Báo Công An Đà Nẵng

Tại sao Nga quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus?

Thứ tư, 29/03/2023 08:06
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: AFP

Lý do

Ông Putin cho biết Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã hối thúc Moscow bố trí vũ khí hạt nhân tại Belarus. Đồng minh gần gũi của Nga từng cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ để tiến quân tấn công nước láng giềng Ukraine vào ngày 24-2-2022. Trong khi đó, Nga đã giúp hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu Belarus với khả năng mang vũ khí hạt nhân - điều mà nhà lãnh đạo Lukashenko đã nhiều lần đề cập.

Trong bài phát biểu hôm 25-3, Tổng thống Putin cho biết nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là quyết định của Anh cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Ông Putin tuyên bố rằng những quả đạn như vậy có thành phần hạt nhân, và Nga sẽ có phản ứng tương xứng.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng, bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Nga chỉ làm đúng những gì mà Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ qua khi đặt vũ khí hạt nhân của họ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cáo buộc rằng động thái của Nga không vi phạm hiệp ước quốc tế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, về phía Belarus, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng họ đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ do đối mặt với áp lực từ các nước phương Tây. "Trong hai năm rưỡi qua, Belarus phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Mỹ, Anh cùng các nước NATO khác, cũng như các quốc gia thành viên EU", Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố. "Các biện pháp cưỡng ép đơn phương về chính trị, kinh tế đi kèm việc xây dựng tiềm lực quân sự đang diễn ra trên lãnh thổ các nước thành viên NATO ở gần biên giới chúng tôi". Theo Bộ Ngoại giao Belarus, những áp lực này buộc Minsk phải hành động để đảm bảo an ninh quốc gia.

Ý định của Nga

Nếu quyết định của Tổng thống Putin được thực thi thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990 Nga bố trí các vũ khí này bên ngoài đất nước.

Hãng tin AP cho rằng, với tuyên bố mới nhất của mình, Tổng thống Putin đã phát cảnh báo về mối đe dọa hạt nhân để báo hiệu Moscow sẵn sàng với các tình huống leo thang chiến sự ở Ukraine. Động thái trên diễn ra sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga và các quan chức hàng đầu của ông rằng Moscow sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện sẵn có" để bảo vệ lãnh thổ của mình. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia có đường biên giới dài với Ukraine, có thể cho phép Nga tiếp cận các mục tiêu tiềm năng ở đó dễ dàng và nhanh chóng hơn. Phương Tây cũng lo ngại, động thái này cũng sẽ mở rộng khả năng của Nga nhằm vào một số thành viên NATO ở Đông và Trung Âu.

Quyết định của Nga được công bố trong bối cảnh Ukraine đang sẵn sàng cho một cuộc phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ đã mất kiểm soát và các nước phương Tây đang tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev. Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết mục tiêu của Tổng thống Putin là ngăn cản các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp thêm vũ khí cho Kiev trước bất kỳ cuộc phản công nào. Ông Zhdanov nói: "Ông Putin đang sử dụng hạt nhân nhằm gây ảnh hưởng đến tình hình chiến trường và buộc các đối tác phương Tây giảm cung cấp vũ khí và thiết bị trước mối đe dọa leo thang hạt nhân".

Trong khi đó, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng đây là nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm răn đe các nước NATO. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ nhận định, đây có thể là một "hoạt động thông tin" của Nga và ít gây nguy cơ leo thang căng thẳng. Tờ New York Times nhận định, "ông Putin đang cố gắng xoáy sâu vào nỗ lo sợ leo thang xung đột hạt nhân của phương Tây".

AN BÌNH

Ukraine lo ngại nổ ra mặt trận ở hướng Belarus

Lãnh đạo đảng cầm quyền Ukraine cho rằng cần tuyển mộ thêm lượng lớn binh sĩ để đối phó nguy cơ nổ ra thêm mặt trận ở hướng Belarus.

"Belarus nhận vũ khí hạt nhân từ Nga sẽ dẫn tới nguy cơ xuất hiện mặt trận thứ hai ở miền bắc đất nước. Điều này có nghĩa là quân đội phải tuyển mộ thêm binh lính, chúng tôi cần ít nhất 8 lữ đoàn để kiểm soát mặt trận này", ông David Arakhamia, lãnh đạo đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn hôm 27-3. Ông Arakhamia cảnh báo rằng người dân Ukraine nên chuẩn bị tinh thần cho những đợt huy động quân dịch tăng cường trong thời gian tới. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Đầy tớ của Nhân dân cũng nhấn mạnh rằng phần lớn biên giới Ukraine - Belarus có địa hình phức tạp, chủ yếu là rừng rậm và đầm lầy, gây khó khăn cho mọi chiến dịch tiến công qua biên giới.