Báo Công An Đà Nẵng

Sức mạnh… trên giấy?

Thứ ba, 03/07/2018 10:43

Ông Recep Tayyip Erdogan tiếp tục được người dân bầu chọn là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong “thời điểm vàng” khi nước này sửa đổi hiến pháp chuyển sang chế độ tổng thống nắm quyền.

Tất nhiên, khi tái đắc cử, Tổng thống Erdogan có những quyền hạn mở rộng hơn rất nhiều so với trước đó, trở thành một “siêu tổng thống” tại một quốc gia mà lâu nay chức vụ này chỉ mang tính nghi thức và hơn nữa ông còn có thể tiếp tục tại vị đến năm 2029. Ông Erdogan đã thống trị nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ trong 15 năm. Ông trở thành thủ tướng vào năm 2003 và sau đó tiếp tục chạy đua cho chức vụ tổng thống vào năm 2014. Ông đã chiến thắng và sau đó kêu gọi trưng cầu dân ý để chiếc ghế tổng thống không còn mang tính biểu tượng.

Vào tháng 7-2016, Tổng thống Erdogan sống sót sau một cuộc đảo chính quân sự thất bại và từ đó sử dụng tình trạng khẩn cấp – hiện vẫn có hiệu lực - để trừng phạt quân đội, cảnh sát và những phần tử chống đối. Cho đến nay, chính phủ của ông bắt giữ gần 160.000 người; đóng cửa nhiều tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh; đã chặn hàng chục nghìn trang mạng; và đóng cửa hàng trăm tổ chức xã hội dân sự.

Vào tháng 4-2017, ông Erdogan giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Nhưng để tận hưởng quyền lực mới, ông cần phải tìm được chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống – điều mà ông đã làm được trong cuộc bầu cử vào ngày 24-6 vừa qua. Tổng thống Erdogan bây giờ có quyền ban hành các sắc lệnh song song với các luật do Nghị viện soạn thảo và ban hành. Tổng thống cũng có quyền ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp mà không cần sự đồng ý trước của Quốc hội. Chiếc ghế thủ tướng cũng đã bị xóa bỏ.

Nhưng thực tế, sức mạnh của ông Erdogan cũng không quá lớn như vậy. Đảng Tư pháp và Phát triển của Erdogan (AKP) đã không giành được đa số tại Quốc hội. Để thành lập chính phủ, AKP phải bắt tay với đảng Phong trào Quốc gia (MHP). Vấn đề ở đây là MHP vốn muốn chính phủ chi nhiều tiền hơn để duy trì cuộc đàn áp người Kurd bên trong và bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và theo đuổi chính sách ngoại giao hiếu chiến khiến Ankara hoạt động tích cực hơn ở Syria và ít thân thiện với các đồng minh NATO ở Châu Âu và Mỹ. Đó là tin xấu đối với Tổng thống Erdogan và cả nền kinh tế, an ninh nội bộ và chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

THANH VĂN