Báo Công An Đà Nẵng

Taliban kiếm tiền bằng cách nào?

Thứ tư, 26/12/2018 09:00

Taliban, nhóm nổi dậy chính ở Afghanistan với khoảng 60.000 tay súng chiến đấu, hiện kiểm soát nhiều lãnh thổ ở Afghanistan hơn bất cứ lúc nào kể từ khi bị liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ vào năm 2001. Mặc dù Washington tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho chính phủ Kabul, cuộc xung đột trở nên dữ dội và phức tạp hơn. Việc duy trì mức độ nổi dậy này đòi hỏi rất nhiều kinh phí, từ các nguồn cả trong và ngoài nước. Vậy làm thế nào Taliban có thể có nguồn tài chính dồi dào để duy trì hoạt động?

Một vụ tấn công Taliban gây ra ở Kabul đầu năm nay khiến ít nhất 95 người thiệt mạng. Ảnh: BBC

Taliban đã nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, áp đặt nghiêm ngặt luật Hồi giáo Sharia. Kể từ khi bị Mỹ lật đổ, mất đi quyền cai trị Afghanistan, nhóm phiến quân này vẫn duy trì các hoạt động nổi dậy trên cả nước.

Theo BBC, Taliban đang vận hành một mạng lưới tài chính và hệ thống thuế tinh vi để chi trả cho các hoạt động nổi dậy. Thu nhập hàng năm của nhóm kể từ sau năm 2011 ước tính vào khoảng 400 triệu USD. Nhưng số tiền này được cho là đã tăng đáng kể trong những năm gần đây và có thể lên tới 1,5 tỷ USD. Chính phủ Afghanistan và Mỹ đã tìm cách ngăn chặn mạng lưới này. Cách đây 1 năm, quân đội Mỹ thực hiện một chiến lược mới là ném bom các phòng bào chế ma túy. Tuy nhiên, thu nhập của Taliban không chỉ xuất phát từ việc kinh doanh ma túy. Hồi năm 2012, LHQ từng cảnh báo rằng, nền kinh tế thuốc phiện ở Afghanistan không phải là nguồn thu nhập chính của Taliban.

Thuốc phiện, thuế và tống tiền

Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Với giá trị xuất khẩu ước tính hàng năm là 1,5-3 tỷ USD, thuốc phiện là ngành kinh doanh lớn, cung cấp phần lớn lượng heroin bất hợp pháp trên toàn thế giới.

Ngoài một số vùng canh tác trong các khu vực do chính phủ quản lý, hầu hết việc trồng cây thuốc phiện diễn ra ở các khu vực do Taliban kiểm soát và được cho là một nguồn thu nhập quan trọng. Taliban thường phủ nhận liên quan của nhóm vào ngành công nghiệp ma túy và tự hào về lệnh cấm trồng cây thuốc phiện trong chế độ vào năm 2000. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cho biết, 60% nguồn tiền của Taliban đến từ ma túy. Taliban cũng kiếm tiền từ việc áp đặt thuế ở một số giai đoạn của quy trình này. Thuế canh tác 10% được thu từ các nông dân trồng thuốc phiện. Thuế cũng được thu từ các phòng bào chế, chuyển đổi thuốc phiện thành heroin, cũng như từ các thương nhân buôn lậu ma túy bất hợp pháp. Ước tính, khoản thu hàng năm của Taliban trong nền kinh tế ma túy bất hợp pháp dao động từ 100- 400 triệu USD.

Đánh bom các phòng bào chế ma túy

Là một phần trong chiến lược chống quân nổi dậy mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Afghanistan trong năm qua, Washington tập trung vào các mạng lưới tài chính và nguồn thu của Taliban, trong đó có các phòng bào chế ma túy, nơi thuốc phiện được chuyển đổi thành heroin.

Tính đến tháng 8-2018, Mỹ tuyên bố phá hủy khoảng 200 trong số 400-500 phòng thí nghiệm ma túy của Taliban tại Afghanistan, gần một nửa trong số đó nằm ở tỉnh Helmand, phía nam của đất nước. Chiến dịch trên làm giảm đi khoảng 1/4 doanh thu của Taliban từ hoạt động thuốc phiện. Nhưng tác động dài hạn của chiến dịch này là không rõ ràng. Ngay cả khi các phòng bào chế bị phá hủy, Taliban dễ dàng và nhanh chóng xây dựng lại.

Mở rộng phạm vi kiểm soát

Mạng lưới tài chính của Taliban mở rộng vượt khỏi việc đánh thuế hoạt động kinh doanh thuốc phiện.

Một cuộc điều tra của BBC được công bố vào đầu năm 2018 cho thấy, Taliban có sự hiện diện tích cực ở 70% lãnh thổ của Afghanistan. Tại các khu vực này, nhóm tìm cách duy trì "luật thuế" của mình. Trong bức thư ngỏ vào đầu năm nay, Ủy ban tài chính của Taliban cảnh báo các thương nhân Afghanistan vận chuyển hàng hóa phải trả thuế khi đi qua các khu vực mà nhóm kiểm soát. Nhóm cũng hưởng doanh thu từ các doanh nghiệp khai thác viễn thông và điện thoại di động. Người đứng đầu Công ty Điện lực Afghanistan hồi đầu năm nay, cho biết Taliban đã kiếm được hơn 2 triệu USD mỗi năm bằng cách cung cấp điện cho người dùng ở nhiều khu vực khác nhau của đất nước. Ngoài ra nhóm còn có thu nhập được tạo ra trực tiếp từ các cuộc xung đột. Mỗi khi Taliban chiếm được một đồn quân sự hoặc một trung tâm đô thị, nhóm sẽ lấy đi những thứ quý giá, thu giữ vũ khí, cũng như xe hơi và xe bọc thép.

Mỏ và khoáng sản

Afghanistan rất giàu khoáng sản và đá quý, phần lớn không được khai thác trong những năm xung đột. Ngành công nghiệp khai thác mỏ ở Afghanistan trị giá ít nhất khoảng 1 tỷ USD. Hầu hết các hoạt động khai thác đều ở quy mô nhỏ và được thực hiện bất hợp pháp. Taliban đã kiểm soát các cơ sở khai thác và thu lợi từ các hoạt động khai thác hợp pháp lẫn bất hợp pháp đang diễn ra.

Trong báo cáo thường niên năm 2014, Nhóm giám sát hỗ trợ và xử phạt của LHQ cho biết Taliban đã kiếm được hơn 10 triệu USD mỗi năm từ 25 đến 30 hoạt động khai thác bất hợp pháp ở tỉnh Helmand. Hoạt động của Taliban ở phía đông tỉnh Nangarhar làm sáng tỏ cách mà chúng vận hành. Thống đốc tỉnh này cho biết, rằng khoảng một nửa doanh thu từ khai thác mỏ trong tỉnh thuộc về Taliban hoặc IS. Ông ước tính, Nangarhar mất tới 500 USD từ mỗi trong số hàng trăm xe tải khoáng sản rời khỏi tỉnh mỗi ngày.

Theo các thương nhân địa phương và các quan chức chính phủ Afghanistan mà BBC đã gặp, Taliban hiện kiếm được hơn 50 triệu USD doanh thu hàng năm từ khai thác mỏ trên toàn quốc.

Tài trợ từ nước ngoài

Một số quan chức Afghanistan và Mỹ từ lâu cáo buộc một số chính phủ khu vực, gồm Pakistan, Iran và Nga viện trợ tài chính cho Taliban tại Afghanistan, một cáo buộc mà họ luôn bác bỏ.

Nhiều cá nhân từ Pakistan và một số quốc gia Vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Qatar nằm trong số những người đóng góp nhiều nhất. Mặc dù không thể thống kê, những nguồn tài trợ này rõ ràng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong nguồn thu của Taliban, và theo các chuyên gia, nó có thể lên tới 500 triệu USD mỗi năm. Một báo cáo CIA ước tính, vào năm 2008 Taliban đã nhận được 106 triệu USD từ các nguồn tài trợ nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia Vùng Vịnh.

AN BÌNH