Báo Công An Đà Nẵng

Tác phẩm tham gia "Giải búa liềm vàng 2018": Hồi sinh vùng biên cương

Thứ ba, 04/09/2018 15:55

Tuyến biên giới đại ngàn Gia Lai - vùng đất một thời bom đạn giặc Mỹ cày xới, để lại bao "vết thương" dai dẳng suốt 4 thập kỷ qua. Sau ngày thống nhất đất nước, một chủ trương lớn được Bộ Quốc phòng thực hiện: đưa bộ đội lên biên giới cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã "thay áo" cho vùng đất này bằng dải biên cương vững chắc với những cánh rừng cây công nghiệp xanh tươi, trù phú, buôn làng vui tươi trong cuộc sống ấm no... 

Bộ đội Binh đoàn 15 có nhiều chương trình từ thiện xã hội giúp đỡ bà con Gia Lai.

Theo Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15: Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng sau chiến tranh là vùng đất hoang tàn, đổ nát. Bom mìn, chất độc da cam, bệnh tật hoành hành, người dân đói nghèo. Đến nay, tuyến biên giới tỉnh Gia Lai mỗi năm mỗi khác nhờ đẩy mạnh công cuộc xây dựng kinh tế, quốc phòng. Đó là thành công lớn nhất và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Binh đoàn. Trên biên giới tỉnh, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều thập kỷ qua đã lần lượt cho thành lập các đoàn kinh tế quốc phòng và thực hiện chủ trương đưa bộ đội lên biên giới cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Binh đoàn 15 đã được thành lập. Từ đó đến nay, hàng vạn CBCS, cư dân các vùng miền của Tổ quốc được bố trí lên Tây Nguyên cùng với nhân dân đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên xây dựng vùng đất này ngày càng giàu đẹp, ấm no. "Đến nay, Gia Lai và một số tuyến biên giới tỉnh Kon Tum đã hồi sinh bạt ngàn rừng cao su, cà phê. Trong mảng xanh hồi sinh ấy, riêng Binh đoàn 15 có hơn 40.000 ha cao su và hàng trăm héc-ta cà-phê, mang lại công ăn việc làm, dựng xây cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân nơi đây. Giờ đây, vùng đất nào nơi biên giới cũng đầy đủ hệ thống đường - điện - trường - trạm" - Thiếu tướng Đặng Anh Dũng cho biết.

Đến Gia Lai, chúng tôi được chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu tại các huyện biên giới Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai. Sau chiến tranh, đây là vùng đất hoang tàn bởi bom đạn cày xới, đời sống người dân nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng từ khi có sự hiện diện của người lính thuộc các đoàn kinh tế quốc phòng như đoàn 72, 732, 731... tiên phong đến đây dọn dẹp tàn tích chiến tranh, làm kinh tế và bảo vệ biên giới, hàng ngàn héc-ta cao su, cà-phê bạt ngàn đã phủ xanh đại ngàn. Ông Kpuih Mực, dân tộc Gia Rai, công nhân cao su - đảng viên đầu tiên của làng Chan, xã Ia Pnôn, H. Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, kể: Với tập quán canh tác du canh, du cư, lúc đầu, rất ít người tham gia cùng với bộ đội làm kinh tế. Nhưng được bộ đội, người có uy tín trong làng xã vận động, dân làng dần thay đổi nhận thức. Giờ đây, gia đình nào trong làng cũng có người làm công nhân cao su trong Công ty 72, Binh đoàn 15. Đời sống của hơn 200 hộ dân làng Chan đã đổi thay. Một làng biên ải nghèo nàn nay đã trở nên ấm no, con cháu được đến trường học cái chữ, phấn đấu lớn lên xây dựng quê hương, đất nước. "Tôi là người đảng viên tiên phong và luôn luôn gắn bó với công nhân, gắn bó với bà con để phát triển kinh tế, xây dựng làng xã, đơn vị phát triển. Vào công nhân, nói chung bà con đã được xóa đói, giảm nghèo, đời sống đang khá lên rõ nét"-ông Mực tự hào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên cơ sở những đoàn kinh tế quốc phòng được thành lập sau giải phóng, năm 1985, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng đã thành lập Binh đoàn 15, một đơn vị kinh tế, quốc phòng chủ lực trên biên giới Bắc Tây Nguyên. Từ khi thành lập, binh đoàn đã góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế quốc phòng một cách vững chắc trong khu vực. Ông Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nhìn nhận: Binh đoàn 15 đã phát huy rất tốt vai trò trên biên giới của tỉnh, góp phần giải quyết tốt công ăn việc làm, tạo thu nhập, giúp bà con các dân tộc trên biên giới phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đồng thời, tạo ra thế trận quốc phòng vững chắc. Những năm gần đây, Binh đoàn đã giải quyết cho hơn 7.000 người dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới Gia Lai vào làm công nhân của binh đoàn. "Giờ đây, binh đoàn ở chỗ nào thì hệ thống cơ sở hạ tầng ở đó phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Cấp ủy của các huyện biên giới và Binh đoàn 15 phối hợp với nhau, cùng nhau xây dựng hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên"- ông Trang nói.

Bộ đội Binh đoàn 15 giúp dân xây nhà. 

Mới đây, khi đi thăm lại Tây Nguyên, Trung tướng Nguyễn Thành Út, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 5 vui mừng khi chứng kiến sự phát triển của vùng đất đại ngàn. Ông cho rằng, thực tiễn đưa bộ đội lên biên giới làm kinh tế ở Tây Nguyên trong nhiều năm qua đã khẳng định có hiệu quả thiết thực. Những đội sản xuất, những làng công nhân với chủ thể là bà con các dân tộc trên biên giới chính là những người bảo vệ biên giới, Tổ quốc vững chắc hơn bất cứ đội quân tinh nhuệ nào. Thế trận an ninh nơi đó có làng, có xã, có dân cư, trường học. Và thế hệ này, hay bao thế hệ con cháu sau này, họ sẽ tay trong tay giữ làng, giữ nước - thành quả mà tổ tiên trước đây của họ đã và đang gầy dựng. Ông Út cũng khẳng định, thế kinh tế quốc phòng trên biên giới cũng là một thế trận, một hệ thống chính trị vững chắc không có triệu quân nào mà lên giữ được biên giới bằng lòng dân nơi đây. Giá trị đó lớn lắm"-ông Út nói.

Đúng là dải biên giới trên đại ngàn Gia Lai đã được tạo dựng phên giậu, vành đai vững chắc với sự hiện diện của tình quân dân. Và khi kinh tế phát triển, nhận thức của người dân càng được nâng cao, từ đó giúp mỗi CBCS binh đoàn 15, mỗi công nhân, người đồng bào tại khu vực biên giới này đều thấm nhuần tư tưởng của nền quốc phòng toàn dân. Chính họ đã trở thành những người bảo vệ biên cương Tổ quốc một cách tự nhiên, có tổ chức, có lập trường vững vàng và không một thế lực thù địch nào lôi kéo nổi.

Công Hạnh