Sức mạnh cộng hưởng to lớn của GMS
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) được tổ chức từ ngày 29 đến 31-3 tại Hà Nội, chiều tối 30-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước thành viên đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước thành viên đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS. |
Cùng dự Diễn đàn có Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Phó Tổng thống Myanmar Henry Van Thio, Ủy viên Quốc vụ CHND Trung Hoa Vương Nghị, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và gần 2.600 doanh nghiệp...
GMS rất nhiều cơ hội
Trong phiên khai mạc vào buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận về tình trạng hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực GMS; Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS; Kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Phát biểu tại phiên đối thoại, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự tham gia đông đảo của gần 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực và nhấn mạnh lực lượng này chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mê Kông. Thủ tướng cho biết, tiểu vùng Mê Kông mở rộng GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc với tổng quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD. Điều này cho thấy nếu các quốc gia, đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS thì sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung; mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.
Giới thiệu về thành tựu và tiềm năng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trong năm 2017, Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu Châu Á, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất, tỷ giá ổn định, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đến nay đạt hơn 60 tỷ USD.Việt Nam hiện có 25.000 dự án đầu tư nước ngoài FDI đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đầu tư đạt hơn 320 tỷ USD. Chỉ số thị trường chứng khoán VNindex năm 2017 tăng 41%, nằm trong Top 3 của thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới WB, chỉ số môi trường kinh doanh (DB 2017) của Việt Nam tăng 14 bậc lên mức 68/190; theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI 2017) tăng 5 bậc lên 55/137 và theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII 2017) tăng 12 bậc lên 47/127...
Khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhà nước không làm thay thị trường và doanh nghiệp mà tập trung kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật chuẩn mực, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Nhà nước quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở, chỉ đầu tư vào những khu vực quan trọng mà các doanh nghiệp tư nhân khó có thể đầu tư.
Hơn 2.600 nhà đầu tư tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. |
Các động lực kinh tế mới
Sáng 30-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội đồng Kinh doanh GMS tổ chức Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng với chủ đề “Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới”.
Phát biểu khai mạc tại Phiên họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, với nỗ lực của các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình hợp tác GMS đã được hình thành. Chuỗi giá trị GMS đang rộng mở. Một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, có những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Quan trọng nhất là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018.
Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thách thức đổi mới GMS đều vô cùng lớn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
* Chiều 30-3, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Thượng đỉnh GMS6 đã có phiên thảo luận chuyên đề: “Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng”. Tại phiên thảo luận, các đại biểu dự Phiên thảo luận nhất trí cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trước nhu cầu to lớn về phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước GMS, việc xác định giải pháp khả thi để tạo nguồn vốn cơ sở hạ tầng là rất cấp bách. Một số đại biểu đã nêu ý kiến về vai trò của Chính phủ trong việc khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng; việc khai thác hiệu quả tài sản công đối với mỗi quốc gia; cơ chế tài chính khả thi cho các dự án hạ tầng; đổi mới đối tác công tư để phát triển cơ sở hạ tầng.
* Cùng ngày, đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề: “Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng và thương mại toàn cầu”. Phiên thảo luận chuyên đề này là một diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận, đối thoại với các cơ quan Chính phủ của các nước GMS về các lợi ích, cơ hội, thách thức từ toàn cầu hóa và lưu chuyển thương mại hàng hóa, dịch vụ qua biên giới đối với sự phát triển của tiểu vùng GMS, những thành quả hợp tác mà các nước GMS đã đạt được trong hơn 25 năm hình thành và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh nhấn mạnh các cơ hội lớn đang đặt ra đối với GMS là: thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại giữa các nước GMS; thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ thông qua các Hành lang Kinh tế và các hiệp định thương mại tự do đã ký giữa ASEAN với hai quốc gia này; kết nối giữa chương trình hợp tác GMS với các cấu trúc hợp tác khu vực như ASEAN, Hợp tác Mê Kông - Nhật Bản, Hợp tác Mê Kông - sông Hằng, Hợp tác Mê Kông - Lan Thương, hay Sáng kiến Vành đai và Con đường; tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các nền kinh tế GMS có lợi thế như: dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, du lịch.
THU THỦY – TTXVN