Tái diễn cảnh đào thoát khỏi “địa ngục vàng”
(Cadn.com.vn) - Cảnh đào thoát khỏi bãi vàng của những phu vàng tuổi vị thành niên lại tái diễn tại H. Phước Sơn (Quảng Nam). Không chịu nổi cảnh bóc lột sức lao động, 4 phu vàng “nhí” từ bãi Muối (thôn 4, xã Phước Thành, H. Phước Sơn) băng rừng vượt suối lội bộ 4 ngày đường mới ra đến TT Khâm Đức (H. Phước Sơn). Tại đây, các em được người dân cưu mang, che chở. Tuy nhiên để tránh sự truy bắt của chủ bãi, ban ngày các em không dám ra đường...
4 ngày băng rừng
Tiếp xúc với chúng tôi, các em không dám gặp ban ngày mà phải hẹn ban đêm. Lựa chọn một quán cà-phê vắng nhất, Q., người đang cưu mang 2 trong số 4 em phu vàng đưa đến gặp chúng tôi. Nét mặt chưa hết hoảng sợ sau 4 ngày băng rừng, vượt suối, em Cụt Văn May (15 tuổi, trú bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) kể: “Em được một người đàn ông dân tộc Thái (không rõ tên tuổi) đưa vào đây làm từ ngày 13-3-2014. Đi cùng em có 11 người ở cùng bản, 4 người ở bản khác, trong đó có 6 người bằng tuổi em, còn 3 đứa mới 13 tuổi. Khi vào đến trụ sở của Cty TNHH Phước Minh (TT Khâm Đức), chúng em tiếp tục được đưa vào bãi bằng ô-tô. Tuy nhiên họ không đưa vào một bãi mà chia chúng em ra làm ở nhiều bãi khác nhau. Em bị đưa vào bãi Muối. Vô đến bãi em mới biết mình phải chui xuống hầm sâu để làm chứ không phải làm vàng sa khoáng như người đàn ông dân tộc Thái nói”.
Cũng như em May, em Seo Văn Viềng (15 tuổi, trú bản Thao Đi, xã Bảo Nam, H. Kỳ Sơn) được đưa vào bãi vàng từ ngày 8-3-2014. “Mỗi ngày chúng em chia nhau làm 2 ca. Ca ngày làm từ 5 giờ 30 đến 17 giờ 15. Trưa chỉ được nghỉ ăn cơm một tí rồi phải làm lại. Mà cơm cũng không có ăn no, thức ăn chỉ cá khô và thịt mỡ, nhưng ít lắm. Chúng em phải lên nhà bếp xin thêm muối để ăn với cơm. Còn ban đêm làm từ 17 giờ 30 đến 5 giờ sáng hôm sau. Ai không chịu làm sẽ bị cai dùng dây điện đánh. Họ dặn khi nào có đoàn truy quét chúng em phải chạy vào rừng trốn.
Khi đưa vào họ nói trả lương 2,5 triệu đồng/1 tháng. Nhưng phải đến cuối năm mới được nhận 1 lần. Áo quần không được phát, dầu gội cũng không có. Thằng May bị ốm sốt, nhưng họ cũng bắt làm. Thấy thương nó và không chịu nổi cảnh trên nên chúng em rủ nhau trốn. 2 giờ ngày 18-5, 4 đứa tụi em bỏ trại chạy theo hướng ra thị trấn. Sợ đi đường chính bị quân của Cty Phước Minh bắt được nên chúng em phải đi đường rừng. Ngày đi đêm lại ngủ ở bìa rừng. Đói thì vô rẫy sắn người dân đào củ ăn, hoặc ăn lá rừng. Đến chiều ngày 22 chúng em mới ra đến thị trấn Khâm Đức”, giọng em Viềng chưa dứt nỗi sợ hãi.
Cũng theo May và Viềng, hiện tại trong bãi Muối có đến 600 lao động, cả nam lẫn nữ. Trong đó lao động độ tuổi như các em rất nhiều. Và việc đánh đập, đào thoát khỏi bãi vàng tại đây diễn ra thường xuyên. “Hôm trước có 2 đứa bị đánh đến ho ra máu. Chúng nó xin cho về nhưng họ không cho. Đêm đến chúng bỏ trốn”, May cho biết thêm.
Cụt Văn May và Seo Văn Viềng kể lại cuộc đào thoát khỏi bãi vàng với phóng viên. |
“Địa ngục vàng”
Cùng đào thoát lần này có em Cụt Văn Tuột và Cụt Buôn Hương (cùng 15 tuổi, trú cùng H. Kỳ Sơn). 4 em đều là dân tộc Khơ Mú. Khi phát hiện thấy các em từ trong rừng ra, anh Q. hỏi chuyện biết được nên thương tình mua bánh mì cho các em ăn. “Lúc mới gặp, các em đói quá nên lả người, bơ phờ. Thấy vậy tôi đi mua chục ổ bánh mì, các em ăn hết. Hỏi ra mới biết các em không có tiền. Giờ muốn về quê cũng không được nên tôi dẫn về nhà ở. Áo quần rách hết nên tôi mua cho các em mỗi đứa 2 bộ. Cũng từng làm vàng nên tôi hiểu được cảnh cơ cực của các em. Thấy tôi cưu mang nên các em nói tôi tìm việc cho làm để có tiền về xe. 2 em Tuột và Hương đã có việc làm mấy hôm nay ở trên rẫy một người dân. Còn em May và Viềng ở nhà phụ giúp tôi việc gia đình. Mấy em không dám ra ngoài vì sợ bị bắt lại”, anh Q. thổ lộ.
Sau khi biết được 4 phu vàng trên đang trú ẩn tại TT Khâm Đức, tối ngày 5-6, Cty Phước Minh sai nhân viên đi "thu gom" 4 phu vàng "nhí" trên về trụ sở Cty Phước Minh (tại TT Khâm Đức). Tại đây những người đã cưu mang các em không được phía Cty cho vào. Đến 20 giờ 30 cùng ngày, hơn 10 thanh niên được Cty Phước Minh "điều" đến tay lăm lăm hung khí uy hiếp những người dân đứng bên ngoài. Ngay lúc này một chiếc ô-tô màu đen BKS 43LD-03077 từ Cty chở 4 phu vàng nhí chạy ra đường rồi lao vút vào đêm tối trước sự bức xúc của hàng chục người dân địa phương. |
Gần nhà anh Q. có anh Quang Văn S. (quê Nghệ An), cũng từng làm ở bãi vàng của Cty Phước Minh nên hiểu được nỗi cực khổ nơi đây. Anh S. cho biết: “Tôi làm bảo vệ ở bãi vàng Phước Minh được 2 năm thì xin nghỉ. Thấy cảnh áp bức, bóc lột nơi đây nên tôi không thể tiếp tục công việc được. Họ bảo tôi cứ đánh mấy đứa nhỏ khi chúng không nghe lời, nhưng thấy chúng tội quá nên tôi không nỡ ra tay. Thế là họ đòi đánh luôn cả tôi. Ban đầu họ nói trả lương 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng đến cuối năm họ mới trả. Mà lúc trả thì họ chỉ đưa 5-6 triệu đồng cho một năm. Lao động lớn tuổi thì 8 tháng được phát một chiếc áo, còn mấy đứa nhỏ không được”.
Theo anh B. ở TT Khâm Đức, cách đấy vài hôm cũng có hàng chục phu vàng chạy trốn ra đến thị trấn. Tuy nhiên người của Cty Phước Minh chốt chặn ở các ngã tư truy tìm và bắt được một số người đưa vào lại bãi. Ở đây chuyện phu vàng đào thoát khỏi địa ngục trần gian là chuyện hằng ngày. “Khi vào lại bãi, cai bãi sẽ cầm bàn tay phu vàng hỏi ngày mày trốn là ngày nào, nếu ngày lẻ thì họ bẻ ngón tay út, còn ngày trốn rơi vào ngày chẵn họ sẽ bẻ ngón tay trỏ”, anh S. bật mí về đòn tra tấn của cai bãi nơi đây…
Được biết, bãi Muối của Cty TNHH Phước Minh được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác theo Quyết định số 1792/QĐ-UBND ngày 26-5-2009, đến tháng 5-2013 bãi này đã hết phép khai thác. Như vậy có thể thấy, dù tình trạng đào thoát khỏi bãi vàng do chế độ lao động hà khắc ở các bãi vàng của Cty Phước Minh đã được cơ quan truyền thông liên tục phản ánh (gần đây nhất là vụ gần 100 phu vàng đào thoát đầu tháng 4 vừa qua), thế nhưng sau vài ngày thì “việc đâu lại vào đấy”(?).
Bão Bình