Sức sống của nghệ thuật quần chúng
(Cadn.com.vn) - Liên hoan nghệ thuật quần chúng TP Đà Nẵng 2014 với chủ đề: "Vinh quang Việt Nam" do Trung tâm Văn hóa TP Đà Nẵng tổ chức vừa kết thúc đã để lại nhiều ấn tượng thuyết phục trong lòng người thưởng ngoạn. Các quận, huyện đã mang về Liên hoan 7 chương trình như những lẵng hoa rực rỡ sắc màu. Đơn vị Q. Liên Chiểu đem đến Liên hoan những tiết mục đặc sắc được chọn lọc từ hội diễn phong trào của quận. Hừng hực khí thế, tâm huyết và say sưa hơn, Q. Ngũ Hành Sơn với chương trình gồm 2 phần: ôn lại những ký ức, mô tả thời điểm lịch sử đoàn quân tiến về giải phóng quê hương, giải phóng Đà Nẵng và niềm tin trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay... Q. Cẩm Lệ và H. Hòa Vang đã gặp nhau trong ý tưởng tập trung lực lượng hùng hậu, cùng mở đầu chương trình là một liên khúc gồm những ca khúc đi cùng năm tháng, làm chủ đạo cho chương trình. Còn Q. Hải Châu đã mang đến Liên hoan một chương trình nhẹ nhàng, sâu lắng và tinh tế...
Một tiết mục múa hát tại Liên hoan. |
Các địa phương đã đầu tư dàn dựng chương trình công phu, nâng tầm nghệ thuật cho từng tiết tục biểu diễn, ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp của phong trào nghệ thuật quần chúng. Người xem có cảm giác họ múa như chưa bao giờ được múa và họ hát như sẽ không bao giờ được hát nữa... Đó chính là cái hấp dẫn, cái say sưa của nghệ thuật quần chúng. Sự biến hóa và sáng tạo trên sân khấu dẫn dắt người xem vào những bất ngờ nối tiếp khi hát múa: "Vịnh xuân đất Tổ" của Hải Châu với cách hát, cách bố trí các giọng khoa học đã tạo nên hòa âm 3 bè đẹp, hiệu quả, đặc biệt phần phối khí đã chắp cánh cho tiết mục thành công... Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nói đến sự tinh tế trong cách dùng trang phục của tiết mục này. Chỉ với hai màu trắng thuần khiết và điểm xuyết đỏ đã tạo nên sự linh thiêng và thành kính, giản đơn mà hiệu quả. Ở một cách thể hiện khác "Khúc tráng ca biển" của Q. Hải Châu, nhuần nhụy trong xử lý cầu nối, để rồi đưa người xem vào nỗi đau xé lòng, khiến chúng ta phải lặng người khi nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo mà giờ đây chỉ còn lưu lại là những ngôi mộ gió mong manh giữa sóng, giữa gió của trùng khơi... có thể nói, đã làm nhòa đi ranh giới giữa chuyên nghiệp và không chuyên và đã để lại trong lòng người xem những ấn tượng khó quên...
Qua Liên hoan cũng đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo, của các cán bộ phụ trách phong trào cả về vật chất cũng như tinh thần. Đặc biệt trong Liên hoan chúng ta cảm nhận được một không khí văn nghệ tràn ngập niềm vui, một sân chơi nghệ thuật hấp dẫn và hữu ích. Đây cũng chính là nét đẹp truyền thống của phong trào nghệ thuật quần chúng TP Đà Nẵng. 39 năm trôi qua, phong trào có biết bao nhiêu biến động, bao nhiêu thăng trầm... May mắn thay, phong trào nghệ thuật quần chúng TP đã lớn lên nhờ sự tâm huyết của nhiều người, đã từng bước trưởng thành, đến nay chất lượng nghệ thuật quần chúng đã được nâng tầm. Đặc biệt, trong Liên hoan lần này và những Hội thi, Hội diễn gần đây chúng ta thấy xuất hiện một lực lượng làm nghệ thuật có nghề, đam mê, triển vọng và tâm huyết... Đó là những học sinh trưởng thành từ mái trường Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng... Những người làm nghệ thuật hôm nay gởi gắm nhiều hy vọng vào thế hệ này... để nghệ thuật quần chúng vẫn trẻ mãi và trở thành món ăn tinh thần thân thiết, gần gũi với đông đảo công chúng Đà Nẵng.
Trần Ái Nghĩa