Báo Công An Đà Nẵng

Sức mạnh từ ASEAN

Thứ bảy, 28/09/2013 14:23

(Cadn.com.vn) - ASEAN sẽ cần phải làm việc chăm chỉ, nếu muốn tiếp tục duy trì vị trí trung tâm trong mối quan hệ quyền lực ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý tham gia APEC và có chuyến công du đến Đông Nam Á, dự kiến diễn ra vào đầu tuần tháng 10 tới, làm nổi bật những cơ hội cũng như thách thức mà khu vực này phải đối mặt, đặc biệt là vai trò của các quốc gia nhỏ trong ván cờ quan hệ quyền lực.

Trong khi giới phân tích vẫn còn tranh luận về mối quan hệ Mỹ-Trung, các nước ASEAN hiểu rằng, bản chất cuối cùng của mối quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Vì lý do đó, họ không muốn phải chờ đợi một cách thụ động mà đang tích tạo mối quan hệ với hai ông lớn này cũng như các bên liên quan nhằm giúp hình thành các trật tự ở khu vực phát triển này.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Bandar Seri Begawan, Brunei hồi tháng 4. Ảnh: AP

Hiện, Trung Quốc tìm kiếm kiểu mới trong mối quan hệ quyền lực mạnh mẽ với Mỹ, nhằm tạo vị thế cân bằng cho hai quốc gia trên trường quốc tế. Bắc Kinh đang tìm kiếm giấy bảo đảm từ Washington rằng, chính sách của Mỹ sẽ không làm mất đi lợi ích của Trung Quốc. Ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có tính ưu việt bất thành văn trong cùng một cách mà Mỹ được hưởng tại Tây bán cầu. Vì vậy, Bắc Kinh có những hành động quyết đoán và vô lý trong tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông như: thường xuyên cử các tàu hải giám đến khu vực xung quanh, chiếm giữ bãi cạn Scarborough của Philippines... tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong  tranh chấp kéo dài nhiều năm qua.

Trong khi Bắc Kinh có thể tin rằng, đó là mệnh lệnh để thống trị Đông Nam Á, các nước trong khu vực tất nhiên chỉ muốn giữ lại quyền tự chủ của mình và đang dần chấp nhận tính ưu việt của Mỹ trong khu vực. Có 3 lý do cho điều này: Mỹ tôn trọng tự do hàng hải; đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cường quốc khác thống trị các nước nhỏ hơn trong khu vực và không có tham vọng đòi chủ quyền lãnh thổ trong khu vực đó. Tính minh bạch chung của hoạch định chính sách Mỹ cũng rất hữu ích cho các quốc gia Đông Nam Á. Vì thế mà việc Mỹ trở lại Châu Á – Thái Bình Dương khiến Mỹ được nhiều nước ASEAN chào đón.

Tuy nhiên, theo báo Diplomat, các nước ASEAN hoàn toàn không muốn ở vị trí mà buộc họ phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington. Đầu tiên, khối này luôn tìm đến vị trí chính nó như là một nền tảng trung lập và đáng tin cậy cho đối thoại giữa các cường quốc thông qua các tổ chức như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + và các cơ chế ASEAN+. Thứ hai, ASEAN luôn lo sợ rằng, cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ biến mất một khi cuộc khủng hoảng mới bùng nổ, đặc biệt là ở Trung Đông.

Đó là lý do vì sao ASEAN đang thúc giục Bắc Kinh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Trong năm chủ tịch 2013 của Brunei, các thành viên ASEAN đang đoàn kết với nhau để có thể biến COC thành hiện thực. Singapore liên tục tiếp lửa cho COC và nêu vấn đề này với Bắc Kinh trong nhiều chuyến thăm đến Trung Quốc. Indonesia quan tâm bảo vệ sự thống nhất của ASEAN về COC và tìm cách tạo ra mặt bằng chung để giải quyết những mối quan tâm của các quốc gia thành viên trong tranh chấp với Trung Quốc, trong khi tránh chia rẽ trong nhóm. Mặc dù Thái Lan được xem là “đứng thẳng hàng” với Trung Quốc, Bangkok vẫn cam kết hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN khác để tiến đến COC.

Rõ ràng, các quốc gia thành viên đều mong muốn ASEAN vẫn là trung tâm cấu trúc khu vực. Để làm được như vậy, khối này phải duy trì một tư thế tinh tế giữa Mỹ và Trung trong khi cùng một lúc tham gia với các cường quốc khác như Nhật, Nga và Ấn Độ.

Khả Anh

 

Cty Nhật Bản “xa lánh” Trung Quốc

(Cadn.com.vn) - Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Nước ngoài Nhật Bản mới đây, đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc sụt giảm 31%, chỉ còn 4,93 tỷ USD trong khi đầu tư tại Đông Nam Á tăng 55%, lên tới 10,29 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2013 so với năm 2012. Xu thế này cho thấy Bắc Kinh có thể hứng chịu thiệt hại trong đợt sóng mới vươn rộng ra nước ngoài của các Cty Nhật Bản.