Báo Công An Đà Nẵng

Tái cấu trúc doanh nghiệp

Thứ bảy, 22/12/2007 00:00

(Cadn.com.vn) - Chương trình đào tạo nổi tiếng Fullright của Mỹ đưa vấn đề tái cấu trúc (TCT) vào học trình giảng dạy chính thức tại Việt Nam. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp (DN) nào ở nước ta, nếu không nói là rất ít, quan tâm đến vấn đề cực kỳ sát sườn này. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi với ông Lê Quang Phúc - Chủ tịch HĐQT Cty VISNAM, tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo và tư vấn kinh doanh lớn nhất miền Trung về chủ đề này. 

Ông Lê Quang Phúc: Thuật ngữ TCT nghe có vẻ còn khá lạ lẫm ở nước ta, nhưng ở các nền kinh tế phát triển thì lại rất quen thuộc. Nói nôm na, TCT là phương pháp giúp DN phòng và chữa “bệnh” bằng việc tái lập các cân bằng trong nội bộ DN đó. Phần lớn DN Việt Nam hiện nay vẫn chỉ chú trọng đến “chữa bệnh” chứ chưa quan tâm thỏa đáng đến “phòng bệnh”. Điều này được thể hiện qua việc họ chỉ bàn đến vấn đề đổi mới, sắp xếp lại bộ máy và hoạt động của Cty một khi đã “lâm bệnh nặng”. Chẳng hạn, rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí gần như phá sản. Rất ít Cty nghĩ đến việc TCT nhằm phục vụ chiến lược mở rộng kinh doanh. Tôi không ngại nói rằng, chính VISNAM đã trả giá cay đắng để hiểu về bài học này.

Một mô hình tả cấu trúc vốn của DN.

• P.V: Những nội dung cụ thể của TCT?

Ông Lê Quang Phúc: TCT rất đa dạng, nhưng có thể tựu trung lại một số nội dung chính là: điều chỉnh cơ cấu hoạt động, tổ chức bộ máy, thể chế và nguồn lực. Tại mỗi nội dung sẽ bao gồm rất nhiều vấn đề được đặt ra và giải quyết dựa trên cơ sở lý thuyết và tình trạng hiện tại.

P.V: Người chủ DN có thể tự tiến hành TCT được không?

Ông Lê Quang Phúc: Được thôi, với điều kiện anh ta phải “có nghề”! Nếu không, họ chỉ tạo ra sự thay đổi ở một khía cạnh, lĩnh vực nào đó của Cty, chứ không phải là TCT.

P.V: Theo ông, vì sao các DN Việt Nam ít quan tâm đến vấn đề TCT?

Ông Lê Quang Phúc: Có người sẽ hỏi rằng: “DN của tôi đang hoạt động tốt, tại sao phải TCT?”. Lại cũng có người khác hỏi: “Ông ở đâu tới mà đòi xen vào công việc của chúng tôi?”. Cách đây không lâu, tôi cũng sẽ hỏi những câu đại loại như thế, nếu có ai đó đưa ra lời khuyên với VISNAM về TCT. Thế nhưng, khi VISNAM xảy ra sự cố, tổn hại lớn về thương hiệu thì chúng tôi buộc phải đặt ra những mệnh đề khác. Nếu bạn biết, hiện rất nhiều Cty tên tuổi ở Việt Nam, như Thái Tuấn chẳng hạn, cũng đang phải TCT thì bạn sẽ thấy nó thực sự cần thiết hay không. Tôi nghĩ, chúng ta ít nghĩ về TCT, đơn giản, vì chúng ta chưa dành tâm trạng để đoán định những “căn bệnh” của chính mình.

•  P.V: Giá trị cốt lõi được xem là “xương sống” của mỗi Cty. Bởi vậy, mỗi Cty đều xây dựng những giá trị cốt lõi. Chẳng hạn, FPT có 8, VISNAM có 3 giá trị cốt lõi. Nhưng theo đề xuất của ông, cứ mỗi giai đoạn nhất định thì họ phải định hình lại DN của mình. Nếu vậy, điều gì bảo đảm rằng, giá trị cốt lõi sẽ vẫn tồn tại trong quá trình TCT?

Ông Lê Quang Phúc: Mỗi Cty đều có một giai đoạn phát triển nhất định. Khi chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, bằng những cách thức khác nhau, chúng ta buộc phải TCT để nó phù hợp hơn. Bởi vậy, những giá trị cốt lõi có thể đúng trong giai đoạn này nhưng không nhất thiết phải duy trì mãi mãi. Hơn nữa, TCT chưa hẳn là thay đổi các giá trị cốt lõi, mà chỉ bổ sung, điều chỉnh thôi.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Lê