Báo Công An Đà Nẵng

Tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng tại TT-Huế

Thứ ba, 21/02/2017 08:28

* 3 người chết và 4 toa tàu bị lật, nghiêng khỏi đường ray, lưu thông đường sắt Bắc – Nam gián đoạn

(Cadn.com.vn) - Khoảng 15 giờ ngày 20-2, tại Km 738+200, gần ga Thừa Lưu qua địa phận xã Lộc Thủy (H. Phú Lộc, TT-Huế), tàu SE2 chạy hướng TP Hồ Chí Minh do Phạm Bá Công cầm lái khi đến đoạn đường trên thì va chạm với xe tải ben chở đá BKS 75C-02691 của Doanh nghiệp Đồng Tâm (đóng tại TX Hương Thủy, TT-Huế) vừa lấy đá từ mỏ Khe Diều chở ra QL1A. Cú va chạm mạnh đã khiến 2 toa đầu của tàu sắt lật ra khỏi đường ray và 2 toa tàu bị nghiêng. Sau cú va chạm mạnh, xe tải ben cũng lao xuống ruộng cạnh đường ray. Hậu quả, lái xe và phụ xe tải ben là Lê Bá Dũng (1979) và Lê Văn Thuấn (đều trú TX Hương Thủy, TT-Huế) chết tại chỗ. Ngoài ra, Phó tàu SE2 là anh Phạm Công Phượng (1984, trú tỉnh Yên Bái) cũng chết và mắc kẹt trong toa tàu nhân viên. Hàng ngàn hành khách, trong đó có nhiều du khách nước ngoài xuống tàu sau vụ tai nạn trong trạng thái lo sợ, hoảng loạn.

Ngay sau khi nhận được tin báo của vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, hàng trăm CBCS CA tỉnh TT-Huế và lực lượng PCCC TT-Huế đã có mặt tại hiện trường để cứu hộ, cứu nạn. Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Cao đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Đến khoảng hơn 17 giờ cùng ngày, 2 người chết trên xe tải ben mới được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi xe. Phó tàu Phạm Công Phượng do bị mắc kẹt trong toa tàu nên đến tối cùng ngày, thi thể mới được đưa ra khỏi hiện trường. Đại tá Lê Văn Vũ- Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế có mặt tại hiện trường cho biết, ngay khi nhận được tin báo, CA tỉnh đã huy động lực lượng CSCĐ, CSGT CA tỉnh, CATX Hương Thủy, CAH Phú Lộc và cơ quan CSĐT CA tỉnh kịp thời có mặt tại hiện trường để cấp cứu người bị nạn và khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn. 

Đại tá Lê Văn Vũ thông tin tại hiện trường, ngoài 3 người chết thì qua rà soát, có 1 nhân viên của tàu bị thương khi đang ở trên toa nhân viên và hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện H.  Phú Lộc. “Khi đó, tôi cùng em gái đang ngủ thì nghe một tiếng rầm rất lớn. Tôi thức giấc thì không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy một toa tàu bị văng ra ngoài đường ray. Rồi, tôi nghe tiếng hành khách trên tàu gào thét, kêu cứu, một số người ôm nhau khóc hét...”- một hành khách ở Nam Định đi trên toa tàu số 5 kể với vẻ mặt đầy hoảng sợ. Một hành khách khác ở Nghệ An trở về quê sau khi vào TP Hồ Chí Minh thăm con, đi trên toa tàu bị nghiêng nói với vẻ mặt thất thần: "Tôi đang ngủ thì nghe tiếng động rất lớn, vừa mở mắt ra thì thấy toa tàu mình chao đảo, một số hành khách ngã lăn trên tàu. Lúc đó, tôi mới biết là tàu đã gặp nạn. Rất may, hầu hết các hành khách đều thoát nạn”.

Theo ghi nhận tại hiện trường, từ 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng bắt đầu tiến hành sơ tán hành khách trên tàu để đưa lên TP Huế. Sau đó, lực lượng chức năng phối hợp với Công ty đường sắt sẽ bố trí phương tiện cho quãng đường còn lại bằng xe ô-tô hoặc tàu hỏa tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi hành khách. Theo Đại tá Lê Văn Vũ, sau khi sơ tán toàn bộ hành khách và khám nghiệm hiện trường thì tàu SE2 sẽ được kéo về ga Thừa Lưu- gần địa điểm xảy ra tai nạn. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đang huy động một số phương tiện cứu hộ từ TP Đà Nẵng ra để sớm di dời các toa tàu bị trật khỏi đường ray và cả 2 toa tàu bị nghiêng. Như vậy, dự kiến, từ thời điểm xảy ra tai nạn là 15 giờ cho đến tối cùng ngày; tuyến tàu sắt đi hướng Bắc-Nam và ngược lại khi qua địa phận TT-Huế bị ách tắc. Trên tuyến QL1A qua địa bàn H.Phú Lộc- gần địa điểm xảy ra tai nạn; hàng chục CBCS CSGT và CSCĐ CA tỉnh TT-Huế có mặt để bảo vệ hiện trường vụ tai nạn, phân luồng giao thông tránh tình trạng kẹt xe xảy ra.

Tối cùng ngày, CSĐT CA tỉnh TT-Huế đang tiếp tục khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này. Theo một nguồn tin của Báo Công an TP Đà Nẵng, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ tai nạn là do lái xe tải ben khi qua đường ray thiếu quan sát. Trong khi đó, tại địa điểm xảy ra tai nạn đường rất hẹp, đoạn đường chuẩn bị qua đường ray mặt bằng lại gồ ghề, có khả năng lái xe chở đá nặng nên khi băng qua đường ray càng gặp khó khăn.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Hải Lan

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc chi nhánh đường sắt TT-Huế cho rằng: Do vị trí xảy ra tai nạn khá gồ ghề, ngoài mấy toa tàu bị lật, nghiêng thì có cả toa đầu máy bị lật nên hiện ngành đường sắt đang huy động phương tiện đường sắt từ Đà Nẵng ra để kịp khắc phục nhưng do chưa đáp ứng đủ nên phải chờ phương tiện từ Đồng Hới đưa vào. Theo ông Sơn, toàn bộ lực lượng đường sắt của miền Trung đều có mặt tại hiện trường vụ tai nạn nhưng ông vẫn chưa biết khi nào mới chính thức thông tuyến.

Theo chi nhánh vận tải ga Huế cho biết, trong chiều tối 20-2, có 130 hành khách mua vé đi miền Nam (trong đó chủ yếu là đi Đà Nẵng) thì phía ga Huế sẽ cho đổi hoặc trả vé tùy từng khách. Ngoài ra, khoảng 900 hành khách lên tàu từ các tỉnh, thành phố lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc-Nam khi đến ga Huế, sẽ có ô-tô trung chuyển toàn bộ số hành khách này về ga Lăng Cô (TT Lăng Cô, H.Phú Lộc, TT-Huế)- cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 7 km để tiếp tục lên tàu và đi vào Nam.

H. Lan