Tác dụng ngược
(Cadn.com.vn) - Thảm kịch từ cuộc tấn công trường học ở Peshawar không phải là mới, cũng không phải chỉ xảy ra ở Pakistan, nhưng nó đang cho thấy vấn đề đáng lo ngại: trẻ em đang trở thành mục tiêu không nhân nhượng của các nhóm khủng bố.
Cảnh tượng tại hiện trường vụ tấn công hết sức kinh hoàng. Các tay súng hiên ngang băng qua trường, bắn ngay vào các học sinh đang co rúm lại dưới băng ghế và không đưa ra yêu cầu gì. Thậm chí, bọn khủng bố mang theo lương thực dự trữ cho vài ngày, với khả năng sẽ bắt giữ các học sinh làm con tin. Khi cuộc vây hãm cuối cùng kết thúc, Pakistan chỉ còn lại cảm giác quay cuồng trong khi cả thế giới tự hỏi: Ai có thể làm một điều như vậy? Và họ làm như thế để nhằm mục tiêu gì?
Danh tính nhóm đứng sau vụ thảm sát kinh hoàng này không có gì bí ẩn. Taliban Pakistan - nhóm từ lâu tiến hành cuộc nổi dậy chống lại và tìm cách lật đổ chính quyền với mục tiêu ban hành luật Hồi giáo Sharia - nhanh chóng thừa nhận tổ chức cuộc tấn công. Nhóm này còn tuyên bố, đây là hành động trả thù cho việc giết hại hàng trăm con dân bộ lạc vô tội trong cuộc tấn công gần đây của quân đội Pakistan.
Đầu năm nay, chính quyền Islamabad mở cuộc đàm phán hòa bình dự kiến với Taliban - hiện chính thức được gọi là Tehreek-i-Taliban Pakistan, hoặc TTP. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này vẫn bị treo lơ lửng sau 2 vụ tấn công trắng trợn xung quanh sân bay lớn nhất của Pakistan ở Karachi vào tháng 6.
Sau đó, quân đội Pakistan tiến hành cuộc tấn công nhằm vào TTP và các chiến binh khác trong khu vực bộ lạc quản lỷ lỏng lẻo ở tây bắc. Chiến dịch này khiến hàng chục ngàn người di dời. Trong khi đó, Taliban cũng phản đối giáo dục kiểu phương Tây cho trẻ em và các việc làm cho phụ nữ. Trong vụ việc gây chấn động nhất, Taliban bắn nữ sinh Malala Yousafzai vào đầu năm 2012 khi cô bé đang trên một chiếc xe buýt. Cô bé may mắn sống sót để cuối cùng nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình 2014.
Vụ tấn công lần này, nhằm vào trường học giáo dục cho trẻ em trai và trẻ em gái ở các lớp riêng biệt, từ lâu trở thành mục tiêu ưu tiên của những kẻ khủng bố. Đến ngày 17-12, con số thiệt mạng trong vụ tấn công đã lên đến 142 người, biến đây thành vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Pakistan. Taliban có thể đang muốn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ - quốc gia dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố - và nâng tầm vị thế trước IS. Nhưng Taliban liệu sẽ có được mục đích từ vụ thảm sát ở Peshawar?
Câu trả lời là không. Hành động này sẽ phản tác dụng. Bởi cuộc tấn công vào các em học sinh được xem là vượt quá giới hạn, trái với giáo lý cơ bản của Đạo hồi. Đã có nhiều tuyên bố lên án, chỉ trích mạnh mẽ cuộc tấn công này của Taliban. Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này là cả thế giới, đặc biệt là các nước mạnh cần phải xem xét từng hành động cụ thể trong cuộc chiến chống khủng bố, chứ không chỉ là những lời nói đầu môi.
Thanh Văn