Báo Công An Đà Nẵng

Tam Hải, đến & thấy

Thứ tư, 16/04/2014 11:37

* Bài 1: Âm dương không phân định

(Cadn.com.vn) - Cảnh quan đẹp, người với người sống chan hòa, đêm đến nhà khỏi cần đóng cửa... Những tưởng các ưu điểm ấy sẽ khiến cư dân Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) hài lòng, an tâm chăm lo phát triển kinh tế. Song, có đến vùng đất 3 bên giáp biển một bề giáp sông này, mới biết Tam Hải vẫn có bao mối lo chưa thể giải tỏa.

Để đến Tam Hải phải đi phà qua sông Trường Giang. Sau sự cố chìm phà năm 2011, nay đã có phà sắt thay thế cho chiếc phà gỗ năm xưa. Bước xuống bến phà, men theo đường bê-tông rộng phẳng lỳ chạy về thôn Đông Tuần, đập vào mắt chúng tôi là cảnh nhà cửa nằm chen chúc với những ngôi mộ. Đi sâu vào làng, lại có những ngôi mộ mới được mai táng nằm sát nhà dân, cạnh đó là những giếng nước mà người dân vẫn sử dụng ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.

Đông Tuần tọa lạc trên đồi cát, là bán đảo với chiều dài chừng 1km, rộng vài trăm mét. Một bên thôn là cửa sông Trường Giang, một bên biển Đông. Tổng diện tích khoảng 1 km2 nhưng có hơn 700 hộ với 2.600 nhân khẩu. Hiện có hơn 200 hộ dân sống cạnh mồ mả. "Trước đây, Đông Tuần là một đồi cát, cây dương mọc um tùm. Trong chiến tranh chống Mỹ, khu vực này là nghĩa địa chôn cất binh lính tử trận. Đông Tuần nằm ở cuối con sông Trường Giang, cứ sau mỗi trận đánh thi thể người tử nạn trôi dạt nhiều vô kể, sau đó họ được đưa lên đây chôn cất", ông Trần Quốc Khôi, Trưởng thôn Đông Tuần kể lai lịch.

Sau giải phóng, người dân đến đây dựng nhà lập nghiệp ngày một nhiều. Người đông, đồng nghĩa với người chết cũng nhiều, do đó mỗi năm mồ mả được chôn cất dày thêm. "Nhiều hộ dân trong làng khi đào móng làm nhà phát hiện hài cốt, nhưng chỉ biết cất bốc đi nơi khác rồi tiếp tục xây nhà ở. Không làm cách này thì chẳng biết lấy đâu ra đất để làm nhà cửa sinh sống. Chú thử tính đi, cả làng được có 1 km2 đem chia cho 700 hộ dân, mỗi hộ được 150m2, đất thì không đẻ được, còn người thì cứ đẻ. Do vậy để có chỗ làm nhà, buộc phải lấn đất người chết. Còn người chết thì không biết chôn ở đâu, phải chen lấn đất của người sống. Những gia đình ở trước thì cách xa mồ mả hơn, những hộ mới làm nhà thì sống gần hơn. Thậm chí có những vợ chồng trẻ làm nhà trên những ngôi mộ vừa được cải táng", ông Khôi cám cảnh.

Nhà người dân chen lấn với mồ mả.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Phạm Minh Huy nằm lọt giữa thôn, để vào nhà anh phải đi qua hàng loạt ngôi mộ. Tứ phía mồ mả vây quanh. Anh Huy kể: "Cưới vợ thì phải ra ở riêng, trong khi mảnh vườn ba mẹ chỉ đủ làm ngôi nhà cho anh trai đầu. Do đó tôi ra "chiếm" được khu đất thuộc nghĩa địa này dựng nhà. Ban đầu thì mồ mả còn ít, nhưng mỗi năm trong làng có người chết họ đưa ra mai táng, dần dần mồ mả phủ kín xung quanh".

Cách nhà anh Huy vài bước chân là nhà chị Phùng Thị Văn (42 tuổi) phía trước là gần chục ngôi mộ cũ, phía sau là cả một khu nghĩa địa khá mới chỉ cách nhà chừng 2 mét. Chị Văn cho hay, khi đào móng làm nhà, gia đình chị phát hiện hàng chục bộ hài cốt, hai vợ chồng bàn nhau mua tiểu về chuyển đi nơi khác, nhắm mắt xây nhà để ở. "Ban đầu sợ lắm, nhất là giai đoạn chưa có điện thắp sáng. Mỗi khi gió biển thổi vào, rừng dương phát ra tiếng vi vu chẳng thể ngủ được. Nhưng sống lâu thành quen, giờ chẳng sợ nữa. Con cái sinh ra đã sống chung cảnh này nên cũng không sợ, hàng ngày bọn chúng vẫn leo lên mồ mả chơi đùa bình thường", chị Văn tâm sự.

Giếng nước bị ô nhiễm nhưng gia đình anh Phạm Minh Huy vẫn sử dụng hằng ngày.

Nơi ở như vậy, nên bệnh tật cũng theo đó phát sinh. Theo thống kê của Trạm y tế xã Tam Hải, từ năm 2009 đến cuối năm 2013 trên địa bàn xã có đến 68 người chết vì ung thư dạ dày, gan, trong đó thôn Đông Tuần có hơn 20 người, đa số rơi vào những người trẻ tuổi. "Mấy chú coi đó, ở xã Tam Hải này, nguyên nhân người dân bị bệnh ung thư là do sử dụng nguồn nước mà ra thôi! Người Đông Tuần uống nước từ mộ "người chết". Họ đào giếng cạnh mồ mả, nước múc lên thì trong veo nhưng để khoảng 15 phút là chuyển qua màu vàng, vậy mà đành sử dụng hằng ngày", Trạm trưởng Trạm y tế xã Tam Hải Phạm Thị Thiện trải lòng.

Để kiểm chứng, chúng tôi được anh Phạm Minh Huy dẫn ra giếng và dùng gầu múc nước lên xem, quả đúng như lời anh Huy nói. "Mấy cái thau, nồi đựng nước bị ô xi hóa, riêng ấm nấu nước thì 2 tháng phải thay 1 cái. Cách đây 1 năm, những người bán máy lọc nước đem theo máy móc và trang thiết bị đo mức độ ô nhiễm thì cho kết quả nước ở đây ô nhiễm nặng lắm, trong đó hàm lượng can xi rất cao. Mới đây, cha tôi bị ung thư cướp đi mạng sống. Biết là cái chết của cha mình có thể liên quan đến nguồn nước, sợ nhưng gia đình vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng. Một cái máy lọc nước 5 triệu đồng, gia đình nghèo khó lấy đâu ra tiền mà mua?", anh Huy bộc bạch.

 Ông Phan Như Thường, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: "Theo quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, xã Tam Hải có dự án biến toàn xã thành khu du lịch sinh thái. Như vậy, nghĩa địa xã Tam Hải sẽ được quy hoạch tại xã Tam Anh. Khi triển khai dự án, xã rất mừng, song hiện dự án đã dừng lại nên việc quy hoạch nghĩa địa cũng không thực hiện được. Ngoài ra, từ năm 2010, xã Tam Hải đã có phương án thay thế, mở khu nghĩa địa ở thôn Thuận An, song đất không được rộng, lại thêm người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng đã chiếm đi một phần diện tích, nên gặp trở ngại.

Riêng vấn đề nước sạch, năm 2006, Tam Hải được tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ để bắc hệ thống nước ngọt từ xã Tam Giang qua. Đến năm 2010, cảng Tam Hiệp được mở nên phải tháo dỡ đường ống và từ đó chẳng ai sửa chữa, nâng cấp nên mất luôn nguồn nước sạch. Hiện chính quyền và người dân xã Tam Hải chỉ biết trông ngóng việc nối lại hệ thống đường ống dẫn nước ngọt này".

B.Bình-T.Nguyễn
(còn nữa)