Báo Công An Đà Nẵng

Tài liệu mới công bố về Chiến tranh Lạnh: Mỹ tính tấn công hạt nhân 1.200 thành phố

Thứ sáu, 25/12/2015 10:44

(Cadn.com.vn) - Tài liệu được đánh dấu “tuyệt mật” lần này cho thấy, Mỹ đã lên kế hoạch đánh bom hạt nhân 1.200 thành phố tại các quốc gia đối thủ một khi chiến tranh bùng nổ.

CNN ngày 24-12 dẫn những tài liệu mật mới nhất về thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho thấy, Mỹ đã vạch sẵn một “kế hoạch kinh hoàng” cho một cuộc chiến hạt nhân với các quốc gia đối đầu, trong đó chủ yếu nhắm vào Liên Xô.

Tổng thống Mỹ Truman (ngồi giữa) ký thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
vào năm 1949 – động thái khiến mối quan hệ Mỹ – Liên Xô gia tăng căng thẳng. Ảnh: CNN

“Hủy diệt có hệ thống”

Kế hoạch này, được Sở Chỉ huy Chiến lược Không quân Mỹ (SAC) soạn thảo vào năm 1956 và được khuyến cáo sử dụng nếu nổ ra chiến tranh vào năm 1959, được chia thành  2 phần.

Chương trình thứ nhất, SAC nhắm mục tiêu hơn 1.100 sân bay bằng bom hạt nhân 1,7 - 9 megaton. Trong số này, hai vị trí ưu tiên hàng đầu hiện nay chính là lãnh thổ Belarus. Những sân bay và những địa điểm khác, rải rác trên các quốc gia khối Đông Âu, cũng chính là mục tiêu ưu tiên vào thời điểm đó. Đây là cách duy nhất để “trói tay” Liên Xô trong nỗ lực thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chống trả lại Mỹ. Mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch của Mỹ là loại bỏ sức mạnh không quân Liên Xô. Theo thời gian, chúng trở thành mục tiêu ít quan trọng hơn, khi hai bên phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm hạt nhân có khả năng tấn công nhanh hơn từ các địa điểm khác nhau.

Trong khi danh sách đầu tiên ghi nhận chặt chẽ các mục tiêu quân sự, chương trình thứ hai cho thấy hậu quả tàn khốc nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường xảy ra. Bởi theo kế hoạch, Lầu Năm Góc dự tính tấn công 1.200 thành phố, được liệt kê theo mức độ ưu tiên. Trung tâm chỉ huy không quân và các cụm công nghiệp - trong đó có Moscow và Leningrad (nay là Saint Petersburg) là mục tiêu ưu tiên. Điều đáng sợ là trong danh sách này còn có các mục tiêu “dân cư đông đúc” ở các trung tâm đô thị lớn như Đông Berlin (lúc bấy giờ), Moscow, Leningrad và Warsaw... Trong đó, có 179 điểm ở Moscow, 145 điểm tại Leningrad, 91 điểm ở Đông Berlin...

Cũng theo kế hoạch, những quả bom nguyên tử, có sức mạnh gấp 8 lần so với quả bom “Little Boy” vốn tàn phá Hiroshima của Nhật – đã sẵn sàng tiêu diệt các mục tiêu “nhằm giết càng nhiều người càng tốt”.

Kế hoạch quá kinh hoàng

Một nhà phân tích cấp cao của Mỹ cho rằng, thật may mắn khi một cuộc chiến tranh hạt nhân như thế này đã không nổ ra. Bởi theo ông, các mục tiêu “dân cư đông đúc” thật sự quá kinh hoàng.

Trên thực tế, dù bắt tay nhau trong Thế chiến II đánh bại chủ nghĩa phát xít Hitler vào năm 1945, Mỹ và Liên Xô sau đó (năm 1947) chứng kiến cuộc đối đầu nguy hiểm  do sự khác biệt về kinh tế và chính trị sâu sắc. Trong suốt gần 50 năm Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô bị mắc kẹt trong Học thuyết hủy diệt lẫn nhau (MAD). Tức là nếu một quốc gia bóp cò, bên kia sẽ đáp trả tương tự. Và theo giới chuyên gia quân sự, ở thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng, cả hai bên đều đã nghĩ đến cuộc chiến tranh hạt nhân. Trên thực tế, cả hai đều xây dựng kho dự trữ vũ khí hạt nhân khổng lồ nhằm răn đe lẫn nhau, trong niềm tin rằng, một cuộc tấn công như vậy sẽ dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn những mục tiêu kẻ thù.

Cuối cùng, Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991.

Khả Anh