Báo Công An Đà Nẵng

Tam Hải trước nỗi lo xâm thực và ô nhiễm môi trường bờ biển

Thứ hai, 23/07/2018 17:10

Xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan đẹp, có tiềm năng lớn về du lịch. Tuy nhiên vấn đề xâm thực và ô nhiễm môi trường ven biển đã và đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến KT-XH và du lịch của địa phương. Đây cũng là bài toán nan giải đối với lãnh đạo chính quyền xã đảo Tam Hải.

Bờ kè Tam Hải đang được tiến hành rất khẩn trương trước mùa mưa bão sắp đến.

Khẩn trương kè biển trước mùa mưa lũ

 Dọc các thôn nằm ven biển của xã Tam Hải như Đông Tuần, Tân Lập, Thuận An, Bình Trung, Xuân Mỹ đều bị sóng biển tàn phá, xâm thực làm hàng trăm mét đất rừng dương chắn sóng, gió bị "nuốt chửng", cùng hàng trăm căn nhà đã và đang có nguy cơ sập đổ. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều dự án kè chống sạt lở bờ biển bằng cọc tre nhưng nỗ lực ứng phó đó như "muối đổ biển". Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án kè cứng dài 550 mét từ thôn Đông Tuần đến thôn Tân Lập và giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư (tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng) nhằm khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa bão sắp đến (giai đoạn đầu sẽ hoàn thành trước 285 mét).

Theo ghi nhận của chúng tôi, công trình đang được thi công khoảng 30 mét tại thôn Đông Tuần, hiện tại chỉ mới xong phần cột móng bờ kè. Trao đổi về vấn đề này,  Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, địa phương đặc thù là một xã đảo nên vấn đề xâm thực biển diễn biến rất phức tạp, mỗi năm địa phương mất hàng chục mét đất ven biển cùng hàng chục căn nhà bị đe dọa. Báo động nhất là từ năm 2013 đến nay, biển đã xâm thực vào đất liền 285 mét. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là 2 thôn Xuân Mỹ và Bình Trung, gần 10 năm qua bị xâm thực hàng chục héc-ta đất dẫn đến gần 100 hộ dân phải di dời đến nơi khác. "Những năm trước còn có hàng trăm cây dừa và rừng dương liễu để chắn gió, giữ cát chống xói lở, nhưng giờ đã bị xâm thực làm đổ ngã. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, tiến hành kè 550 mét bờ biển từ thôn Đông Tuần đến thôn Tân Lập, lãnh đạo địa phương rất quan tâm, thường xuyên xuống kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công nên chắc chắn sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão này"- ông Hùng thông tin.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện dọc bờ biển Cửa Lở đến thôn Thuận An đang bị xâm thực rất nghiêm trọng. Đồng thời khu vực sông Cửa Lở lại bị tắc nghẽn. Mới đây, UBND xã Tam Hải cũng đã có văn bản trình lên cấp trên có phương án tiếp tục hỗ trợ kè thêm 900 mét khu vực này, tổng kinh phí cho việc kè biển và nạo vét phân luồng khu vực Cửa Lở 100 tỷ đồng. "Hiện tại khu vực Cửa Lở bị xâm thực rất nghiêm trọng sâu từ 7-8 mét, phương án đề ra là kè cứng, đóng cột móng sâu từ 11 đến 12 mét nhưng đó vẫn là biện pháp chưa thật sự hữu hiệu, bởi thổ nhưỡng là đất cát, mỗi năm sóng biển xâm thực một ít sẽ làm hỏng chân bờ kè dẫn đến sập đổ. Địa phương đã thống nhất sẽ nhờ các chuyên gia về lĩnh lực kè biển để cùng bàn bạc nghiên cứu về tính chất, hoạt động của các dòng hải lưu tác động đến bờ biển Tam Hải, từ đó tìm ra quy luật, đề xuất biện pháp kè tự nhiên đảm bảo tính bền vững lâu dài"- ông Hùng nói.

 Rác thải tập kết ven sông Trường Giang gây ô nhiễm môi trường và làm mất cảnh quan bãi biển.

Khó khăn trong giải quyết rác thải

Ngoài việc bị xâm thực bờ biển, Tam Hải còn đứng trước tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan môi trường du lịch, đời sống người dân. Do không có địa điểm tập kết rác, các tiểu thương trong chợ và người dân cứ mặc nhiên xả rác ra bến sông, kết hợp với lượng lớn rác thải theo dòng sông Trường Giang tập kết tại khu vực ven biển gây ô nhiễm môi trường làm mất cảnh quan bờ biển. Cách đây 4 năm, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng lò đốt rác với kinh phí 4,5 tỷ đồng. Nhưng do địa hình là xã đảo, dân cư bố trí dày đặc nên không có vị trí thích hợp để xây dựng lò đốt. Theo ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Tam Hải, sau khi có chủ trương xây dựng lò đốt rác, hầu hết người dân đều đồng tình, nhưng do địa hình bốn bề sông nước và mật độ dân cư đông nên vướng mắc ở nơi đặt vị trí lò đốt. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần khảo sát ở các thôn Bình Trung và Thuận An nhưng người dân không đồng ý bởi vị trí đặt lò cách nhà dân chỉ khoảng 200 mét, không đáp ứng đúng quy định của Bộ Y tế là phải cách xa khu dân cư 500 mét. Bên cạnh đó, người dân lo ngại nếu rác chuyển đến không xử lý liền sẽ gây hôi thối, nguồn nước sẽ bị ô nhiễm vì hầu hết dân xã đảo dùng nước giếng nên đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện...

LÊ VƯƠNG