Taliban và chiến dịch bịt miệng các giáo sĩ Afghanistan
(Cadn.com.vn) - Trong thập kỷ qua, mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ và NATO, quân nổi dậy Taliban vẫn thực hiện chiến dịch có hệ thống nhằm bịt miệng các giáo sĩ Afghanistan không ủng hộ chiến thuật và hệ tư tưởng của chúng. Hơn 800 học giả tôn giáo đối đầu với Taliban bằng cách gọi cuộc nổi dậy là phi Hồi giáo và bất hợp pháp, đã bị giết.
Vụ gần đây nhất xảy ra hồi tuần trước khi học giả Maulawi Ata Muhammad bị bắn chết ở Kandahar. Ông là người đứng đầu chương trình “Tiếng nói Hồi giáo” của đài phát thanh địa phương. Một số mục tiêu bị giết là những quan chức cấp cao, trong đó có Maulawi Abdullah Fayaz, người đứng đầu Hội đồng học giả tôn giáo Kandahar- bị giết vào tháng 5-2005. Taliban nhận trách nhiệm về một số vụ giết người trên.
Giáo sĩ có ảnh hưởng rất lớn ở Afghanistan. Ảnh: BBC |
Vết nứt nguy hiểm
Thật vậy, nhiều người trong số những người bị giết từng giảng dạy hoặc có ảnh hưởng đến những thanh niên gia nhập Taliban. Nhiều sinh viên giết chết giáo viên.
Các phiến quân cho rằng, hành động này là tiên phong nhằm bảo vệ “các giá trị Hồi giáo gốc” của Afghanistan. Họ cáo buộc các giáo sĩ chống Taliban ủng hộ “sự chiếm đóng của nước ngoài và tạo ra sự bất hòa trong cộng đồng người Hồi giáo”. Hồ sơ và số liệu cho thấy, phần lớn các vụ giết người xảy ra ở phía Nam Afghanistan, nơi lực lượng nổi dậy hoạt động mạnh và cũng là nơi một số nhân vật lớn tuổi trong bộ lạc và các nhân vật có ảnh hưởng luôn là mục tiêu bị tiêu diệt. Những cái chết này tạo ra khoảng trống về kiến thức tôn giáo và tạo ra sự rạn nứt trong các cơ sở tôn giáo, và tác động sâu sắc đối với tương lai của các cuộc tranh luận lành mạnh.
Trong xã hội Afghanistan truyền thống, học giả tôn giáo có nhiều ảnh hưởng. Dân chúng từ thành phố đến các ngôi làng đều tôn trọng họ, xin ý kiến và tư vấn họ về nhiều vấn đề khác nhau và đây là lý do tại sao họ rất hữu ích cho cả hai bên trong cuộc xung đột tại Afghanistan.
Ủng hộ chính phủ
Hội đồng Quốc gia Ulama được thành lập năm 2002 nhằm chống lại tính hợp pháp của Taliban như một phong trào tôn giáo, nhằm mục đích tăng cường thông tin tôn giáo chính phủ và vì vậy công khai ủng hộ chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai cũng như cố gắng gây ảnh hưởng đến các quyết định của ông.
Khoảng 3.000 học giả tôn giáo là thành viên chính thức của hội đồng. Phần lớn là các thành viên hội đồng là cựu nhân vật thánh chiến chiến đấu chống lại cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980. Một số từng là cựu thành viên của Taliban. Hội đồng Quốc gia Ulama ban hành các sắc lệnh tôn giáo, biện minh cho sự hiện diện của lực lượng NATO dưới sự ủy nhiệm của LHQ tại Afghanistan và kêu gọi Taliban từ bỏ các hoạt động quân sự và tham gia tiến trình hòa bình. Họ cũng lên án hoạt động thánh chiến của Taliban chống lại chính phủ Afghanistan, cho rằng, đây là chính phủ do dân bầu và rằng, Tổng thống cùng nhiều quan chức khác trong chính quyền là người Hồi giáo.
Trong các sắc lệnh này, các học giả tôn giáo ủng hộ chính phủ cũng như công khai gọi các chiến thuật được Taliban sử dụng - đặc biệt là các cuộc tấn công tự sát và các vụ giết dân thường- là phi Hồi giáo.
Bị đe dọa
Hàng trăm giáo sĩ ủng hộ chính phủ khác bị Taliban đe dọa sẽ bị giết nếu chống lại các chiến binh. Một số phải rời khỏi làng và thị trấn vì sợ bị trả thù, đặc biệt là những người có các bài phát biểu công khai chống Taliban tại các nhà thờ Hồi giáo và trên đài phát thanh địa phương.
Taliban cáo buộc các giáo sĩ làm nhiều người lạc lối và làm suy yếu “tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của các phiến quân”. Taliban cho rằng, chính phủ Afghanistan là “bất hợp pháp” vì nó dựa trên sự hỗ trợ của “quyền lực ngoại đạo” để lật đổ chính phủ “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” - tên gọi mà Taliban sử dụng cho phong trào của họ - vào năm 2001 – nói đến cuộc chiến do Mỹ cầm đầu nhằm vào Afghanistan. Tại nhiều nơi, Taliban thậm chí còn cảnh báo các giáo sĩ không được cầu nguyện cho các thành viên của lực lượng an ninh bị giết chết. Hàng chục học giả tôn giáo ôn hòa cũng bị giết chết ở Pakistan bởi những sinh viên “Taliban mới”, những người tiếp thu một hệ tư tưởng cực đoan.
Trong bối cảnh này, một số giáo sĩ ở Afghanistan quyết định không đứng về phía nào bằng cách tránh bất kỳ cuộc thảo luận về các vấn đề nhạy cảm như sự hiện diện của NATO và các chiến thuật được sử dụng bởi lực lượng Taliban. Họ sợ phản ứng của Taliban hoặc bị lực lượng an ninh bắt giữ.
An Bình (Theo BBC)