Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Tài xế công ty gây tai nạn: Ai phải bồi thường thiệt hại?

Thứ hai, 30/10/2023 10:52
Luật sư Đặng Văn Vương

*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners kiêm Trưởng Chi nhánh Cẩm Lệ, trả lời:

Bồi thường thiệt hại là một chế định pháp luật quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Khi một bên có lỗi gây thiệt hại cho bên kia, bên có lỗi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Việc xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một vấn đề pháp lý quan trọng cần được làm rõ nhằm giúp cho bên bị thiệt hại khôi phục lại tình trạng ban đầu và không phải gánh chịu những tổn thất, mất mát không đáng có một cách kịp thời. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cụ thể của anh Hùng?

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba đối với thiệt hại do người lao động, người làm công, người học nghề của pháp nhân gây ra như sau:

“Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

“Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra

Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, pháp nhân có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại nếu người của pháp nhân, người làm công, người học việc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác và có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Với trường hợp của anh Hùng, chưa rõ anh là người lao động đã giao kết hợp đồng lao động hay là người làm công được Công ty X. thuê tạm thời. Tuy nhiên, xét cả hai trường hợp, Công ty X. trả lời như vậy là chưa chính xác theo quy định pháp luật. Vì theo thông tin anh Hùng cung cấp, anh điều khiển xe vận chuyển hàng hóa theo sự phân công của Công ty anh nhưng do sơ suất nên gây tai nạn và thiệt hại cho phương tiện khác với giá trị thiệt hại là 50 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy anh gây tai nạn trong quá trình thực hiện công việc của Công ty X. giao. Căn cứ theo những quy định trên thì trước tiên Công ty X. có trách nhiệm phải thay anh đứng ra bồi thường cho chủ phương tiện bị thiệt hại trong vụ tai nạn. Sau đó, Công ty X. mới có quyền yêu cầu anh hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật hoặc theo điều khoản trong hợp đồng lao động, nội quy lao động của Công ty nếu có.

Ngoài ra, theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425