Báo Công An Đà Nẵng

Sức sống từ Đời nón-đời người

Thứ ba, 21/04/2015 08:29

(Cadn.com.vn) - Với hơn 105 trang couché khổ 21x 21, tập sách ảnh "Đời nón-đời người" giới thiệu  70 ảnh nghệ thuật về chủ đề chiếc nón gắn với đời sống con người Việt Nam từ bao nhiêu đời nay, kết quả của những năm tháng miệt mài đi khắp đất nước săn tìm những khoảnh khắc ấn tượng nhất của chiếc nón lá của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh. Lần giở từng trang sách với những bức ảnh được trình bày trong nhiều chủ đề như "Cầu tre lắt lẻo", "Sang sông", "Giếng xưa phố Hội", "Bạn già", "Tát nước gàu đôi", "Chiều về", "Theo nghề của mẹ", "Trước gió", "Hương sen Đồng Tháp", "Lễ hội nón"... ta như đắm mình trong mọi vẻ đẹp ở nhiều góc độ, rất phong phú đa dạng cả về thời gian, không gian mà thế giới nghệ thuật với đề tài chiếc nón lá của NSNA Ông Văn Sinh đem lại.

Trong thế giới ấy, chiếc nón không bao giờ là chiếc nón đơn lẻ, mà nó gắn liền với cuộc sống, tâm hồn các dân tộc Việt từ xưa đến nay, từ vùng cao đến vùng biển, từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam... với rất nhiều sắc thái từ lao động tần tảo hằng ngày đến vui mùa lễ hội, từ núi non, sông nước đến biển cả, từ thiếu nữ làm duyên e thẹn đến nụ cười người già hồn hậu... Mỗi bức ảnh thật sự là một thế giới nghệ thuật sinh động và có hồn với nhiều sắc thái ý nghĩa đan xen làm nên sức cuốn hút của tập sách.

 

Những lời nhận định ngắn gọn của các nhà phê bình nghệ thuật Hồ Hải Học, Thanh Hải, Lê Xuân Thăng, Hoài Thương... được trình bày xen kẽ với hai ngôn ngữ Việt Anh giữa những bức ảnh gợi mở thêm về vẻ đẹp và ý nghĩa của thế giới những chiếc nón nghệ thuật của Ông Văn Sinh.  Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Lê Xuân Thăng khẳng định: "...Với 70 tác phẩm ảnh màu; ghi hình ở nhiều địa phương khác nhau, từ khi xây dựng ý tưởng đến lúc hoàn thành kéo dài hơn 10 năm; ống kính của NSNA Ông Văn Sinh đã kể một câu chuyện dài về chiếc nón lá - người bạn đường gần gũi, bình dị của dân tộc-trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước".

Nhà phê bình Hoài Thương ghi nhận: "Ở phương Bắc, NSNA Ông Văn Sinh gửi đến cho người xem nét đẹp của chiếc nón ba tằm, nón quai thao trong ngày hội, dùng dằng câu hát "người ơi người ở đừng về", nón làm duyên trên vai áo, nón e ấp che nụ cười, giấu hàng nước mắt tiễn đưa... Còn ở phương Nam chiếc nón đẹp đến nao lòng theo chân các nữ sinh thướt tha áo dài nhẹ gót qua những nhịp cầu tre mỏng mảnh. Nón lá chấp chới theo những bà, những mẹ ở những phiên chợ nổi vùng sông nước.

Ở đâu đó giữa mùa sen nở, mùa cúc vàng rực, bóng những cô gái xinh tươi, chao nghiêng vầng nón, quyến rũ lạ thường..."Đời nón-đời người" của NSNA Ông Văn Sinh còn mang dáng vẻ "trầm luân", ướt đẫm mồ hôi trên đầu người phụ nữ tảo tần với chiếc gánh trên vai trĩu nặng; đó còn là những vệt sáng liêu xiêu giữa cồn cát mênh mông. Nón đôi khi trở thành gàu múc nước, là "ghế" ngồi, là chiếc quạt xua đi cơn nóng giữa trưa hè cho những người lao động nghèo...Và dẫu, chiếc nón ấy đang ở trên sân khấu, hay giữa đời thường, đều được anh dành hết tâm tư để thể hiện. Vì vậy, chiếc nón qua cái nhìn sáng tạo, độc đáo của anh có một sức sống mãnh liệt, diệu kỳ".

Nguyễn Kim Huy