” chỉ thị trên nhưng lãnh đạo, ban ngành tỉnh Quảng Trị không ngừng bồi đắp, củng cố thêm niềm tin cho đề án này bằng những hành động và nỗ lực thuyết phục. Đó chính là sớm lập Quy hoạch chung xây dựng khu vực vùng “trung tâm” hay còn gọi là vùng “lõi” để tiến hành công tác xúc tiến, đón đầu cơ hội, kêu gọi đầu tư một số dự án động lực như nhà máy nhiệt điện công suất 1.200MW, cảng biển Mỹ Thủy, nhà máy chế biến bao bì thủy tinh cao cấp...

Nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy vùng ven biển tiềm năng lấp lánh và tìm đến. Song song với đó, việc xúc tiến tranh thủ ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành được Quảng Trị thường xuyên quan tâm, đôn đốc. Đầu năm 2015, xét thấy nhu cầu cần thiết và các điều kiện thành lập KKT đã được đáp ứng đầy đủ, UBND tỉnh Quảng Trị vững tin kiến nghị với Thủ tướng cho phép nghiên cứu đề xuất lại đề án thành lập KKTĐNQT.

Ngày 16–9–2015, Thủ tướng đã quyết định thành lập KKTĐNQT. 17 xã, thị trấn ven biển nằm trong KKT bắt đầu chuyển mình từ đây.

Nâng cấp, mở rộng khu vực Cảng Cửa Việt về phía nam, trở thành phần kết nối quan trọng
trong KKT. Trong ảnh: tàu neo đậu ở Cửa Việt.

Sức hút miền chân sóng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính cho biết KKTĐNQT gồm các khu chức năng như KCN, du lịch, dịch vụ, khu cảng, khu dân cư, khu hành chính và Cảng biển Mỹ Thủy là một dự án quan trọng với tổng mức đầu tư gần 14 ngàn tỷ đồng. Năm 2014, Cảng biển Mỹ Thủy đã được Thủ tướng đưa vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, được xác định là một trong những công trình quan trọng hàng đầu trong KKT, là đầu mối trung chuyển hàng hóa, cửa ra thuận tiện trên tuyến EWEC.

Trong tương lai, khi tuyến đường sắt nối Thái Lan qua cầu Hữu Nghị giữa Lào–Thái, đi qua Savannakhet, qua CK quốc tế Lao Bảo nối vào tuyến đường sắt Bắc – Nam, đồng thời đường 15D nối CK quốc tế La Lay về cảng biển (đã được quy hoạch) sẽ tăng cường khả năng kết nối và mở rộng vùng hấp dẫn hàng hóa trong khu vực đến Cảng. Theo hồ sơ đề xuất dự án của Cty CP Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy thì Hải An và Hải Khê sẽ là địa điểm xây dựng cảng biển Mỹ Thủy trên diện tích 685ha, trong đó 350 ha mặt nước biển. Với phương án xây dựng cảng nửa đào lấn vào trong đất liền nửa đắp đê lấn biển, bể cảng có độ sâu–17,5m, luồng tàu có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 50 ngàn đến 100 ngàn tấn. Lộ trình đầu tư dự án có 3 giai đoạn, từ 2015 đến 2021 với 100% vốn của nhà đầu tư.

Cũng tại Hải Khê, Cty Điện lực quốc tế Thái Lan thuộc Tập đoàn Điện lực Thái Lan là một DN nhà nước do Chính Phủ Thái Lan nắm giữ 100% vốn sở hữu đã vào cuộc mặn mà với dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 7,25 tỷ kWh, hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, thời gian kinh doanh khoảng 25 năm và ước tính mức đầu tư khoảng 2,26 tỷ USD. Được sự hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện của Quảng Trị, đến nay nhà đầu tư đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, báo cáo tác động môi trường và được Bộ TN – MT phê duyệt. Một số thủ tục còn lại sẽ được khẩn trương thực hiện và dự kiến nhà máy được  khởi công vào năm 2018.

Làng Mỹ Thủy, địa điểm triển khai nhiều dự án mai này.

Một dự án không kém phần hấp dẫn khác là trung tâm công nghiệp khí. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính cho biết Cty Gazprom EP International, Cty LD điều hành Vietgazprom, Viện Dầu khí Việt Nam và Tổng Cty Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với Quảng Trị nghiên cứu đưa khí từ mỏ Báo Vàng (lô 112,113) ngoài khơi Quảng Trị vào KKT với chiều dài 120km để xây dựng nhà máy xử lý khí, nhà máy điện khí và Cụm công nghiệp Khí - Điện -Đạm. Bức tranh KKT cũng đang được mở ra với Trung tâm phức hợp năng lượng. UBND tỉnh Quảng Trị và Cty One Asean Development (1A Thái Lan) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ xây dựng.

Khu phức hợp này sẽ được triển khai theo hướng kết hợp giữa cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, các nhà máy nhiệt điện than, điện khí, sản xuất than hóa khí, nhà máy chế biến khí và các dự án phát triển công nghiệp. Năng lượng điện sản xuất ra từ khu phức hợp này một phần để phục vụ nhu cầu trong nước, phần còn lại nếu được hai Chính phủ đồng ý sẽ xuất sang các nước lân cận, trong đó có Thái Lan. Quảng Trị cũng đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất bao bì thủy tinh cao cấp do Cty CP thủy tinh Châu Âu làm chủ đầu tư, có vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng sẽ được triển khai tại xã Triệu Trạch (H. Triệu Phong).

Dự kiến trong tháng 12–2015, sẽ khởi công nhà máy và đưa vào hoạt động năm 2017. Nhà máy sản xuất cấu kiện bê-tông Mỹ Thủy là dự án của Cty CP Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy dự kiến cũng sẽ được khởi công trong tháng 12–2015 này. Cảng Cửa Việt cũng sẽ được mở rộng khu vực phía nam với quy mô đến năm 2020 - 2030 đón tàu tổng hợp có trọng tải 3.000 DWT và tàu xăng dầu 40.000 DWT; giai đoạn định hướng đến năm 2050, tàu tổng hợp có trọng tải lớn hơn... KKTĐNQT đang được khởi động, mai này cả dải ven biển Quảng Trị sẽ bừng sáng và là điểm đến cuốn hút bất cứ DN nào muốn tìm cơ hội. Vậy nhà đầu tư còn chần chừ gì nữa...

Bảo Hà