Báo Công An Đà Nẵng

Tại sao Trung Quốc không xem Ấn Độ là mối đe dọa?

Thứ bảy, 07/02/2015 09:46

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ nồng ấm Mỹ - Ấn liệu có làm tổn thương quan hệ Trung-Ấn hay không? Câu trả lời là không, trừ khi New Delhi có sự lựa chọn "tử vì đạo".

Chuyến đi gần đây của Tổng thống Obama đến New Delhi được ca ngợi là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Ấn. Nhiều hoa thơm nở trái ngọt như các thỏa thuận quốc phòng, hợp tác hạt nhân, biến đổi khí hậu và an ninh. Đặc biệt, New Delhi nhất trí bắt tay với Washington để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cũng có những báo cáo cho biết, Bắc Kinh hiện rất lo lắng về mối quan hệ ấm lên giữa Mỹ-Ấn. Liệu sự thật có phải như vậy? Mối quan hệ ấm áp này sẽ không khiến Trung Quốc lo lắng. Thực tế, kết quả này có thể khiến những người ở Ấn Độ và Mỹ thất vọng bởi họ muốn chủ động cân đối sự nổi lên của Trung Quốc.

Thứ nhất, Ấn Độ luôn luôn duy trì chính sách đối ngoại độc lập kể từ khi giành độc lập. Do đó, New Delhi rất khó tham gia bất cứ khối quyền lực lớn nào như một đồng minh. Thực tế, điều này có nghĩa rằng, Ấn Độ sẽ vẫn luôn nghi ngờ về mối đe dọa tiềm năng về một "quyền lực lớn" nào đó đối với độc lập và an ninh của họ.

Chưa nói đến chuyện thành công trong chuyến công du của ông Obama, nhưng một điều rõ ràng là, New Delhi đã hoàn toàn tin tưởng vào ý định của Mỹ trong việc giúp đỡ Ấn Độ cân bằng Trung Quốc. Thủ tướng Modi hoàn toàn hiểu rằng, Ấn và Mỹ cần nhau vào lúc này và không có gì tai hại khi chào đón sự trợ giúp của Washington trong việc cân bằng mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Thứ hai, rất đơn giản khi nói, Ấn cần đầu tư từ Trung Quốc để phát triển nền kinh tế trong thời gian dài. Chắc chắn, New Delhi không muốn để Bắc Kinh thống trị về kinh tế, nhưng về lâu dài, không có giải pháp nào tốt hơn. Chẳng hạn như, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào Ấn Độ trong những năm tới, con số rõ ràng lu mờ so với cam kết 20 tỷ USD của Trung Quốc.

Tất nhiên, không có lý do để Ấn Độ từ chối đầu tư từ các nước khác. Hơn nữa, nếu Ấn Độ có thể học được những bài học ngay từ Trung Quốc và tránh những sai lầm của nước láng giềng, thế kỷ XXI thật sự sẽ là thế kỷ cho người Châu Á.

Có thể nói rằng, bất chấp các tranh chấp và sự khác biệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, các lợi ích tiềm năng trong mối quan hệ này là lớn hơn tổn thất. Giống như bất kỳ mối quan hệ song phương nào giữa các nước lớn, luôn luôn có cả hợp tác và xung đột trong mối quan hệ. Trung -Ấn cũng vậy. Cả hai nước đủ thông minh để hiểu được điểm quan trọng này và sẽ duy trì mối quan hệ tốt và thân thiện trong tương lai.

Thực tế là Thủ tướng Modi sẽ thăm Bắc Kinh vào tháng 5 tới nhằm chứng minh, New Delhi vẫn cần Bắc Kinh dù có "xấu xí". Trung Quốc cũng không coi Ấn Độ như một mối đe dọa, và Ấn Độ cũng vậy.

Thanh Văn