Báo Công An Đà Nẵng

Tại sao Indonesia tạm ngừng hợp tác quân sự với Australia?

Thứ năm, 05/01/2017 10:14

(Cadn.com.vn) - Indonesia ngày 4-1 đình chỉ mọi hợp tác quân sự với Australia, nguyên nhân được cho là do liên quan đến các tài liệu huấn luyện mang tính xúc phạm được trưng bày tại một căn cứ của Lực lượng Đặc nhiệm Australia.

ABC  dẫn lời phát ngôn viên quân đội Indonesia, Thiếu tướng Wuryanto, cho biết: "Tất cả các hình thức hợp tác với quân đội Australia, bao gồm liên kết đào tạo, tạm thời dừng lại. Tôi hy vọng, điều này được giải quyết càng sớm càng tốt". Ông Wuryanto không xác nhận lý do chỉ nói rằng việc này liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, và có "sự thăng trầm trong mỗi hoạt động hợp tác giữa các lực lượng của 2 nước".

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết đã được Indonesia thông báo về việc đình chỉ, nhấn mạnh rằng "một số hợp tác" bị hoãn lại cho đến khi vấn đề được giải quyết.

"Sự cố kỹ thuật"

Lực lượng đặc nhiệm Indonesia (Kopassus) tổ chức huấn luyện với Lực lượng không quân đặc biệt của Australia tại căn cứ của lực lượng này ở thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia. Theo tờ Kompas của Indonesia, một giảng viên Kopassus phát hiện một tài liệu được trình bày tại cơ sở huấn luyện mà người này cho là đã xúc phạm nguyên tắc Pancasila vốn là nền tảng cho tư tưởng quốc gia của Indonesia. Theo BBC, Pancasila là một triết lý quan trọng của Indonesia đề cập đến 5 nguyên tắc làm nền tảng tư tưởng quốc gia về tôn giáo, văn minh nhân loại, công bằng xã hội, dân chủ và đoàn kết.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết, Tư lệnh Không quân Australia (ADF) Marshal Mark Binskin đã viết thư cho tổng tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo, hôm 23-11, trấn an quân đội Indonesia rằng, tài liệu trưng bày ở Perth không phản ánh quan điểm của ADF, và là một sự cố riêng lẻ. Tư lệnh Lục quân Australia Angus Campbell cũng viết thư cho ông Nurmantyo để giải thích rằng, Canbera không phát tán tài liệu này. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Payne cho biết quân đội Australia đã "xem xét những mối quan ngại nghiêm trọng và tiến trình điều tra vụ việc đang được hoàn tất".

Lực lượng đặc nhiệm Kopassus của Indonesia được đào tạo ở Perth. Ảnh: ABC

Tương lai các cuộc tập trận chung?

Hiện chưa rõ việc tạm dừng quan hệ hợp tác này sẽ kéo dài trong bao lâu và có ảnh hưởng như thế nào tới các cuộc tập trận chung huấn luyện trong tương lai giữa quân đội hai nước. Hai nước trước đó từng lên kế hoạch huấn luyện quân sự chung vào tháng 2-2017.

"Liệu chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc tập trận chung hay không, tôi chưa thể nói được. Thông thường chúng tôi đình chỉ hợp tác về đào tạo nhưng hiện giờ, tạm ngưng tất cả các hợp tác", phát ngôn viên Hải quân Indonesia, Đô đốc Jonias Mozes Sipasulta, cho biết.

Quan hệ quốc phòng

Australia đã ngừng các cuộc tập trận với Kopassus sau khi đơn vị này bị cáo buộc lạm dụng ở Đông Timor vào năm 1999. Các hoạt động hợp tác tiếp tục vào năm 2006, tập trung vào việc chống khủng bố sau khi hai câu lạc bộ đêm ở Bali bị đánh bom vào năm 2002, khiến 202 người thiệt mạng, trong đó có 88 người Australia.

Hợp tác quân sự giữa hai nước bị đình chỉ lần gần đây nhất vào năm 2013 sau vụ bê bối nghe trộm điện thoại. Theo ABC, năm 2009 tình báo Australia cố khai thác thông tin nghe lén từ điện thoại di động của tổng thống Indonesia khi đó là ông Susilo Bambang Yudhoyono. Quan hệ hai nước cũng căng thẳng vào năm 2015 sau khi Indonesia xử tử 2 nghi phạm buôn lậu ma túy người Australia và chỉ trích các chính sách bảo vệ biên giới của Canbera.

Cho tới trước khi xảy ra sự cố này, quan hệ hợp tác quân sự Australia-Indonesia đã có nhiều cải thiện. Tháng 12-2015, hai nước ký "bản ghi nhớ" sau khi Indonesia bắt giữ 9 người đe dọa khủng bố nhờ thông tin tình báo do Cảnh sát Liên bang Australia cung cấp. Tháng 9-2016, 2 nước tập trận chung tại thành phố Darwin, Australia.

An Bình
(Theo ABBC, BBC)