Báo Công An Đà Nẵng

Syria - tử huyệt của nhà báo

Thứ ba, 26/08/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Cái chết của nhà báo Mỹ James Foley dưới bàn tay thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi bị bắt cóc ở Syria năm 2012 tiếp tục "giúp" quốc gia Trung Đông này trở thành đất nước nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), đây là "danh hiệu" mà Syria nắm giữ trong hơn 2 năm qua.

Theo CPJ, ít nhất 69 nhà báo bị giết chết trong các cuộc xung đột Syria kể từ khi bùng nổ vào năm 2011, hầu hết đã thiệt mạng trong các vụ nổ trong khi giao chiến. Trong khi đó, ít nhất 6 người được xác nhận bị cố tình sát hại.

Các vụ giết người cho thấy, không chỉ bạo lực lan rộng ở Syria mới gây nguy hiểm cho các nhà báo; nó cũng cho thấy bản chất của cuộc xung đột, với các liên minh và ý thức hệ đang thay đổi. Thật vậy, Syria là một ví dụ điển hình về cách thức chiến tranh, xung đột và báo chí đã thay đổi trong những năm qua ở nhiều nơi trên thế giới.

Một nhà báo Mỹ được trả tự do

Nhà báo Mỹ Theo Curtis hôm 24-8 (giờ Mỹ) được thả sau khi bị bắt cóc tại Syria 2 năm trước. AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, Washington sẽ dùng "mọi công cụ ngoại giao, tình báo và quân sự" có thể để đảm bảo, các con tin người Mỹ khác tại Syria được trả tự do.

Từ trái qua - Các nhà báo Edouard Elias (được thả tự do sau khi bắt cóc); Marie Colvin (bị giết hại); Anthony Loyd (tự trốn thoát); Edith Bouvier (sống sót sau trận không kích); James Foley (bị giết hại) và Remi Ochlik (bị giết hại). Ảnh: BBC

Bản chất của chiến tranh

Các nhà báo và thường dân thường bị lôi kéo vào các cuộc nổi dậy mà không định nghĩa được đó là "vùng chiến sự". Trong khi đó, các phần tử nổi dậy Hồi giáo cực đoan xem các nhà báo có phần nào đó liên quan đến phương Tây và là một phần của kẻ thù.

Con số 69 nhà báo bị giết ở Syria chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" bởi hơn 80 người bị bắt cóc từ năm 2011 và khoảng 20 người khác vẫn còn mất tích. Một số trong số họ có thể đã bị giết, nhưng rất khó để xác định thông tin chính xác. 

Việc mang quốc tịch Mỹ của nhà báo Foley rõ ràng tập trung sự chú ý của quốc tế về vụ việc, nhất là khi IS đã cảnh báo về hành động quân sự của Mỹ tại Iraq. Theo báo New York Times, IS thậm chí đã đòi tiền chuộc hơn 100 triệu USD để đổi lấy con tin Foley nhưng Nhà Trắng bác bỏ.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của CPJ cho thấy, đa số (88%) các nhà báo bị giết ở Syria trong những năm gần đây là công dân của khu vực. Điển hình là trường hợp của Mohamed al-Khal. Ông là nhà báo từng quay những đoạn băng về các vụ đụng độ giữa lực lượng chính phủ và Quân đội Tự do Syria (FSA) tại thành phố Deir al-Zour, phía đông Syria. Theo CPJ, ông bị giết do pháo kích của quân chính phủ vào ngày 25-11-2012.

Rủi ro của các nhà báo tự do

Một nạn nhân khác là Yasser Faisal al-Jumaili, nhà quay phim tự do, người bị sát hại tại thành phố Idlib của Syria vào ngày 4-12-2013. Trong lần liên lạc cuối cùng thông qua Facebook, Al-Jumaili nói với một đồng nghiệp, ông bị IS bắt cóc.

Gần một nửa số nhà báo thiệt mạng tại Syria là các nhà báo tự do - các nhà báo làm việc cho nhiều tổ chức với tư cách là cộng tác viên. Một số người là các tình nguyện viên hoặc các nhà hoạt động báo chí công cộng. Và tất nhiên, các nhà báo tự do thường chịu nhiều thiệt thòi hơn các nhà báo làm việc chính thức cho các tổ chức quốc tế lớn.

Họ không được phát áo giáp tránh đạn, không được đào tạo về cách sơ cứu khi bị thương. Điều quan trọng là các nhà báo chính thức ít chịu áp lực khi đưa tin về các tình huống nguy hiểm và như vậy họ chấp nhận rủi ro ít hơn. Thật vậy, ở Syria, tổ chức truyền thông lớn có được các tin tức quan trọng chủ yếu nhờ vào các nhà báo tự do vì họ không cử các nhà báo chính thức đến những đất nước quá nguy hiểm. Vì vậy, trong năm nay, 30 nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới đều là nhà báo tự do.

Ngoài Syria, Ukraine, Iraq và Gaza, với mỗi nơi có 4 nhà báo thiệt mạng là cũng là những quốc gia cực kỳ nguy hiểm đối với nhà báo.

An Bình

(Theo BBC)