Báo Công An Đà Nẵng

Tam Hải, đến & thấy (2)

Thứ năm, 17/04/2014 10:07

* BÀI CUỐI: NHỮNG NGÔI NHÀ KHÔNG ĐÓNG CỬA

(Cadn.com.vn) - Ở Tam Hải một đêm, chúng tôi bất ngờ khi phát hiện người dân nơi đây không bao giờ đóng cửa, kể cả những gia đình giàu có. Cửa mở để đón những luồng gió vào cho mát nhà, mát cửa. Nhà mà khép kín cửa suốt ngày thì chẳng ai đến chơi-  người dân Tam Hải ai cũng nói vậy.

“Thôn tôi có 450 hộ, với 1.550 nhân khẩu, con người thật thà, hiền lành, chẳng bao giờ ăn cắp của ai. Đấy là vốn tính của người dân Tam Hải nói chung và Thuận An nói riêng, và cũng là niềm tự hào của xã đảo này. Nhà nào, nhà nấy chẳng ai đóng cửa làm gì, ai cũng mở suốt ngày nhưng không mất mát tài sản”, ông Trần Đình Nam, Trưởng thôn Thuận An tâm sự.

Đêm, chúng tôi tá túc tại nhà Trưởng thôn Nam. Cửa không khép nên gió biển thổi vào mát rượi. Theo thói quen trước khi đi ngủ, tôi đưa xe từ sân vào nhà. Thấy vậy, ông Nam lên tiếng: “Xe máy chú cứ để đó, nếu ngày mai ngủ dậy không còn xe nữa, tôi sẽ mua xe mới đền cho. Bao đời nay người dân Thuận An chẳng lấy cái gì của ai hết, xin thì sẵn sàng cho chứ không ăn trộm, ăn cắp”, ông Nam nói như đinh đóng cột, rồi giải thích: Vào làng Thuận An chỉ có một con đường, nên dù có muốn lấy trộm xe máy thì kẻ trộm cũng không có đường tẩu tán. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần nhỏ của lý do. Cái chính là do người dân không có tính tham lam, sống thật thà. Nghèo đói thì ra biển làm mà ăn. Còn những kẻ xấu nơi khác đến, nếu có trộm cắp thì họ chỉ có con đường độc đạo là phải qua phà. Mà qua phà thì đông người đi, ai cũng biết.

Những ngôi nhà ở Tam Hải luôn mở toang cửa.

Cả làng, cả xã đều để xe ngoài sân, thậm chí nhiều người còn để ngoài đường ngày này qua ngày khác. “Không đóng cửa nhưng không bao giờ mất trộm xuất phát từ ý thức của người dân Thuận An, và ý thức đó được hình thành từ chính cách giáo dục con cháu của người dân, của chính quyền. Trong làng, các bậc cha mẹ không hề giấu diếm thói hư của con em mình. Vì thế, từ nhỏ con em trong làng đã ý thức được trộm cắp là việc xấu”, ông Nam giải thích thêm.

Ngoài sự bình yên, người dân nơi đây cởi mở, phóng khoáng và ý thức cộng đồng cao. Những con đường trong làng luôn được quét dọn sạch sẽ, dù đa số vẫn là đường đất. Đặc biệt, ý thức bảo vệ tài sản, cần cù, chịu khó coi trọng sức lao động của nhau khiến người dân luôn an tâm mỗi lúc vắng nhà. “Ở đây có một quy luật bất thành văn, nếu thấy hàng xóm vắng nhà lâu ngày, những người sống xung quanh sẽ tự sang khép cửa khi có mưa gió, đưa những thứ đồ như chăn mền, áo quần... vào nhà.. Đặc biệt, nếu xe đạp, xe máy dựng ngoài cổng quá hai ngày không dắt vào, hàng xóm sẽ sang nhắc nhở, hoặc đẩy cất giùm”, Trưởng thôn Nam tự hào khi nói về người dân làng mình. 

CAV Trần Văn Minh: “15 năm tôi chưa “được” vụ trộm cắp nào”.

Cũng vì cảnh thanh bình ấy mà 15 năm nay giữ chức CAV của xã nhưng ông Trần Văn Minh chưa đụng tay xử lý một vụ mất cắp nào trong làng. 15 năm, ông chỉ chứng kiến, giải quyết 2 vụ liên quan đến pháp luật do sử dụng chất nổ trái phép để đánh bắt cá. Ông Minh kể, cách đây mấy năm, có trường hợp để xe máy ngoài đường, sáng hôm sau ra không thấy xe nữa. Đợt đó, mọi người cứ tưởng bị kẻ gian lấy cắp nên chia nhau đi tìm, hóa ra lại không phải. Tối hôm đó, anh Long đi biển trúng đậm tôm hùm giống, trong khi chỗ nuôi tôm không đảm bảo, anh Long sợ tôm chết nên vừa cho thuyền cập bến, thấy xe máy để đó, đang còn chìa khóa, anh không về nhà lấy xe của mình nữa mà lấy chiếc xe đó đi. Đến lúc bán xong tôm có được ít tiền, anh chạy xe lên luôn thành phố chơi mà không về nhà. Đến chiều Long mới chạy về đem xe trả thì lúc này mọi người mới biết được đầu đuôi câu chuyện. Để giải quyết vụ “ăn cắp xe”, anh Long mời chủ xe cùng một người trong làng làm bữa nhậu thế là... xong!.

Trên chuyến phà rời Tam Hải, chúng tôi cứ ngoái lại nhìn vùng đất “lạ mà quen” này, vui buồn lẫn lộn. Tam Hải như một vùng quê nguyên sơ chưa bị thời gian và thói đời làm đảo lộn những giá trị truyền thống. Tam Hải như một bà mẹ nghèo, đông con, muốn những núm ruột mình sinh ra vẹn toàn nhưng bất lực. Tam Hải đẹp đến ngỡ ngàng nhưng cũng ô nhiễm đến kinh người. Tam Hải ba bề giáp biển một bề cận sông nhưng không được công nhận là xã đảo để có cơ chế đặc thù, để có chính sách ưu đãi góp phần cùng người dân giải quyết những tồn tại, khó khăn mà nội lực không thể giải quyết...

B.Bình-T.Nguyễn