Báo Công An Đà Nẵng

Tấm ảnh từ chiến trường

Thứ bảy, 30/03/2024 13:00
Bà Trần Thị Pháp bên tấm ảnh cha mình, liệt sĩ Trần Lương.

Bức thư yêu thương

Hằng năm cứ đến ngày 22 tháng Chạp (âm lịch), Trung tướng Trần Phước Tới - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Viện Phó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lại về quê mình. Ông thường đứng lặng rất lâu trước tấm ảnh thờ người chú họ thân yêu. Những lúc như thế, vị tướng xứ Quảng như thấy ùa về bao kỷ niệm quê hương thời chinh chiến.

Ngày đó cậu bé tuổi 16 là dũng sĩ diệt Mỹ, được ra Bắc học tập. Cha đã hy sinh; bác, cô và chú ruột cũng đều là liệt sĩ nên người hay quan tâm lo lắng cho anh trên mỗi bước đường chiến đấu là chú Trần Lương (còn gọi là Trần Phước Lương, Năm Lương). Năm 1970, lúc đang học ở Nam Sách (Hải Dương), anh Tới nhận được thư tay kèm theo một tấm ảnh chân dung chỉ lớn hơn ảnh thẻ của chú Năm. Lời thư tràn ngập yêu thương. Người viết không hề nghĩ đến bản thân đang ở giữa cận kề sống chết mà chỉ lo cho đứa cháu còn nhỏ tuổi đã phải xa gia đình. Với một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, chú dặn dò: “Con ráng học cho giỏi sau này về xây dựng quê hương”. Cậu sinh viên luôn mang bức thư và tấm ảnh bên mình như nguồn động viên to lớn. Được cử đi học đại học ngành Luật ở Liên Xô (cũ), anh mang theo bức thư qua nước bạn. Thấy tấm ảnh chú mình quá bé, anh dùng máy ảnh chụp lại và tráng ra lớn hơn. Ngày giải phóng, từ nước ngoài về thăm lại quê hương, người cháu đau xót khi biết chú Năm Lương đã hy sinh. Tấm ảnh anh giữ trở thành tấm ảnh thờ độc nhất của gia đình chú. Bức thư của chú mà anh đem về, tiếc rằng qua mấy trận lũ lụt đã không còn nguyên vẹn.

Những đứa con liệt sĩ họ Trần Phước sau ngày giải phóng. Ảnh: T.L

Kỷ niệm cuối cùng

Cha hy sinh khi Trần Thị Pháp mới ở tuổi 13 nhưng hơn 50 năm trôi qua, người phụ nữ này không quên bất cứ kỷ niệm nào về cha mình.

Là chị lớn của ba đứa em nhỏ, trong đó cậu em út mới hai tuổi nên Pháp sớm già dặn, hiểu chuyện. Nhiều lần cô còn được cha tin tưởng đưa thư, làm liên lạc cho các chú. Cha thường hay dặn dò cô: “Con cố gắng cùng mẹ nuôi dưỡng các em. Sau này nước nhà thống nhất, cha sẽ bù đắp cho con”. Hình ảnh thân thương nhất về cha đó là có những buổi chạng vạng, khi tình hình trong làng yên ắng, ông Lương tranh thủ tạt về nhà. Tay bồng đứa nhỏ nhất, tay dắt đứa kế rồi quàng cả mẹ già đi dạo quanh vườn, thủ thỉ chuyện trò. Buổi chiều 22-1-1972 , ông về sớm hơn thường lệ và nắm tay cô con gái lớn với những lời dặn dò tỉ mỉ, rồi nói: “Con trèo lên gác lấy cho cha một chục thuốc lá khô, chặt cọng cho gọn. Chuyến này cha đi công tác bên tuyên huấn, chắc lâu mới về. Tối cha lên Bồ Mưng rồi đi lên núi luôn”. Tối đó chừng 8 giờ, cô con gái lòng dạ nóng như lửa đốt khi nghe tiếng súng nổ dữ dội hướng ba đi ở làng An Thanh, có lẽ như đằng mình bị phục kích. Nghẹn ngào nhớ lại những giây phút kinh hoàng đó, bà Trần Thị Pháp kể: “Sáng sớm hôm sau, chị Hai Tuần, đồng đội của cha tôi chạy đến nhà nói rằng chắc cha tôi đã hy sinh trong trận hôm qua cùng với 7 người nữa. Chúng trói chung lại và chôn tập thể để không cho ai đến lấy thi thể. Tôi nghe chị nói mà rụng rời tay chân, không dám khóc to vì còn bà nội và 3 đứa em nhỏ. Tôi bảo chị trông nhà giúp rồi chạy lên khu đất trồng cây thuốc lá, nơi mẹ tôi và bà con tưới thuốc sớm. Bọn lính có mặt khắp nơi nên tôi giả vờ nói: “Em ở nhà đau chết rồi”. Nghe vậy, mẹ tôi và mọi người hiểu ý bỏ gàu, chạy về nhà. Khi biết tin, tất cả ào ra đường cái vì chúng đào cha tôi và đồng đội lên đem phơi nắng để thị uy”.

Được người làng đứng ra xin, bọn hội đồng xã miễn cưỡng cho các gia đình chôn cất liệt sĩ ở Gò Phật. Mặc địch phong tỏa, dân làng vốn yêu quý đồng chí Năm Lương, đã tụ tập rất đông, thắp hương, đưa tiễn người cán bộ xã trung kiên. Tấm ván để dành cho mẹ già, nay làm cỗ quan cho người con trai. Những tiếng nấc dồn nén bao lâu nay rung lên giữa màn đêm hoang vắng. Mộ đồng chí Trần Lương được dời một lần nữa trước khi an nghỉ vĩnh hằng tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn đến tận hôm nay.

Xóm bà góa ở Viêm Tây

Đồng chí Trần Lương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng hy sinh là tổn thất vô cùng lớn lao của quê hương và của gia tộc Trần Phước. Ít ai biết rằng ở xóm nhỏ Viêm Tây của xã có cụm nhà anh em ruột và thúc bá của ông Trần Lương đều là “cộng sản nòi” với 6 liệt sĩ trong đó có hai người là Huyện ủy viên Huyện ủy Điện Bàn. Bọn địch biết, xóm cộng sản hết người trụ cột nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu nham hiểm là bứng sạch các hạt giống đỏ. Năm 1973, chúng lùa hết đàn bà, con nít, người già xuống hầm và chuẩn bị ném lựu đạn thủ tiêu. May mắn có ông Bảy Lang, người uy tín trong làng kịp thời cản lại. Suốt những năm chiến tranh, 4 bà góa Đặng Thị Tần, Đặng Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Đường, Nguyễn Thị Kính là vợ của các liệt sĩ Trần Phước Thìn, Trần Phước Hân, Trần Lương, Trần Phước Nhiên sống quây quần trong 4 căn nhà nhỏ với cái sân chung. Họ nương tựa vào nhau, thờ chồng nuôi con khi có người mới tuổi 30. Cha không còn, mẹ thường xuyên bị địch bắt bớ đánh đập vì dính líu cộng sản, những đứa trẻ của họ Trần Phước đã trải qua những tháng ngày gian khó, ác liệt. Bà Trần Thị Pháp nhớ lại: “Sau khi cha mất, mẹ tôi biền biệt đi buôn thuốc, buôn gạo lo cái ăn cho cả nhà 6 người. Mấy đứa em tôi đang tuổi lớn đói quá cứ chực chờ chút cơm cháy còn sót lại sau bữa trưa, nhiều khi cắn xé cả chị khi không kiếm cho chúng cái ăn cho no bụng. Nhìn mà thương lắm, không biết làm sao, chỉ mong chờ nước nhà thống nhất”.

Trung tướng Trần Phước Tới, con liệt sĩ Trần Phước Thìn vẫn nhớ như in ngày ông về quê sau giải phóng. Nhà cửa xác xơ sau nhiều lần bị địch phóng hỏa. Ruộng vườn tiêu điều vì bom mìn. Đàn em ruột và con các chú gần chục đứa ai cũng gầy còm, thiếu ăn, quần áo vá chằng chịt. Anh mua nguyên một cây vải hoa nhờ người may đồng bộ cho các em cả trai lẫn gái. Tấm ảnh nhiều áo hoa ấy nay được giữ như báu vật về một thời gian khó.

Con út của liệt sĩ Trần Lương là Trần Phước Hoa khi cha hy sinh mới đi lũn chũn nay đã trưởng thành. Nhà nghèo nhất xóm, cậu vẫn tự học hỏi để nắm vững tri thức, làm chủ nghề xây dựng ở TP. Từ cuộc đời mình, nhiều năm nay gia đình ông luôn làm từ thiện, đóng góp nhiều cho quê hương như sự tri ân cha mình và các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Hồng Vân