Báo Công An Đà Nẵng

Tại sao Nga ủng hộ nhưng không công nhận Taliban?

Thứ bảy, 23/10/2021 15:39

Tổ chức Hội nghị quốc tế về Afghanistan, thúc đẩy việc đưa Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, kêu gọi các nước dỡ bỏ phong tỏa tài sản đối với Taliban, nhưng Nga vẫn không công nhận lực lượng này.

Các bên tham dự Hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moscow.   Ảnh: AFP

Cho Taliban tính hợp pháp…

Nga xác định Taliban là một "tổ chức khủng bố" năm 2003 song vẫn chào đón Taliban tham gia các cuộc trao đổi ở Moscow một vài lần trước khi lực lượng này nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8-2021. Không giống nhiều nước phương Tây khác, Đại sứ Nga đã nhanh chóng gặp các đại diện Taliban vài ngày sau khi họ nắm quyền. Nga vẫn duy trì đại sứ quán ở Kabul. Đầu tuần này, Nga kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Afghanistan khi tổ chức một Hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moscow với sự tham gia của đại diện 10 quốc gia và đại diện chính quyền Taliban tại Afghanistan. 

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định với những bên tham gia hội nghị rằng, Moscow thừa nhận Taliban đang nỗ lực ổn định tình hình đất nước và "hài lòng với mức độ hợp tác thực tế với các nhà chức trách Afghanistan". Nga đang nỗ lực cân bằng quan hệ với Taliban thông qua việc duy trì quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới ở Kabul. 

Một ngày sau cuộc trao đổi cấp cao giữa Nga và chính quyền mới ở Afghanistan, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Moscow đang thúc đẩy việc đưa Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. "Như chúng ta mong đợi, Taliban - lực lượng đang kiểm soát Afghanistan rõ ràng sẽ đảm bảo tình hình diễn biến theo hướng tích cực. Chúng tôi duy trì sự nhất quán trong những quyết định chung về Taliban và sẽ cân nhắc đưa lực lượng này khỏi danh sách các tổ chức khủng bố", Tổng thống Putin cho hay.

Tổng thống Putin cho biết, việc đưa Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố là điều khả thi song cũng nhấn mạnh rằng Nga không phải là bên duy nhất liên quan đến quyết định này mà điều này phải diễn ra ở cấp độ Liên Hợp Quốc. "Chúng tôi sẽ hợp tác với các đại diện của Taliban, mới họ tới Moscow và tiếp tục giữ liên lạc với họ ở Afghanistan", ông Putin khẳng định.

Hôm 21-10, Tổng thống Putin cho rằng Afghanistan cần nhận được sự hỗ trợ kinh tế và các tài sản tài chính của quốc gia Tây Nam Á này cần được giải tỏa vì sự ổn định của Afghanistan có lợi cho tất cả các nước láng giềng. Ông Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt đóng băng hơn 9 tỷ USD dự trữ của Afghanistan trong các tài khoản nước ngoài và tài trợ cho những nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tuyên bố không có ý định giải tỏa hàng tỷ USD trị giá vàng, các khoản đầu tư và dự trữ ngoại hối của Afghanistan bị phong tỏa tại Mỹ sau khi Taliban lên nắm quyền. 

Cũng trong tuyên bố trên, Tổng thống Putin cho rằng NATO phải chịu trách nhiệm chính đối với tình hình hiện nay ở Afghanistan. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng các nước đã tham chiến ở Afghanistan trong 20 năm phải chịu trách nhiệm chính đối với những gì đang xảy ra ở quốc gia Tây Nam Á này. Tổng thống Putin cho biết Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy đối thoại với các cơ cấu liên quan ở Afghanistan.

…nhưng không công nhận

Nga đã có nhiều động thái ủng hộ Taliban sau khi lực lượng này lên nắm quyền ở Afghanistan, tuy nhiên, hôm 19-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ không chính thức công nhận Taliban vào thời điểm hiện tại và muốn nhóm Hồi giáo này thực hiện những cam kết khi lên nắm quyền ở Afghanistan. 

"Những gì Nga muốn thể hiện là duy trì quan hệ vững chắc với chính quyền mới ở Afghanistan. Đây là một cách nhằm chiều lòng Taliban, cho họ tính hợp pháp nhưng không cho họ sự công nhận", Samuel Ramani, một học giả tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh - một tổ chức tư vấn về an ninh và quốc phòng có trụ sở tại London cho hay. Ông Ramani cũng đánh giá, Nga muốn trở thành một nhà trung gian hòa giải hiệu quả giữa Taliban và các lực lượng đối lập ở Afghanistan cũng như các quốc gia khác, đồng thời ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Moscow.

"Các cuộc tiếp xúc trực tiếp nhằm hướng đến việc hiểu rõ hơn về những điều đang xảy ra ở đất nước này, các ý định của Taliban, cũng như những kế hoạch của họ về trung và dài hạn", người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết. Mối lo ngại chính của Nga hiện nay vẫn là ngăn Afghanistan trở thành căn cứ của các nhóm khủng bố. "Từ quan điểm của Nga, Taliban giống như đang trong thời gian tập sự. Họ được trao cho cơ hội để giải quyết các vấn đề Afghanistan, hoàn thành các cam kết của mình và ngăn chặn các nhóm khủng bố", Andrey Kazantsev, chuyên gia về Afghanistan và Trung Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow cho hay.

Trước đó, Tổng thống Putin cho rằng, mặc dù cần có sự trao đổi với Taliban nhưng Nga không vội công nhận chính quyền mới ở Afghanistan. Nhà lãnh đạo này cũng nhận định, mục tiêu chính của Moscow là đưa tình hình chính trị và kinh tế ở Afghanistan trở lại bình thường, cũng như hạn chế những bất ổn ở biên giới.

AN BÌNH

Pakistan chia sẻ với Taliban cách để được cộng đồng quốc tế công nhận

Trong khuôn khổ chuyến công du chính thức Afghanistan, ngày 21-10, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã đề xuất một số nguyên tắc với Taliban, lực lượng đang cầm quyền tại quốc gia này, về cách thức đạt được sự công nhận từ quốc tế.

Chia sẻ với báo giới, Ngoại trưởng Pakistan khẳng định đã trao đổi với phía Afghanistan một cách đầy thiện chí về những biện pháp để đạt được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế. Ông nhận định "môi trường đang tốt lên" tại Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh Taliban cần "cho thấy những tiến bộ công bằng" về những vấn đề nêu trên.
Pakistan từ lâu đóng vai trò quan trọng đặc biệt ở Afghanistan. Pakistan là một trong các đồng minh mạnh nhất của Mỹ trong cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố. Tuy nhiên, chính quyền Pakistan cũng được cho là đã bí mật hậu thuẫn cho Taliban trong nhiều năm qua.