Báo Công An Đà Nẵng

Sudan đối mặt với cuộc xung đột toàn diện

Thứ năm, 20/04/2023 08:44

Cột khói bốc lên sau cuộc giao tranh ở Sudan. Ảnh: Reuters

Nguồn gốc xung đột

Cuộc giao tranh nổ ra giữa SAF và RSF vào cuối tuần qua được cho là chưa từng có trong lịch sử Sudan thời hậu độc lập, sau khi căng thẳng gia tăng trong nhiều tháng giữa SAF và RSF. Đây là các lực lượng đã cùng nhau lật đổ chính phủ dân sự trong một cuộc đảo chính vào tháng 10-2021.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm do kế hoạch được quốc tế hậu thuẫn nhằm khởi động một quá trình chuyển đổi mới với các đảng dân sự. Một thỏa thuận cuối cùng dự kiến sẽ được ký kết vào đầu tháng 4, nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày lật đổ nhà lãnh đạo Omar al-Bashir trong một cuộc nổi dậy. Cả SAF và RSF đều được yêu cầu nhượng lại quyền lực theo kế hoạch và có hai vấn đề đặc biệt gây tranh cãi: một là thời gian để hợp nhất RSF vào các lực lượng vũ trang chính quy, thứ hai là khi nào SAF sẽ chính thức được đặt dưới sự giám sát của chính quyền dân sự.

Theo Reuters, người đứng đầu SAF, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, coi RSF là một nhóm phiến quân và ra lệnh giải tán lực lượng này. Trong khi đó, lãnh đạo RSF, Tướng Hemedti gọi ông Burhan là "một phần tử Hồi giáo cực đoan đang ném bom dân thường từ trên không".

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan ngày 18-4. Ảnh: AFP

Xung đột đẫm máu vẫn tiếp diễn

Giao tranh nổ ra ở thủ đô Khartoum của Sudan và các thành phố lân cận từ ngày 15-4, trong đó cả hai bên đều đổ lỗi cho bên kia kích động bạo lực. SAF cáo buộc RSF huy động lực lượng bất hợp pháp trong những ngày trước đó và RSF, khi di chuyển đến các địa điểm chiến lược quan trọng ở Khartoum, cho biết SAF đã tìm cách giành toàn bộ quyền lực cùng những người trung thành với cựu Tổng thống Bashir.

Hai bên đã không kích, pháo kích và đấu súng với nhau trong nhiều ngày. Nhiều đề nghị ngừng bắn đã được đưa ra, nhưng bạo lực chưa có dấu hiệu kết thúc hoàn toàn. RSF ngày 15-4 tuyên bố đã chiếm giữ dinh tổng thống, tư dinh chỉ huy quân đội, đài truyền hình và các sân bay ở Khartoum cùng các thành phố Merowe, El Fasher và bang Tây Darfur. Tuy nhiên, quân đội Sudan bác bỏ những thông tin này và cho biết không quân đang thực hiện chiến dịch chống RSF.

Các đám cháy đã bốc lên khắp Sudan. Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều máy bay bị hư hại tại sân bay quốc tế Khartoum. Người dân được yêu cầu ở nhà; trong khi trường học, ngân hàng và trụ sở cơ quan nhà nước bị đóng cửa từ ngày 16-4. Người dân còn phải đối mặt với tình trạng mất điện, nước. Nhiều bệnh viện bị phá hủy, thậm chí ngừng hoạt động. Các cuộc giao tranh giữa SAF và RSF đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương.

Hôm 18-4, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói với các phóng viên ở Nhật Bản rằng một đoàn xe của Đại sứ quán Mỹ đã bị nã súng vào ngày 17-4 tại Sudan. Ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, đã đăng trên Twitter hôm 17-4 rằng Đại sứ EU tại Sudan "đã bị hành hung ở nơi cư trú của mình".

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken đã trực tiếp điện đàm với từng bên để cảnh báo rằng những mối nguy hiểm cho các nhà ngoại giao Mỹ là không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi hai phe ngừng bắn. Sau sức ép từ Ngoại trưởng Mỹ, hai bên đồng ý ngừng bắn trong 24 giờ bắt đầu từ 18 giờ ngày 18-4 để đảm bảo dân thường đi lại an toàn và sơ tán những người bị thương. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn ở thủ đô Khartoum, khiến thỏa thuận ngừng bắn có nguy cơ đổ vỡ và làn sóng bạo lực vẫn chưa có hồi kết.

Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các bên tham chiến của Sudan đảm bảo quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo cho những người có nhu cầu. Hiện các bên liên quan quốc tế đã kêu gọi ngừng bắn và quay trở lại đối thoại, nhưng có rất ít dấu hiệu thỏa hiệp từ các phe tham chiến. Trong bối cảnh quân đội Sudan có nguồn lực vượt trội với cả sức mạnh không quân, còn RSF đã mở rộng thành một lực lượng ước tính khoảng 100.000 người được triển khai khắp Khartoum và những thành phố lân cận cũng như ở các khu vực khác, Sudan có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới.

AN BÌNH