Báo Công An Đà Nẵng

Tấm lòng của vị Đại tá về hưu

Thứ tư, 27/09/2017 11:36

Đại tá Lê Xuân Đây (1930, trú thôn Tiên Đõa, xã Bình Sa, H. Thăng Bình, Quảng Nam)  là lính Trường Sơn, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 968 quân tình nguyện Nam Lào. 18 tuổi, ông đã là Đảng viên, 20 tuổi chính thức vào bộ đội chủ lực tham gia kháng chiến. Được ít năm thì người lính trẻ tập kết ra Bắc theo lệnh của cấp trên. Duyên phận gõ cửa, ông quen rồi kết hôn với một cô bộ đội miền Bắc xinh đẹp công tác ở Quân khu Tả Ngạn - Hải Dương. Giữa bom đạn, đôi vợ chồng trẻ được hai bên đơn vị tác hợp bằng một đám cưới đơn sơ. “Ngày đám cưới giữa bom lửa nên cũng không có gì đặc biệt dành tặng cho cô ấy. Chỉ có tình yêu chân thành dành cho nhau rồi sự chứng kiến của hai bên gia đình, bạn bè. Đám cưới xong tôi lại lên đường chiến đấu. Trước đó, chúng tôi giữ đường 9 Nam Lào tại Quảng Trị. Thời điểm này là khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau, theo yêu cầu, đơn vị đánh sang Lào giữ Tây đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi làm nhiệm vụ quốc tế hỗ trợ, giải phóng nước Lào”, Đại tá Đây kể. Chiến tranh ác liệt nhưng cả Sư đoàn 968 vẫn kiên trung, bền bỉ giành chiến thắng trong chiến dịch Bolovens–Paksong (Lào) rồi nhanh chóng hành quân thần tốc xuyên Trường Sơn về giải phóng mặt trận Tây Nguyên...

Đại tá Lê Xuân Đây 

Ngày hòa bình, những tưởng hạnh phúc mỉm cười thì ông lại đau đớn nhận tin vợ mất, không lâu sau người con trai đang công tác trong quân đội cũng qua đời. Cuối cùng, ông chọn quay về với mảnh đất quê hương làng Tiên Đõa. “Tôi hồi đó mắc bệnh tim vì bị thương nhiều quá, chân bị bom cắt đứt 1/3 gân. May là những đứa con còn lại cũng đã trưởng thành hơn nên tôi mới yên tâm về quê sinh sống”, Đại tá Đây tâm sự.

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông về quê, làng Tiên Đõa còn nghèo khó, không có điện, nước  nhiễm mặn. Các cấp ngành chức năng hối hả bằng mọi cách đưa điện về cho người dân mới mong phát triển vùng. Năm 1996, đường dây điện đã về làng bên, nhưng Tiên Đõa vẫn âm u trong ánh đèn dầu. Để có kinh phí kéo điện về làng, mỗi hộ dân phải đóng 500 nghìn đồng. “Người dân lấy đâu ra tiền để nộp. Phải nói 500 nghìn thời điểm đó là cả gia tài mà bao người không dám mơ”, Đại tá Đây trăn trở.

Thế rồi, cả làng sửng sốt khi nghe ông bỏ ra mấy chục triệu đồng nộp phí cho cả làng. “Chúng tôi quá bất ngờ, ứa nước mắt khi hay tin để có số tiền lớn đó ông Đây đã phải cầm cố căn nhà. Về sau, bà con có tiền gửi lại nhưng ông không lấy. Ai cũng thương ông nên đành biếu ông mớ rau, ít thịt cá mỗi buổi đi chợ. Từ đó đến nay tình làng nghĩa xóm mãi sâu đậm”, bà Trần Thị Hồng, người dân địa phương, xúc động kể. Dây điện được kéo về, cả làng Tiên Đõa bừng sáng, hy vọng đổi thay và sự phát triển cũng từ đó đi lên. Và cũng chính từ đó, hành trình thiện nguyện của người cựu binh bắt đầu. Số tiền còn lại từ việc thế chấp nhà ông mang sửa sang lại giếng làng cho bà con lấy nước sinh hoạt; ông tự bỏ tiền nâng cấp trường mẫu giáo của làng, rồi mua trang thiết bị phục vụ dạy học; hỗ trợ các gia đình khó khăn xây nhà, chăm lo việc học cho con em trong làng...

Phải hơn 3 năm sau từ ngày thế chấp nhà ông mới góp đủ lương hưu để trả nợ tiền vay... “Bà con còn nhiều vất vả, khó khăn mình có điều kiện thì giúp đỡ thôi. Hơn nữa, bản thân là người lính nên càng hiểu và thấu cảm với những gian khổ, hy sinh của người dân. Đến bây giờ, tôi vẫn tự hào vì các con vẫn theo nghiệp bố, tiếp tục phục vụ, cống hiến cho Tổ quốc...”, Đại tá Đây nói. Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Sa cho biết: “Tấm lòng của Đại tá Lê Xuân Đây thật đáng trân quý. Đến bây giờ khi tuổi già, sức yếu nhưng ông vẫn ở trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ nhưng mọi chương trình từ thiện trong xã ông đều góp mặt. Với ông, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân là món quà vô giá nhất”.

PHI NÔNG