Báo Công An Đà Nẵng

Tại sao Canada quyết định gửi trả tuabin khí của Nga?

Thứ ba, 19/07/2022 14:03
Nga thông báo tạm đóng đường ống khí đốt trong 10 ngày để bảo trì, động thái khiến châu Âu lo lắng.

Báo Kommersant của Nga ngày 18-7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Canada hôm 17-7 đã gửi một tuabin khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 1 sang Đức bằng máy bay sau khi hoàn tất quá trình bảo dưỡng, sửa chữa.

"Thiết bị này đang được chuyển tới Đức bằng máy bay chứ không phải bằng đường biển như kế hoạch ban đầu nên sẽ đến nơi sớm hơn", báo Kommersant cho biết. Từ Đức, tuabin khí này sẽ được đưa lên phà và vận chuyển đường bộ qua Helsinki, Phần Lan, trước khi đến Nga khoảng ngày 24-7 nếu không gặp vấn đề gì về thủ tục hậu cần và hải quan. Khâu chuẩn bị sau đó sẽ cần thêm 3-4 ngày trước khi tuabin được bàn giao cho Nord Stream AG, đơn vị vận hành đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1.

Khẳng định quan điểm

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 13-7 đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận gần đây về việc sửa chữa các tuabin khí của Nga trong thời gian tối đa 2 năm, nhấn mạnh đây là “một quyết định rất khó khăn”. Thủ tướng Trudeau nêu rõ Canada không muốn các quy tắc trừng phạt Nga góp phần gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và cuối cùng gây tổn hại người tiêu dùng khí đốt tự nhiên tại châu Âu.

Năm 2009, Tập đoàn Siemens Energy của Đức đã cung cấp các tuabin khí cho trạm nén khí Portovaya thuộc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Những tuabin này được sản xuất tại Canada và cần bảo dưỡng định kỳ tại quốc gia sản xuất. Tuy nhiên, các tuabin khí nằm trong danh mục sản phẩm và công nghệ bị hạn chế trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga liên quan vấn đề Ukraine.

Mới đây, Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) đã cấp cho Siemens Energy quyền miễn trừ các biện pháp trừng phạt Nga do Ottawa áp đặt. Theo đó, cho phép chuyển các tuabin từ Dòng chảy phương Bắc 1 do tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga kiểm soát đến các cơ sở của Siemens Canada ở Montreal để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa.

Khi lợi ích lên tiếng

Mọi việc bắt đầu khi Tập đoàn Siemens Energy của Đức cho biết không thể nhận lại tuabin đã được phía Canada sửa chữa xong để lắp cho trạm nén khí Portovaya ở Nga bởi lệnh trừng phạt của phương Tây. Viện dẫn lý do thiết bị bảo dưỡng tại Canada chậm gửi trả lại, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm 60% công suất của Dòng chảy phương Bắc 1.

Đến đầu tháng 7, Gazprom thông báo tạm đóng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 từ ngày 11-7 để bắt đầu quá trình bảo trì kéo dài 10 ngày. Trong một tuyên bố hôm 13-7, Tập đoàn Gazprom cho biết, không thể đưa ra kết luận khách quan về diễn biến tình hình, cũng như không thể đảm bảo hoạt động cung cấp khí đốt an toàn ở Portovaya. Tuyên bố này khiến Châu Âu trở nên náo loạn, do lo ngại về khả năng tập đoàn năng lượng Nga sẽ không khôi phục hoạt động cung cấp khí đốt sau khi quãng thời gian bảo trì kết thúc.

Hết hãng nhập khí đốt Nga nhiều nhất của Đức là Uniper làm đơn xin cứu trợ, lại đến BASF SE - một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới của Đức cho biết có thể phải đóng cửa nhiều chi nhánh sản suất bởi không thể xa rời nguồn khí đốt giá rẻ của Nga. Đến lúc này thì Đức phải tích cực tìm cách lấy lại tuabin. Canada đã phớt lờ lời kêu gọi của Ukraine, quyết định loại tuabin khỏi danh sách trừng phạt với lý do “để tránh xảy ra cuộc khủng hoảng khí đốt ở Đức và châu Âu”. Cuối tuần trước, Ottawa đã đồng ý trả các tuabin khí cho công ty Đức, động thái mà cả Berlin và Mỹ đều lên tiếng ủng hộ.

Ukraine kêu gọi duy trì trừng phạt Nga

Quyết định của Canada đã gây bất đồng nghiêm trọng giữa nước này và Ukraine. Ukraine đã triệu Đại sứ Canada tại Kiev đến để làm việc.

Hôm 17-7, những người biểu tình Canada đã tập trung trên Đồi Quốc hội ở thủ đô Ottawa, kêu gọi Canada "hãy dũng cảm như Ukraine" và duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Người biểu tình kêu gọi Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland trả lời trước cộng đồng người Ukraine ở Canada. Trước đó, trong một phát biểu ngày 16-7, bà Freeland cho biết, khả năng duy trì sự ủng hộ của Đức đối với Ukraine có thể gặp rủi ro nếu các tuabin không được trả lại. Theo bà, G7 sẽ cần một nỗ lực thống nhất để hỗ trợ Ukraine và cho phép các thiết bị trở lại Đức là "điều đúng đắn nên làm".

Cuộc biểu tình xảy ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm với Thủ tướng Justin Trudeau, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng, lập trường của ông về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là "cần phải có nguyên tắc".

AN BÌNH