Báo Công An Đà Nẵng

Sức trẻ ở làng hoa Gò Giảng

Thứ sáu, 18/01/2019 11:23

Ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng), các làng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Dương Sơn (xã Hòa Châu) đã khẳng định thương hiệu của mình từ hàng chục năm nay thì làng hoa Gò Giảng (xã Hòa Phong) chỉ mới bước đầu tiếp cận thị trường tết. Năm nay, ngoài trồng các loài cúc kim, vạn thọ truyền thống, bà con nông dân nơi đây còn mạnh dạn đầu tư cả ngàn chậu ly ly có giá trị cao; vườn cúc đại đóa, cúc pha lê đa dạng kích cỡ với số lượng hơn 3 ngàn chậu của anh Ngô Đoàn Phương Lịnh và mô hình hoa treo ứng dụng công nghệ cao khoảng 10 ngàn chậu của anh Phạm Văn Hùng…

Mô hình hoa treo ứng dụng công nghệ cao của anh Hùng khoe sắc.

Đặc biệt, dịp Tết Kỷ Hợi này, anh Lịnh còn trồng thử nghiệm vài chục cây đu đủ vàng lùn để người chơi hoa, cây cảnh có thêm sự lựa chọn. Anh Lịnh cho biết, để tạo ra một cây đu đu cảnh đúng chuẩn, đúng thời điểm xuất bán rất khó và tốn nhiều công sức. Vì trồng trong chậu nên cây cần loại đất thịt ải, hoặc đất mới chưa gieo trồng bất cứ loại rau màu nào, khi cây được 40 ngày tuổi thì bắt đầu công đoạn dùng dây mềm để uốn cây nhằm tạo thế nghiêng. Đây là công đoạn rất khó vì thân đu đủ rất giòn, nếu không khéo là gãy ngay. Mọi thứ phải thực hiện từng chút một trong nhiều ngày liền…

Được biết, do không chủ động nguồn nước, nên vùng đất ở Gò Giảng chỉ được cư dân địa phương canh tác sắn, khoai. Anh Trần Quảng nhớ lại, lúc đó, gia đình anh có 2 sào đất trồng sắn nhưng chuyện có trồng mà chẳng có thu nhập cứ lặp đi lặp lại. Các luống sắn còi cọc, cao chưa đến thắt lưng người. Trồng để có cái mong chờ, chứ bỏ đất hoang thì tiếc. Cũng vì tâm lý này mà hàng chục năm qua, các hộ dân có đất canh tác nơi đây vẫn cố kỳ vọng một sự hồi sinh. Sau thời gian dài trăn trở, thử nghiệm, cuối cùng bài toán xóa nghèo cho vùng đất Gò Giảng dần có lời giải. Cuối năm 2014, trong quá trình triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới, Gò Giảng được UBND TP, huyện đầu tư kinh phí cải tạo vườn tạp, dồn điền đổi thửa để thực hiện dự án trồng hoa với diện tích ban đầu hơn 2ha. Ngoài việc bê-tông hóa đường từ Gò Giảng ra tuyến ĐH4 dài hơn 700m phục vụ việc đi lại, sản xuất, huyện còn kéo hệ thống điện chiếu sáng, hỗ trợ nhân dân đào giếng khơi, giếng bơm phục vụ trồng hoa...

Tập trung cho dự án trồng hoa trên khu đất bạc màu này, các cấp chính quyền ở huyện, xã đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp về phân tích chất đất để bảo đảm chắc chắn trước người dân trồng hoa sẽ cải thiện được nguồn thu nhập. “Khi nghe lãnh đạo huyện, xã “đánh cược” với người dân về thành công của dự án, chúng tôi còn hoài nghi, nhưng bây giờ thì thấy “sướng” rồi vì những lời “đánh cược” năm xưa của lãnh đạo đã trở thành hiện thực. Từ khi có dự án trồng hoa, bà con nông dân phấn khởi lắm. Chỉ riêng vụ Tết năm ngoái, với 1 công đất trồng các loài cúc kim, vạn thọ truyền thống, mỗi hộ cũng kiếm được 12-15 triệu đồng rồi”, anh Quảng chia sẻ.

Theo anh Hùng, để có được những bông hoa đẹp và nở vào đúng những ngày lễ, tết không phải đơn giản, đòi hỏi sự công phu của người trồng hoa và có sự mạnh dạn trong đầu tư. Ngoài sự lựa chọn những giống hoa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng, một vấn đề quan trọng không thể thiếu đối với người trồng hoa đó là phải nắm vững quy trình kỹ thuật của từng loài hoa. Sản xuất hoa chất lượng cao cung cấp cho thị trường đang là mô hình phát triển kinh tế mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; mở hướng phát triển ra các vùng lân cận, tạo cơ sở để hình thành vùng trồng hoa lớn, tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Có thể nói, công việc trồng hoa đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, chịu khó và không thiếu sự vất vả. Nhưng vì giá trị kinh tế mang lại từ trồng hoa và để cho ngày tết của mỗi nhà thêm hương sắc, nhiều nông dân trẻ ở Gò Giảng vẫn cứ miệt mài với công việc của mình. Họ tin, dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì tết này vẫn có hoa để cung cấp cho thị trường, đồng thời gia đình họ sẽ có khoản thu nhập xứng đáng để vui xuân, đón tết.

VY HẬU