Báo Công An Đà Nẵng

Syria bầu Quốc hội trong thời chiến

Thứ hai, 20/07/2020 14:44

Ngày 19-7, cử tri Syria đã đi bỏ phiều bầu quốc hội khóa mới, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế và tình trạng kinh tế yếu kém sau khi giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực của đất nước từ phiến quân và phần tử khủng bố.

Tổng thống Bashar al-Assad và phu nhân Asma đi bỏ phiếu tại thủ đô Damascus.  Ảnh: AP

Đây là cuộc bầu cử quốc hội thứ 3 tại Syria kể từ khi nội chiến bùng nổ năm 2011. Hơn 2.000 ứng cử viên, trong đó có các doanh nhân nằm trong danh sách trừng phạt gần đây của Mỹ, tham gia cuộc bầu cử này. Ủy ban bầu cử Syria cho biết, hơn 7.400 điểm bầu cử trên cả nước đã mở cửa để cử tri đến bỏ phiếu bầu ra 250 nghị sĩ Quốc hội.

Điểm đáng chú ý, đây là lần đầu tiên bầu cử diễn ra tại các khu vực mà chính phủ giành lại quyền kiểm soát, gồm khu vực Đông Ghouta ngoài thủ đô Damascus và phía nam tỉnh Idlib. Theo tổ chức giám sát nhân quyền Syria, Chính phủ Syria hiện đã kiểm soát 70% đất nước sau khi đánh bật các tay súng tại các khu vực này. Trong cuộc bầu cử năm 2016, có 57% số cử tri đủ tư cách tham gia bỏ phiếu. Hiện chưa rõ số cử tri đi bỏ phiếu, nhưng hàng triệu cử tri hiện đang sống ở nước ngoài, bao gồm những người tị nạn buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, sẽ không được tham gia cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử từng bị hoãn 2 lần trong tháng 4 vừa qua do dịch Covid-19.

Dự báo đảng Baath của Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh sẽ giành được đa số bởi phe đối lập thực sự của đảng Baath không có mặt trong cuộc bầu cử lần này. Các nhóm đối lập dự kiến sẽ tẩy chay cuộc bầu cử và đảng Baath đảm bảo sẽ giành được thế độc quyền trong Quốc hội mới như đã từng xảy ra trong các cuộc bầu cử trước đó. Trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất vào năm 2016, đảng Baath và các đồng minh đã giành được 200 trong số 250 ghế quốc hội trong khi các vị trí còn lại thuộc về các ứng cử viên độc lập.

Khó khăn kinh tế

Bầu cử diễn ra tại thời điểm hầu hết người dân Syria lo lắng về sinh hoạt phí tăng và tình hình kinh tế tồi tệ. Do đó, nhiều ứng cử viên tranh cử cam kết giải quyết vấn đề lạm phát và cải tạo cơ sở hạ tầng bị tàn phá trong các cuộc xung đột.  “Khi gần 90% đất nước rơi vào tình trạng nghèo đói, mọi người ngày càng tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ”, Karam Shaar, một chuyên gia về Syria tại Viện Trung Đông nói. Nền kinh tế Syria đã sụt giảm tự do trong vài tháng qua, với đồng bảng Syria đã mất khoảng 70% giá trị, khiến giá cả hàng hóa cơ bản tăng cao, nhiều người Syria không có khả năng chi trả.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, hầu hết người Syria tin rằng Quốc hội không phải là cơ quan phù hợp để giải quyết các vấn đề kinh tế của họ. Nhà nghiên cứu độc lập Malak Chabkoun cho biết: “Tình hình kinh tế đang bóp nghẹt người Syria ở cả hai phe chính phủ và nổi đậy”. Bà Chabkoun giải thích một nền kinh tế đang xấu đi và các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ là vấn đề được quan tâm đầu tiên khi bỏ phiếu, nhưng mọi người sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên “họ được chính phủ yêu cầu phải bỏ phiếu”. “Các ứng cử viên của đảng Baath đã thêm đề cập đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ để thu hút sự ủng hộ”, bà nói thêm, đề cập đến một loạt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, được gọi là Đạo luật Caesar, mà các Cty, các tổ chức và cá nhân làm kinh doanh với chính phủ Tổng thống Al-Assad là mục tiêu.

Không được quốc tế công nhận?

Sau cuộc bỏ phiếu, Quốc hội mới lên kế hoạch phê chuẩn một hiến pháp mới và ông Al-Assad dự kiến sẽ bổ nhiệm một thủ tướng mới. Quốc hội mới cũng dự kiến sẽ phê chuẩn các ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2021.

Nhưng các chuyên gia cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận phiếu bầu. “Cộng đồng quốc tế và các nhóm đối lập chính trị sẽ không công nhận quốc hội này là một quốc hội hợp pháp”, ông Mehchy nói. “Một hiến pháp mới chỉ có thể được phê chuẩn bởi một quốc hội mới dựa trên một cuộc bầu cử minh bạch, trong đó người tị nạn và người Syria ở ngoài nước có quyền bỏ phiếu”, ông giải thích thêm rằng quốc hội sắp tới sẽ chỉ phê chuẩn các ứng cử viên “được đề cử và chấp thuận bởi các cơ quan an ninh”.

AN BÌNH