Báo Công An Đà Nẵng

Tai nạn giao thông, nỗi đau dai dẳng

Thứ ba, 06/11/2012 00:00

* Kỳ 1: Góc khuất văn hóa giao thông đường bộ

(Cadn.com.vn) - Năm 1993, Liên Hiệp Quốc đã khởi xướng và chọn ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hằng năm là “Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tử vong do TNGT”, nhằm nhắc nhở mọi người luôn ý thức về hiểm họa này. TNGT không chỉ  gây thiệt hại về vật chất mà còn gây tổn thất tinh thần nặng nề cho các gia đình nạn nhân và xã hội. Báo Công an TP Đà Nẵng khởi đăng chuyên đề ATGT này để một lần nữa nhắc nhở mọi người hãy ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Đầu năm 2012, tại một hội thảo lớn bàn về văn hóa giao thông (VHGT), đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “VHGT được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng VHGT nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật...”. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thừa nhận trên thực tế, bên cạnh mặt tích cực vẫn tồn tại nhiều hành vi tiêu cực của người tham gia giao thông.

Một vụ TNGT nghiêm trọng tại Quảng Nam. Ảnh: Trần Tân 

30 phút có mặt tại ngã tư Hải Phòng-Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng), chúng tôi đã chứng kiến hàng chục trường hợp người đi đường vi phạm Luật GTĐB và khi bị lực lượng TTKS giao thông phát hiện, lập biên bản thì họ đưa ra đủ lý do để biện minh để xin bỏ qua. Tất nhiên, tất cả các lý do đều không được chấp nhận. Anh Tuấn- một người chạy xe ôm tại khu vực này nói: “Người vượt đèn đỏ đứng ở đây có mà đếm cả ngày. Cũng lạ, hễ thấy đèn vàng thì ai cũng cố rú ga vượt cho mau nhưng khi vừa qua khỏi ngã tư họ lại đi chậm lại. Khi bị xử phạt là đưa lý do này nọ, tôi từng chứng kiến nhiều người vượt đèn đỏ gây tai nạn phải vào trong kia nằm rồi”- anh Tuấn vừa nói vừa chỉ tay qua phía Bệnh viện Đà Nẵng. 

Vài mươi giây chờ đèn đỏ có đáng gì, vậy mà nhiều người vẫn vượt liều, vô tình phá vỡ đi bức tranh VHGT toàn xã hội đang cố gây dựng. Cũng những con người tách mình ra khỏi cộng đồng văn hóa ấy, ở bất kỳ điểm đèn đỏ nào chúng tôi từng “mục sở thị”, khó có điểm nào người tham gia giao thông chấp hành nghiêm túc 100%. Mặc cho cả dòng người dừng lại, vài người vẫn nhìn trước ngó sau, hễ không có CSGT là vượt tới.

Một trường hợp vi phạm Luật GTĐB và bỏ chạy bị CSGT trạm Hòa Phước Đà Nẵng tạm giữ phương tiện. 

Đến nay, thời gian bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi xe máy đã hơn 4 năm, nhưng trên các tuyến đường từ nội thị đến ngoại ô, tình trạng người tham gia giao thông không đội MBH lặp đi lặp lại, nhất là những khu dân cư mới, đường ít có lực lượng TTKS. Nhiều người có đội MBH nhưng chỉ để đối phó, thậm chí trên đường, nhiều trường hợp còn vi phạm một lúc vài lỗi như: chở 3, không đội MBH, đi trái đường. Học sinh đi xe máy điện thì khỏi nói, khi được hỏi sao không đội MBH cho an toàn, các em cho biết, xe máy điện chạy chậm, đội “nồi cơm điện” làm gì cho ngứa đầu (?). Rõ ràng, không ít người điều khiển phương tiện đang cố tình lơ luật mà không biết rằng, vì những thói quen chủ quan ấy, nhiều người từng tử vong hoặc bị di chứng chấn thương sọ não khi TNGT bất trắc xảy ra. Theo các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115, hầu hết những vụ TNGT xảy ra, nếu người điều khiển phương tiện không đội MBH rất dễ bị chấn thương sọ não, trong đó có tới 80-90% ca tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời...

Tình trạng mất ATGT như họp chợ di động, buôn bán trên đường phố, khu dân cư gần đây có giảm nhờ công tác tuyên truyền, xử phạt, nhưng vẫn tồn tại. Vô số tuyến đường ở Đà Nẵng như: Nguyễn Thị Minh Khai, Hải Phòng, Nguyễn Lương Bằng... chợ tạm mọc ra, tấp nập người mua, kẻ bán. Không chỉ ý thức chấp hành không tốt của người bán buôn mà nhiều người còn có tâm lý ngại vào chợ giao dịch vì lý do tốn tiền gửi xe, hoặc mất thời gian. Ở khu vực cổng trường, tình trạng ùn tắc giao thông do phụ huynh học sinh chờ con tan lớp diễn ra triền miên.

 Đội MBH đối phó (không cài quai mũ) thể hiện sự thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Phòng CSGT CATP Đà Nẵng, từ tháng 11-2011 đến cuối tháng 10-2012, TNGT đường bộ trên địa bàn xảy ra 143 vụ, làm chết 104 người, bị thương 97 người. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 35 vụ, giảm 19 người chết và 46 người bị thương. Tuy tình hình TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng theo các cơ quan chức năng thì tình trạng thiếu văn hóa của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Cụ thể là qua số vụ tai nạn nói trên, chủ yếu vẫn là các lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện như: Chạy quá tốc độ (13 vụ, chết 13 người), đi không đúng phần đường (34 vụ, chết 23 người), đi không nhường đường (15 vụ, chết 9 người), điều khiển phương tiện không quan sát (15 vụ, chết 12 người)...

Ngày 5-11, Ban ATGT H. Núi Thành (Quảng Nam) xác nhận đã triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân bị tử vong vì TNGT” năm 2012. H. Núi Thành có hơn 20km đường QL1A và đường sắt Bắc- Nam chạy qua, những năm qua, TNGT liên tiếp xảy ra, có nhiều vụ rất nghiêm trọng. Với chủ đề “An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi”, từ ngày 1 đến 19-11, các hoạt động hưởng ứng của H. Núi Thành tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT, cảnh báo về nguy cơ, nguyên nhân gây ra TNGT đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT...

Văn Phin

Không riêng Đà Nẵng, tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm luật cũng diễn ra hết sức phức tạp, nhất là tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, tuyến huyết mạch QL1A. Ghi nhận tình hình tại tỉnh Gia Lai, trong vòng 1 năm (từ tháng 10-2011 đến tháng 10-2012), tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh có giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và người bị thương với 189 vụ (giảm 51 vụ), 213 người chết (giảm 61 người) và 132 người bị thương (giảm 23 người). Thế nhưng, điều đáng buồn là qua kết quả thống kê, phân tích lỗi, có đến 99,56% số vụ TNGT là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như: chạy quá tốc độ, lấn đường, vượt ẩu và không quan sát... trong đó có đến 42% số vụ TNGT do thanh niên từ 18-25 tuổi gây ra.

C.Hạnh-M.Tân
(còn nữa)