Báo Công An Đà Nẵng

Súng vẫn nổ ở Ukraine

Thứ sáu, 21/02/2014 11:34

* CÔNG BỐ QUỐC TANG

(Cadn.com.vn) - Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ và các lãnh đạo biểu tình, súng vẫn nổ ở trung tâm thủ đô Kiev.

Tiếng súng nổ ra ở Quảng trường Độc lập vào sáng 20-2, phá tan không khí tạm yên ắng nhờ thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ và phe đối lập.

Vụ bùng phát bạo lực mới nhất này đang có nguy cơ làm lung lay thỏa thuận ngừng bắn quan trọng, vốn rất khó khăn mới đạt được vào tối 19-2.

Đụng độ biểu tình tiếp tục trong ngày 20-2. Ảnh: BBC

NGƯỜI BIỂU TÌNH LẠI CHIẾM QUẢNG TRƯỜNG ĐỘC LẬP

Theo CNN, nguyên nhân là khi do phe biểu tình lại tiếp tục dàn trận, tái chiếm Quảng trường Độc lập – vốn được coi là “yếu điểm” của chính phủ.

Khói bốc lên từ những rào chắn xung quanh trại biểu tình khi hàng ngàn người vẫn xúm quanh Quảng trường, ném bom xăng và đá vào cảnh sát. Reuters dẫn hình ảnh trên truyền hình cho thấy, những người biểu tình giành lại quyền kiểm soát Quảng trường Độc lập và một số cảnh sát bị những người mặc trang phục dã chiến bắt giữ và dẫn đi. Trong khi đó, phóng viên CNN tại hiện trường cho biết, khi lực lượng an ninh di chuyển ra khỏi khu vực này, một nhóm người biểu tình đuổi theo. Nhiều người biểu tình ngã xuống khi cảnh sát phản ứng bằng cách tấn công trại biểu tình khi được trang bị vòi rồng, lựu đạn gây choáng và đạn cao su. Ít nhất 3 người được cáng ra ngoài, song không rõ liệu họ đã chết hay bị thương.

Bạo lực tiếp tục tại Quảng trường Độc lập cho thấy, nhiều phần tử cực đoan trong những người biểu tình có thể không muốn thỏa thuận ngừng bắn và không được xoa dịu bằng những triển vọng của cuộc đàm phán. Cảnh tượng xung đột khiến người ta nhớ lại vụ bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua vào tối 18-2 khiến 28 người chết, tăng thêm 3 người so với con số ban đầu. Để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng, Tổng thống Yanukovich tuyên bố 20-2 là ngày quốc tang.

UKRAINE SẼ HỨNG “CƠN MƯA” TRỪNG PHẠT?

Trước tình hình phức tạp này, các hoạt động vận động chính trị và ngoại giao vẫn tiếp tục hướng về Ukraine.

3 Ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU) - từ Đức, Pháp và Ba Lan - đã đến Kiev để nói chuyện với cả hai phe trước khi EU tổ chức cuộc họp khẩn tại Brussels để xem xét biện pháp trừng phạt Ukraine vì để xảy ra bạo lực đẫm máu. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án tình trạng bạo lực ở nước này, cảnh báo về khả năng cùng với EU áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn Kiev.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ được tổ chức tại Mexico, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi các lực lượng vũ trang Ukraine đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng chính trị và cảnh báo sẽ có hậu quả cho những ai “bước qua ranh giới này”. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định, mối quan hệ giữa khối này với Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nếu quân đội can thiệp chống lại người biểu tình.

Những lo ngại về “vai trò của quân đội” trong xử lý biểu tình nổi lên khi Tổng thống Yanukovich quyết định thay Tổng tham mưu trưởng quân đội. Thông báo của Văn phòng Tổng thống cho biết, ông Yuri Iliin – vốn rất trung thành với Tổng thống - làm Tổng tham mưu trưởng thay thế ông Volodymyr Zamana – người vốn có khúc mắc với nhà lãnh đạo Yanukovich.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga mô tả vụ bạo lực vừa qua là hành động đảo chính và thậm chí sử dụng “Cách mạng nâu” -  cụm từ từng được nói đến khi Đức Quốc xã gia tăng ảnh hưởng để lên nắm quyền ở Đức vào năm 1933. Nga tuyên bố sẽ sử dụng “tất cả ảnh hưởng của mình để khôi phục lại hòa bình và trật tự”. Điện Kremlin tuyên bố sẽ không hủy việc giải ngân khoản vay 15 tỷ USD cho Kiev, song trước mắt tình hình ở Ukraine phải trở lại bình thường.

Tình hình ở Ukraine từng khiến một số chuyên gia nghĩ về khả năng nội chiến. Nhưng khả năng này rất khó xảy ra mà điều đáng lo nhất là  tương lai quyền lực Tổng thống Yanukovich. Bởi lẽ, để giải bài toán này, ông Yanukovich sẽ phải có những nhượng bộ đáng kể, nếu không muốn trấn áp mạnh mẽ hơn.

Khả Anh