Báo Công An Đà Nẵng

Tam Kỳ yêu thương

Thứ sáu, 14/11/2014 10:46

(Cadn.com.vn) - Xin mượn ý của tựa đề bài hát "Tam Kỳ khúc hát yêu thương" của anh Đoàn Ngọc Bính sáng tác hồi mới chia tách Quảng Nam- Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính mới là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, mà chúng tôi hay hát để làm tựa đề bài viết này.

Tam Kỳ bây giờ lạ lắm. Tam Kỳ bây giờ khác xưa nhiều quá. Tam Kỳ đang thay da đổi thịt, đẹp lên từng ngày. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi trở lại mảnh đất đầy duyên nợ này vào một dịp mới đây. Nói xưa không phải khi Tam Kỳ là thủ phủ của xứ Hà Đông một thuở. Mà nói xa song cũng chỉ tròn trèm 18 năm, khi tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng chia tách và Tam Kỳ được lịch sử chọn lựa làm tỉnh lỵ Quảng Nam (1997).

Tam Kỳ hôm nay.

Đêm cuối thu, hình như Tam Kỳ vẫn chưa chịu đi ngủ. Trời không lạnh. Chỉ vài cơn mưa nhẹ hạt rơi rắc ngoài phố, và có những cơn gió thoang thoảng mang theo hương ngào ngạt của quỳnh anh, ngọc lan vườn nhà ai phảng phất nồng nàn. Tôi thả bộ dọc ven con đường Hùng Vương, nơi có Khu trung tâm hành chính tỉnh lỵ vừa mới cải tạo, nâng cấp trông uy nghi, hoành tráng. Những hàng cây xanh ven đường bây giờ đã cao lớn; những hàng sao đen, viết, phượng, bàng,... bóng lá tỏa sum suê. Những con phố Trần Phú, Trần Quý Cáp, Nguyễn Chí Thanh, những con đường miên man nắng gió dẫn về An Hà, Cây Trai, về Hòa Hương, Trường Xuân... màu xanh cây lá hút trong tầm mắt.

Tam Kỳ đổi thay đến ngỡ ngàng. Có lẽ, đó không chỉ là cảm nhận của những đứa con xa quê lâu ngày trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mà cho cả những ai đã từng có một thời sống, làm việc ở mảnh đất này như tôi. Những khu phố mới, những ngôi biệt thự, nhà cao tầng mọc lên san sát; những hàng me, viết, sưa, phượng... Viết đến đây, tôi chợt nhớ, anh Mai Thúc Lân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam bấy giờ, trong một dịp ghé thăm Báo Quảng Nam hồi đó, có đọc cho chúng tôi nghe câu thơ của ai đó viết về Tam Kỳ với nét mặt hân hoan, phấn khởi: "Tam Kỳ đã có bùng binh, có tháp truyền hình, đèn đỏ đèn xanh".                                                                

Lần trở lại này, tôi và anh Đinh Văn Mãnh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cùng các anh Lê Văn Nhi, Nguyễn Hữu Đổng, Phan Quang Mười,... ở Báo Quảng Nam đang ngồi nhâm nhi ly cà-phê sáng ở quán Mộc, một thoáng sau, thấy Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Văn Anh Tuấn xuất hiện.  Sau cữ cà-phê sáng với bao câu chuyện không đầu không cuối về một thời trai trẻ chưa xa khi chúng tôi cùng sống và làm việc ở Tam Kỳ với một tinh thần và hào khí "tất cả vì Quảng Nam yêu thương", với bao gian khó, nhọc nhằn; cùng những trăn trở về một Tam Kỳ hiện hữu, bộn bề của một đô thị trẻ... và, một Tam Kỳ ngày mai với bao khát vọng lẫn toan tính, suy tư cháy lòng, làm thế nào để thành phố này phát triển.

Khi tôi đề xuất ý định muốn về tham quan công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng để tận mắt chứng kiến công trình kỳ vĩ, mang đầy huyền thoại, có một không hai của đất nước này đang ở trong giai đoạn thi công nước rút để kịp khánh thành vào dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Nam, 24-3-2015, Phó Chủ tịch Tuấn nhiệt tình hưởng ứng.

Con đường Lê Thánh Tông chạy về thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, nơi có tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng rộng rãi, thoáng mát. Phó Chủ tịch Tuấn bảo, con đường này dự  kiến quy hoạch trồng cây me. Hy vọng rồi mai đây, hai bên con đường đẹp này, những hàng me xanh ngát sẽ đưa du khách thập phương trở về với cội nguồn của đất nước, của dân tộc, nơi có tượng đài lấy nguyên mẫu Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, có chồng và 9 người con đã hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng. Anh còn nói như khoe với tôi, hưởng ứng ngày Đô thị Việt Nam, Tam Kỳ vừa phát động trồng 200 cây xanh trên đoạn đường gần 300m từ trước khuôn viên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đến đường Lê Thánh Tông, với chủ trương của lãnh đạo thành phố là cây xanh phải "đi trước một bước" để tô điểm thêm cho mảnh đất huyền thoại này.

Công trình Tượng đài Mẹ VNAH được đặt tại xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là nơi "sơn thủy hội tụ" giữa vùng đồng bằng ven biển. Khu vực này có núi Cấm, núi Quảng Phú, đồi An Hà, xa hơn về phía tây có vùng núi đồi Trà Cai là những địa danh vừa có vẻ đẹp thiên nhiên, vừa mang tính lịch sử, văn hóa. Từ phía tây nam, sông Kỳ Phú chảy ra hòa với một nhánh của dòng Trường Giang ở phía nam. Phía đông là dòng chính Trường Giang chảy dọc theo ven biển, nối liền từ cửa An Hòa, Núi Thành ở phía nam và Cửa Đại, Hội An ở phía bắc; hướng tây có núi đồi Trà Cai; đây là thế đất "Long chầu, Hổ phục".

Trong tương lai, khi tuyến đường du lịch ven biển từ Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến Núi Thành, Quảng Nam xây dựng hoàn chỉnh, kết nối với đường An Hà - Quảng Phú thì Tượng đài Mẹ VNAH là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.  Tam Kỳ sẽ phát triển về phía đông, đông- nam thành phố. Bên cạnh công nghiệp, nông nghiệp, trong tương lai gần, Tam Kỳ sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy dịch vụ và du lịch làm thế mạnh để phát triển trong quá trình đô thị của thành phố trẻ. Đó là xu thế tất yếu và không nằm ngoài quy luật của bất cứ thành phố nào trên đất nước hình chữ S này.

Cùng với Trường Xuân, Tam Ngọc đã và đang phát triển các cụm công nghiệp ở phía tây, tây- bắc, những Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng,... ở phía đông, đông- nam thành phố trẻ này, rồi một ngày không xa sẽ lên phố, lên phường, trở thành những địa chỉ dừng chân hấp dẫn của du khách thập phương với bao tiện ích dịch vụ du lịch của thời hiện đại.

Xa Tam Kỳ trong tiết trời cuối thu, cơn mưa bất ngờ đổ xuống rồi trời lại ráo hoảnh như những cơn mưa ở TPHCM, lòng tôi cảm thấy ấm áp chi lạ. Hy vọng và kỳ vọng về một Tam Kỳ trong tương lai giàu đẹp, văn minh, hiện đại và nhân văn, xứng đáng là "thủ phủ" của đất Quảng Nam anh hùng cứ ám ảnh tôi suốt quãng đường gần 70 cây số trên QL1A vẫn còn đang nâng cấp trong bộn bề, nham nhở để về lại Đà Nẵng.

 Có một Tam Kỳ rất xa của xứ Hà Đông một thuở, một Tam Kỳ của những năm đầu chia tách tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng với một thị xã nhỏ bé, bụi bặm, quê mùa với bao bộn bề gian khó. Và, có một TP Tam Kỳ như cô gái 18 tràn trề sức sống, phủ đầy màu xanh cây lá hiển hiện trong tôi, như một tình yêu, như lời hẹn ước, đẹp đến nao lòng.

Đinh Văn Dũng