Báo Công An Đà Nẵng

Tác động kinh tế sau loạt tấn công Paris

Thứ hai, 07/12/2015 12:35

(Cadn.com.vn) - Loạt khủng bố Paris cho đến nay vẫn là bi kịch tồi tệ nhất đối với nước Pháp và cả Châu Âu. Đối với nhiều người, vụ việc ảnh hưởng trực tiếp hoặc để lại những vết sẹo về thể chất và tinh thần. Nhưng sẽ có một tác động rộng lớn hơn, đó là chính sách đối ngoại của Châu Âu và vấn đề an ninh nội địa. Loạt tấn công này đang gây ra những thiệt hại về kinh tế đối với Pháp, Bỉ và các nước Châu Âu.

Mất khách du lịch

Tác động trực tiếp nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch. Đây là lĩnh vực rất quan trọng tại Pháp, đặc biệt là Paris - kinh đô hoa lệ của Châu Âu.

Theo Hội đồng Xúc tiến Du lịch Pháp, lĩnh vực du lịch chiếm 2 triệu việc làm và 7% các hoạt động kinh tế. Sau vụ tấn công, nhiều du khách hủy bỏ kế hoạch đến Paris hoặc Brussels. Trong trường hợp của Brussels, 40% đặt phòng khách sạn bị hủy bỏ vào cuối tuần qua. Theo báo cáo của Cục Du lịch Paris, số người đăng ký ở khách sạn sụt giảm mạnh về số lượng, mặc dù xu hướng này bắt đầu thay đổi. Điều đó có thể là do du khách là mục tiêu của các cuộc tấn công lần này.

Các biện pháp an ninh đang được tăng cường tại Bỉ và Pháp sau các vụ tấn công Paris. Ảnh: BBC

Thiệt hại kinh tế lâu dài?

Đây là các tác động ngắn hạn, song liệu có dẫn đến những thiệt hại âu dài? Các sự kiện tương tự trước đó ở New York, London, Madrid, Boston chỉ tác động trong ngắn hạn, về lâu dài, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. "Thông thường, những sự kiện như vậy chỉ ảnh hưởng nhất thời đến nền kinh tế, vì vậy đây không phải là lý do để thay đổi cách nhìn nhận về sự tiến bộ của các nền kinh tế Châu Âu", Peter Praet, thành viên của Ban Điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cho biết.

Pháp bầu cử khu vực

Ngày 6-12, cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu vòng đầu tiên trong cuộc bầu cử khu vực, thách thức chính trị đầu tiên kể từ sau loạt khủng bố Paris khiến 130 người thiệt mạng.

Theo BBC, các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 8 giờ và kết thúc lúc 20 giờ (giờ địa phương). Khoảng 44 triệu người đủ điều kiện đi bỏ phiếu. An ninh được thắt chặt tại các điểm bỏ phiếu ở thủ đô Paris. Cuộc bầu cử được xem là một thử nghiệm về sự ủng hộ của công chúng đối với phản ứng của chính phủ trước và sau cuộc tấn công hôm 13-11.

Theo các cuộc thăm dò, đảng Cộng hòa và đảng FN đều có cơ hội nắm giữ khoảng 30% số phiếu trong khi đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande có thể chỉ giành được khoảng 22% và mất quyền kiểm soát một số khu vực quan trọng. Dự kiến, vòng hai của cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 13-12 tới.

B.Ngân

Chắc chắn, các thị trường tài chính ít bị tác động kéo dài. Thị trường chứng khoán Pháp giảm trong các ngày giao dịch sau loạt tấn công, nhưng nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho thấy một số quan ngại về kinh doanh du lịch. Cổ phiếu AirFranceKLM giảm mạnh và Accor, tập đoàn các khách sạn Pháp cũng vậy.

IAG, Cty cổ phần của British Airways và Iberia của Tây Ban Nha, cũng giảm, nhưng vừa phải hơn. Hãng hàng không Đức Lufthansa cũng sụt giảm. Nhưng hiện tất cả đã lấy lại được những gì đã mất. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận hoàn toàn tác động rộng lớn hơn và lâu dài hơn, đặc biệt là khi Châu Âu đang nỗ lực hồi phục từ cuộc suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, các chính phủ Châu Âu chắc chắn sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Pháp phải huy động thêm nhân viên, tăng chi tiêu an ninh trong những tháng sau cuộc tấn công tại Charlie Hebdo. Nếu chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực an ninh, sẽ dẫn đến 3 vấn đề: đánh thuế cao, vay nhiều hơn và cắt giảm chi tiêu các lĩnh vực khác.

Kiểm soát biên giới

Vụ việc ở Paris cũng đặt câu hỏi về tương lai của hệ thống du lịch không hạn chế qua biên giới của EU, theo Hiệp ước miễn thị thực Schengen.

Trong sự trỗi dậy của các cuộc tấn công, Paris tái áp đặt kiểm tra biên giới. Cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng là nguyên nhân khác dẫn đến việc kiểm soát biên giới EU. Nhưng các cuộc tấn công ở Paris là một yếu tố mới đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của phong trào tự do đi lại ở EU. Việc Schengen "chết yểu" sẽ gây ra những hậu quả kinh tế. Ảnh hưởng nhiều nhất là các công nhân vượt biên giới làm việc ở các nước khác. Rõ ràng, các cuộc tấn công Paris đang gây ra những bất ổn chính trị và kinh tế ở Châu Âu, cũng như tạo những tác động lâu dài hơn so với những gì đang hiển hiện.

An Bình
(Theo BBC)