Báo Công An Đà Nẵng

Tại sao nhiều dự án bất động sản tại Quảng Nam... "bất động"?

Thứ hai, 02/10/2023 09:06

Thời gian qua tại Quảng Nam tồn tại một số nghịch lý là nhiều dự án khu dân cư được phê duyệt nhưng các cơ quan chức năng không quy hoạch các mỏ khoáng sản, như: đất, đá để thực hiện việc san lấp, thi công công trình dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu, đội vốn đầu tư. Một lý do khác là từ năm 2020 đến nay UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chính sách mới là thực hiện việc định giá đất khi dự án đã hoàn thành. Với quy định này sẽ tránh việc Nhà nước thất thu về ngân sách nhưng đẩy những nhà đầu tư "trót" huy động vốn dưới các hình thức góp vốn, đặt chỗ… vào chỗ khó khăn vì ngoài tiền thuế sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước cộng với chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ làm cho giá thành mỗi m2 đất cao hơn nhiều so với giá huy động của khách hàng.

Đại diện chủ đầu tư một dự án, cho biết: cách đây 6 năm, khi doanh nghiệp triển khai dự án thì số tiền dự kiến để nộp quyền sử dụng đất cho Nhà nước từ 2,5 đến 3 triệu đồng/m2. Đến nay, dự án triển khai hoàn thành, giá đất được Nhà nước áp dụng từ 6 đến hơn 10 triệu đồng/m2. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang giảm sâu, khó tiêu thụ, nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh thua lỗ. Trước thực tế đó, tháng 8-2023 các chủ đầu tư dự án khu đô thị đã có kiến nghị tập thể gửi UBND tỉnh Quảng Nam xin tạm dừng ban hành quyết định phê duyệt phương án giá đất và xin tạm dừng ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất ở một số dự án đã được hội đồng thẩm định giá đất của UBND tỉnh thông qua. Ngoài ra, kiến nghị cho rằng giá đất được tính quá cao so với dự toán đầu tư các dự án. Ngoài ra, cơ sở thẩm định giá dựa trên giá giao dịch cao nhất trên thị trường để áp dụng so sánh giá cho dự án là chưa phù hợp.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các dự án đô thị đã triển khai cách đây nhiều năm nhưng chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nên chưa tính giá đất. Đến nay, khi các dự án hoàn thành thủ tục theo quy định thì nhà nước mới thành lập hội đồng thẩm định giá đất tại thời điểm hiện tại dựa trên giá thị trường nên giá đất cao hơn lúc triển khai dự án là điều dễ hiểu. Để "gỡ khó" cho các chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam thành lập tổ công tác đặc biệt do ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh tiến hành khảo sát thực tế, để có biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Theo các chuyên gia về bất động sản, trong bối cảnh bất động sản giá giảm sâu, khó tiêu thụ Nhà nước cần có những giải pháp thích hợp nhằm đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa chính quyền và nhà đầu tư trong công tác thẩm định giá đất. Cụ thể, bảo đảm Nhà nước không thất thu ngân sách đối với tiền chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đẩy các doanh nghiệp vào chỗ khó khăn khiến tất cả các dự án phải "đắp chiếu" như hiện nay.

M.T