Báo Công An Đà Nẵng

Suối nguồn tình mẹ

Thứ ba, 16/08/2016 11:18

(Cadn.com.vn) - Dù không mang nặng đẻ đau nhưng sợi dây mẫu tử giữa chị và Thảo như định mệnh ngọt ngào, nhen lên trong đời chị những tia hạnh phúc lấp lánh. Những tưởng cuộc đời sẽ mỉm cười với chị, nhưng thật nghiệt ngã khi đứa bé chị xin về nuôi được phát hiện bị dị tật vì chất độc da cam. Nhiều người khuyên chị đưa bé vào trung tâm nuôi trẻ khuyết tật nhưng chị đã không làm thế...

Chị Cúc và con gái Phương Thảo.

Năm 1993, chị Trần Thị Cúc (1957,  K.P3, TT Cam Lộ, H. Cam Lộ, Quảng Trị) là cán bộ phụ nữ xã Cam Thành (H. Cam Lộ), ngoài 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình, ở cùng mẹ già. Chị Cúc thường chia sẻ với bạn bè tâm nguyện sẽ xin một đứa con nuôi thay vì chờ đợi hạnh phúc lứa đôi. Giữa năm 1993, chị Cúc được báo tin tại TX Đông Hà có một phụ nữ mới sinh một bé gái, người nhà muốn cho làm con nuôi, lập tức, chị và một cán bộ Hội phụ nữ đạp xe về tìm. Ngay chiều hôm ấy, đứa bé đã ngủ say bình yên trong vòng tay chị ngược lên vùng đất Cam Lộ. Chị thương yêu đặt tên con là Phương Thảo.

Sau nhiều ngỡ ngàng, mọi người đã đến chia vui với chị. Ngôi nhà nhỏ gần QL9 từ đó vui lạ. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng sợi dây mẫu tử giữa chị và Thảo như định mệnh ngọt ngào, nhen lên trong đời chị những tia hạnh phúc lấp lánh, rồi cả những hy vọng về tương lai của con trẻ. 2 tháng qua đi, đôi mắt chị đã thâm sâu sau nhiều đêm thức trắng để chăm con. Nhưng bắt đầu từ đây, chị cảm thấy Thảo có dấu hiệu bất thường. Bé không có dấu hiệu lẫy, nằm trên cánh tay mẹ, bé cứ mềm oặt ra. Ban đầu, nghĩ do con  thiếu sữa mẹ nên sức khỏe không tốt, chị lại càng chăm sóc con nhiều hơn. Khi Thảo hơn 1 tuổi, chị đưa con đi khám, các bác sĩ khẳng định Thảo bị dị tật do chất độc da cam. “Cháu không đi lại được, không ngồi được, cũng không cầm nắm gì được, ngay cả phát âm cũng sẽ rất khó khăn. Chị cần phải biết rõ tình hình này để chăm sóc con”, vị bác sĩ vừa dứt lời,  chị đã khụy xuống. Chị bảo không phải vì hy vọng đời chị bị tắt mà là chị thương con đến xé lòng vì biết rằng nó sẽ mãi là đứa trẻ mà không thể lớn khôn, không thể có cuộc sống bình thường như bao người.

  Tin Thảo là trẻ tật nguyền nhanh chóng loan ra, nhiều người bắt đầu khuyên chị nên đưa con vào trại chăm sóc trẻ khuyết tật rồi tìm nuôi một đứa bé khác khỏe mạnh hơn. Những lời chia sẻ ấy cứ như đâm ngàn dao vào tâm can chị. “Nó là con chị, không bao giờ chị bỏ rơi nó”, chị Cúc nói trong nước mắt. Kể từ đó, chị nghỉ công việc ở Hội Phụ nữ đã gắn bó gần 20 năm để có thể lo cho con. “Thảo hay bị động kinh, tui không thể vắng mặt nó lâu được”, chị Cúc chia sẻ. Chị chọn nuôi gà, lợn gần nhà để tiện chăm Thảo, cuộc sống mẹ con, bà cháu cứ đắp đổi qua ngày trong chật vật nhưng bình yên và tha thiết.

Chị Cúc sơ chế trái Nhàu kiếm thêm thu nhập.

Dường như hiểu được nỗi vất vả của người mẹ nghèo, Thảo có đôi mắt biết cười và rộn ràng ú ớ  muốn chuyện trò. “Nó khó bật lên tiếng “Mẹ” nhưng có thể ngọng ngịu gọi “Lự ơi” dễ thương lắm. Lự cũng là tên tui, nó nghe mọi người gọi thành quen, có lẽ phát âm dễ hơn”, chị Cúc đưa mắt trìu mến về con gái. Mấy năm trước mẹ chị mất, nhà chỉ còn lại hai mẹ con. Thảo trở thành niềm an ủi, là động lực duy nhất giúp chị băng qua bão tố khó khăn, vất vả và cái nghèo bủa vây. Còn nhớ thời gian trước, chị bị bỏng phổi nặng do sặc dầu hỏa, phải nằm viện điều trị. Chưa bao giờ chị thấy tuyệt vọng như lúc đó, bởi con gái thiếu người chăm sóc mà bản thân chị cũng cần được giúp đỡ tại bệnh viện. Tất cả đều trông vào gia đình người chị gái. Lúc ấy, có người đến thăm cám cảnh đã bóng gió muốn đưa Thảo vào trung tâm người chăm sóc trẻ khuyết tật. Nhưng ý nghĩ ấy đã bị nhiều người chặn lại ngay, bởi họ hiểu Thảo là lẽ sống đời chị và chị cũng là mạch sống của con. “Cả tháng trời xa mẹ, bé Thảo nó nhớ dữ lắm, đút cơm cháo chi cũng lắc đầu hết, nó cứ oằn người để gọi “Lự ơi”, “Lự ơi”, nghe đến đứt ruột”, nghe người hàng xóm kể chị Cúc cứ nghẹn giọng lại, nước mắt ngấn mi.

Đến hôm nay, khi đã chạm tuổi lục tuần, gian nan vẫn chưa dừng lại thì Thảo của chị vẫn chỉ là đứa bé nhưng điều đó không ngăn được tình mẫu tử trong chị trôi vào đời con như suối nguồn thiêng liêng, vĩ đại...

Bảo Hà