Báo Công An Đà Nẵng

Tái đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai vẫn chưa được phép hoạt động

Thứ tư, 05/04/2023 08:40
Nhà máy sô đa đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng đến nay mới xây dựng bờ chứa nước thải.

Vực dậy nhà máy

Bà Vũ Thị Hồng Bích - Tổng Giám đốc Công ty Tân Tiến cho biết, tới thời điểm này, Công ty Tân Tiến đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (Nhà máy sô đa). Qua đó, tiến hành thay mới gần như 60-70% thiết bị, vật liệu. Đây là nhà máy sô đa duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. "Trước kia, hệ thống dây chuyền sản xuất của nhà máy chủ yếu sắt và gan, hiện nay đã thay thế bằng inox; trước đây, nhà máy không có hệ thống xử lý môi trường. Nước thải từ nhà máy thải ra một hồ lắng sau đó xả trực tiếp ra sông. Hiện nay, hệ thống nước thải chúng tôi chia làm 2 hồ, một hồ dự phòng và hồ chứa lắng. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn mới xả ra môi trường. Đơn vị cũng đang cải tạo lại toàn bộ hồ chứa, trải bằng bạt polime, tường xây xung quanh hồ đổ bằng bê-tông thay thế bờ đất nhằm chống tràn, rò rỉ nước thải ra ngoài; trước đây, chủ đầu tư cũ sử dụng cao su đốt để tiết kiệm nguyên liệu nên mới gây ô nhiễm. Hiện nay, nhà máy sử dụng than thay thế nên sẽ không còn gây ô nhiễm"- bà Bích nói.

Cũng theo bà Bích, trong phản ứng dây chuyền của nhà máy, đầu vào là muối ăn và đá vôi, sau đó lấy khí CO2 và tổng hợp với men để đạt được sô đa. Sản phẩm sô đa phục vụ cho ngành thực phẩm như trong mì chính, một phần của xà phòng, một phần của kem đánh răng. Chất thải ra là Canxi Clorua, ở trong muối biển có. "Phải khẳng định rằng, các chất này là chất khử khuẩn, không gây ô nhiễm môi trường. Ngày xưa Bộ TN-MT có nghiên cứu và cho lắng xong xả trực tiếp ra môi trường là cũng có căn cứ chứ không phải không. Nguyên nhân ngày xưa người ta không phải đốt than mà đốt cao su mới gây ô nhiễm môi trường, thực tế nhà máy này không gây ô nhiễm"- bà Bích thông tin thêm.

Còn ông Nguyễn Công Thanh Hiển - Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng (Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam) xác nhận, Công ty Tân Tiến qua 2 đợt đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư thay thế, sửa chữa các thiết bị, máy móc không đồng bộ trước đây. "Doanh nghiệp đã đầu tư khu xử lý nước thải, bãi chứa chất thải rắn, hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải... Công ty Tân Tiến đã thay mới 60 - 70% máy móc, vật liệu, công nghệ trước đây. Công suất thiết kế của nhà máy sản xuất sô đa là 200 nghìn tấn/năm, đến nay đã vận hành đạt 70%.

Nước thải tràn ra ngoài khiến người dân lo lắng.
Bể chứa thải trực tiếp của Nhà máy sô đa Chu Lai.
Sản phẩm của Nhà máy sô đa Chu Lai.

Tạm dừng hoạt động nhằm khắc phục môi trường

Trong khi đó, theo Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, qua nắm tình hình, tiếp nhận thông tin về quá trình vận hành thử nghiệm, Nhà máy sô đa Chu Lai phát sinh mùi hôi, có hiện tượng cây chết xung quanh nên đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam) tiến hành kiểm tra vào ngày 9-2. Tại nhà máy có mùi hôi của hóa chất. Một số cây dương liễu gần bể xử nước thải đã chết. Một ít lượng nước thải tại bể đầu tiên thấm qua thân đê, thoát ra môi trường. Hệ thống thu gom nước mưa chưa được xây hoàn chỉnh. Nhà máy cũng chưa có biện pháp giảm thiểu bụi tại bãi xỉ than. Đoàn công tác đã lấy 1 mẫu nước thải tại bể cuối cùng để phân tích. Kết quả có 4 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật, gồm: nhu cầu ô xy hóa học (COD) vượt 6,9 lần; Niken (Ni) vượt 1,9 lần; Mangan (Mn) vượt 1,06 lần; tổng Phốt pho (P) vượt 5,08 lần.

Để phòng ngừa sự cố ô nhiễm môi trường, ngày 14-3, Công an tỉnh Quảng Nam đã đề xuất UBND tỉnh yêu cầu Nhà máy sô đa Chu Lai dừng vận hành thử nghiệm. Nhà máy chỉ được hoạt động trở lại khi khắc phục xong các tồn tại về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn. Trước đề xuất trên của Công an tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã giao Sở TN-MT tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc khắc phục các bất cập về bảo vệ môi trường của nhà máy, tham mưu UBND tỉnh xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, đến ngày 27-3, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Nhà máy sô đa Chu Lai yêu cầu tạm dừng vận hành thử nghiệm. Đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục xử lý triệt để môi trường, không để nước thải rò rỉ ra ngoài hàng rào nhà máy; bịt kín đường cống thoát nước cũ bên ngoài tường rào nhà máy. Về hệ thống xử lý khí thải, đề nghị thiết kế điểm lấy mẫu tại các ống khói để đơn vị quan trắc lấy mẫu theo đúng quy định. Ngoài ra, Nhà máy sô đa Chu Lai phải lập phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với các hồ chứa nước thải, đặc biệt trong thời gian mưa lớn kéo dài…

BÃO BÌNH

Nhà máy sô đa Chu Lai được xây dựng năm 2010, trên diện tích hơn 20ha, vốn đầu tư của dự án trên 100 triệu USD, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Trong tổng nguồn vốn đầu tư cho nhà máy khoảng 2.300 tỷ đồng thì có 5 đơn vị ngân hàng cho vay 2.000 tỷ đồng. Đến nay, Công ty Tân Tiến tiếp quản và tái đầu tư thêm hơn 1.000 tỷ đồng. Qua 3 lần xin vận hành thử nghiệm, nhà máy đã hết thời gian vận hành thử nghiệm từ ngày 3-2-2023. Đến ngày 10-2, chủ đầu tư Nhà máy sô đa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện cho Nhà máy đi vào hoạt động chính thức, sản xuất ổn định với công suất 200.000 tấn/năm, vận hành trong thời gian 21 năm.