Báo Công An Đà Nẵng

Sức sống của thơ Bút Tre

Thứ tư, 05/09/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Chuyến đi tham quan phía Bắc vừa rồi tôi mua được cuốn  "Bút Tre- Thơ và giai thoại"(*) do họa sĩ- nhà văn Ngô Quang Nam  sưu tầm và giới thiệu. Tôi đọc và thấy có nhiều điều tâm huyết cần suy nghĩ về thơ cũng như văn chương nghệ thuật trong thời đổi mới. Thơ Việt từ khi có chữ viết đến nay đều bắt nguồn từ ca dao dân ca chốn làng quê mà thành, nên chúng ta hay gọi là Thơ Ca. Ca rồi mới đến Thơ (tức là từ dân gian đến bác học). Cũng có lối đi "từ bác học" đến dân gian. Ví dụ ca dao hò vè, các lối hát quan họ, ca trù, xẩm..., đa phần là sáng tác của các nhà thơ, các thầy đồ hay chữ, được dân gian hóa mà truyền đời này qua đời khác. Có một lối đi từ  văn chương bác học đến thơ ca dân gian nhưng vô cùng khác lạ mà lý thú, không giống ai: Đó là lối thơ Bút Tre! Từ nhiều năm nay, nghĩ đến thơ Bút Tre, tôi nghĩ ngay đến một cách chơi thơ  tài tử, tài tình, nó là sự cách tân, làm giàu câu thơ Việt. Trong lịch sử thơ ca nước ta có lẽ tôi chưa biết có một nhà thơ nào sáng tạo ra một cấu trúc thơ riêng của mình có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống sinh hoạt xã hội của người Việt như Bút Tre.

Thơ Bút Tre  sinh ra từ những năm 60 của thế kỷ trước. Chỉ sau đó 5 năm, thơ Bút Tre đã được "nhân bản" thành  các dòng thơ hậu Bút Tre khi ông  còn sống, như Bút Tre trẻ, Bút Tre non, Bút Tre xanh, Bút Tre Tây... Bây giờ thì dân ta ai cũng thuộc những câu thơ hậu Bút Tre: Anh đi công tác Plei / Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra;  Núi Voi trông thật giống con voi / Có cả đầu đuôi, có cả vòi / Núi cũng như người hăng sản xuất / đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai... Chắc chắn cuộc sống càng phát triển dòng thơ Bút Tre ngày càng sinh sôi.

Vậy thơ Bút Tre có phải là thơ không? Dòng thơ đó sinh ra trong hoàn cảnh nào? Và tại sao nó lại được công chúng khắp cả nước truyền tụng, "nối mạng" liên tục như vậy? Nhà "Bút Tre học" Ngô Quang Nam qua cuốn sách đã cho chúng ta hiểu về thơ và giai thoại Bút Tre. Bút Tre là bút hiệu của ông Đặng Văn Đăng, nguyên Trưởng ty Văn Hóa tỉnh Phú Thọ, rồi Vĩnh Phú. Ông sinh năm 1911, tốt nghiệp tú tài Tây toàn phần về triết học; sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông từng viết báo, viết truyện in trên báo Đông Pháp thời Pháp thuộc, ký tên là Lục Y Lang (Chàng trai áo xanh). Sau năm 1945, ông hoạt động ngoại giao, từng làm Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt NamRumania. Bút Tre là bút danh ông tự đặt cho mình. Ông nói, khi đọc tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu có hai câu: "Nhà nghèo không mực thì son/Bút tre giấy má nuôi con học hành", ông liền lấy hai chữ Bút Tre làm bút danh. Nhưng tại sao lại là Bút Tre? Bút Tre là để đối chọi với Bút Sắt. Tại sao phải đối chọi? Vì một thời các nhà thơ " bút sắt " của ta nghiêm túc quá, ít chất thi sĩ lãng tử. Đó là ông diễu một phương pháp sáng tác. Thơ văn mà nghiêm như báo cáo, từ chương, không ai dám sáng tạo ra điều gì về hình thức và nội dung ngoài những điều trên dạy, sách dạy.

Bút Tre (Đặng Văn Đăng) và các cháu nội. 

Ông từng có  tập thơ "Nhật ký thơ" gồm 398 bài thơ đường luật niêm luật rất chỉn chu.... Khi làm Trưởng ty Văn hóa tỉnh, ông là người đề xướng khai mở nhiều vấn đề lớn về văn hóa của đất nước  như  vấn đề nghiên cứu "Văn hóa Hùng Vương", phát động phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" sau chuyến đi thăm tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình. Ông chính là người đã có công ghi lại (theo kiểu thơ) để lưu truyền câu nói nổi tiếng của Bác Hồ tại Đền Giếng, khi Bác về thăm Đền Hùng: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Bút Tre sinh ra ở xã Đồng Lương, H. Sông Thao, Phú Thọ. Đây là vùng  đất có truyền thống văn hóa dân gian rất phong phú. Làng Đồng Lương xưa kia sinh ra nhiều cây sáng tác vè xuất chúng. Có lẽ Đặng Văn Đăng cũng là "hậu sinh khả úy" của làng. Sinh thời ông Đặng Văn Đăng luôn luôn ứng tác  thơ ca, vè để phục vụ cuộc sống. Thơ "xuất bản miệng" của Bút Tre nhiều vô kể. Kể cả khi là Trưởng ty Văn hóa, ký quyết định phân công công tác cho một cán bộ về ngành bảo tàng, ông cũng chua thêm thơ: "Chú về công tác bảo tàng / cũng là công cuộc cách màng giao cho". Ông viết trường ca tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trường ca tặng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trường ca về Điện Biên tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài hàng trăm câu thơ song thất lục bát.

Điều đặc biệt là trong thơ Bút Tre xuất hiện những câu thơ với hình ảnh, cách ngắt câu mạnh bạo, bắt vần rất lạ, rất đắc địa. Chính những câu thơ này làm nên sức sống và sức lan tỏa của thơ Bút Tre. Viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông có câu: "Anh đi đồng ruộng lắng nghe / Lúa mừng phân bắc khoai che mảnh vườn" . Thơ tặng cô bán quả vải, ông viết: "Yêu nhau bóc vỏ áo ra / Trong như ngọc, trắng như ngà em ơi...". Đặc biệt trong trường ca tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bút Tre có hai câu thơ xuất thần, đột khởi làm nên thương hiệu Bút Tre lưu truyền hậu thế và tạo nên nhiều thế hệ Bút Tre mới sau này.  Đó là câu lục bát:

Hoan hô đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về

Trong lịch sử thơ lục bát Việt Nam chưa có ai ngắt nhịp 6/8 chia đôi họ tên một người nổi tiếng như  thế cả. Cách bắc cầu trong thơ lục bát như thế gây nên tiếng cười sảng khoái và ám ảnh. Vì chưa hiểu "Phong cách Bút Tre", nên nhiều nhà thơ chuyên nghiệp, nhiều nhà quản lý văn hóa đã cho rằng thơ như thế là thô thiển, văng mạng, là vô lễ với Đại tướng... Nhưng càng đọc, càng ngẫm, mới thấy với cách ngắt nhịp câu lục bát rất ga-lăng và bạo dạn ấy, Bút Tre đã bắt được cái hồn dân gian Việt với cái chữ "ta" tài tình, làm giàu có  thêm cho thơ Việt: "Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về". "Giáp ta" cũng như Đảng ta, dân ta, nước ta..., là tự hào, là thương yêu chứ không hề hạ thấp hay vô lễ gì cả. Đó chính là chất dân gian hiện đại mà Bút Tre đã phát hiện ra. Hai câu thơ đó đã tạo nên loại thơ "Hoan hô" rất phong phú của hậu Bút Tre: "Hoan hô trung tá Phạm Tuân / Bay lên vũ trụ một tuần về ngay"; "Hoan hô đồng chí Hà Đăng / Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa" (Hà Đăng là Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt lúc ấy).

Thơ Bút Tre giản dị, hồn nhiên, ông tự gọi thơ ông là ca vè. Nhưng có lẽ thơ Bút Tre nằm giữa thơ và ca, vè, khi thì thơ, khi thì vè nên nhân dân rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ tiếp nhận và truyền tụng. Viết về Bác Hồ, ông có câu thơ có hình tượng đẹp: "Bác là dòng suối mát tươi / Tưới đồng khô cạn, tắm đồi nẻ da" .... Thì ra câu thơ Việt, con chữ Việt có nội lực tiềm ẩn rất lớn, nếu ta mạnh dạn cách tân cấu trúc, tu từ, sẽ tạo nên sự khoái cảm thẩm mỹ mới lạ! Những sáng tạo lạ lùng và hiệu quả đó của Bút Tre là nguồn gốc sinh thành Trường phái Bút Tre Việt Nam, mà hàng thế kỷ qua không có nhà văn, nhà thơ lớn nào tạo dựng được.

Ngô Minh

 (*): Nguồn dẫn từ " Bút Tre- Thơ và giai thoại",
Ngô Quang Nam sưu tầm, giới thiệu, NXB Văn Hóa 1994.